"Việt Nam 'chảnh' quá người ta chạy hết qua nước khác", ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu tại hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 5/12.

Theo ông Lộc, phát triển xanh - tức đáp ứng các tiêu chí bền vững, tiến tới trung hòa carbon - là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, cần có lộ trình hợp lý với trình độ phát triển của Việt Nam, hài hòa 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường.

Do đó, không thể vì xanh mà từ chối các dự án đầu tư thuộc các ngành chưa có công nghệ hoàn toàn xanh. Nhất là khi các ngành này - như hóa chất, khai khoáng, luyện kim hay vật liệu - chính là nền tảng công nghiệp hỗ trợ.

"Hệ thống kinh tế là chuỗi giá trị. Chúng ta đang cần thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ nên có liên quan đến khai thác tài nguyên, sản xuất hóa chất. Không nhận đầu tư các ngành này thì khó phát triển công nghiệp hỗ trợ. Vấn đề là xử lý phát thải sao đúng chuẩn mực", ông Lộc phân tích.

fed1-5-1-1701767189-2119-1701768732.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4RfETjLn_sCyPGvSDSOohQ

Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Niên

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng các địa phương nên sàng lọc công nghệ, kiểm soát phát thải, chứ không thể chỉ nghe sản xuất vật liệu, hóa chất cơ bản là xếp vào ngành ô nhiễm và từ chối.

"Công nghiệp thì phải nói đến những ngành xương sống thượng nguồn chuỗi cung ứng. Nguyên vật liệu, hóa chất cơ bản là xương sống, giúp tăng nội địa hóa, tối ưu chi phí, cải thiện giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh", bà Nhi nhận định.

Tại Phú Mỹ 3, cách làm của họ là yêu cầu cam kết từ đầu. "Khi tiếp cận khách hàng, chúng tôi đưa ra quy chế (về các yêu cầu xanh), nếu vi phạm thì có thể dừng cung cấp nước", bà Nhi nêu kinh nghiệm. Với sàng lọc theo công nghệ, Phú Mỹ 3 đã thu hút được 3 tỷ USD, suất đầu tư đạt 8,5 - 9 triệu USD mỗi ha, cao nhất tỉnh.

Một số cơ quan quản lý khu công nghiệp địa phương cũng chọn cách lọc theo công nghệ để đón đầu tư xanh, ví dụ như Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza). Trưởng ban Hứa Quốc Hưng cho rằng các ngành kể cả bê tông, hóa chất, vật liệu xây dựng cho đến quần áo, giày dép đều phục vụ nhu cầu xã hội. "Nếu khu công nghiệp không tiếp nhận những ngành đó thì họ đi đâu, nếu đặt quá xa thì giá thành sẽ đội lên", ông nói.

Hepza vẫn dành diện tích nhỏ tại các khu cho các ngành không được xen lẫn trong dân cư và ưu tiên dự án mới có công nghệ, giá trị gia tăng cao. Ba năm qua, suất đầu tư tại TP HCM là 8,6 - 9 triệu USD mỗi ha, riêng 11 tháng 2023 là 12,5 triệu USD. Hepza đặt mục tiêu suất đầu tư giai đoạn tới 12 - 15 triệu USD mỗi ha.

Trong 31 khu công nghiệp đang hoạt động, Đồng Nai vẫn có nơi cho những ngành như dệt may, xi mạ. "Tuy nhiên, chúng tôi kèm theo những điều kiện phù hợp định hướng của tỉnh, công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám cao", Dương Thị Xuân Nương, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, cho biết.

Thay vì "lọc" ngành, vấn đề là làm sao xanh hóa các khu công nghiệp hiện hữu và khơi thông dòng vốn xanh vào Việt Nam thời gian tới. TP HCM đang có đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu công nghiệp sang xanh. Tại Đồng Nai, khu công nghiệp Amata được chọn để chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Bà Rịa - Vũng Tàu có chương trình phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica) bao gồm mục tiêu tăng trưởng xanh.

fed1-2023-12-05t160600-862-170-9908-3751-1701768732.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HpFYzVgsGSP7I_i2UdRieQ

Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Niên

Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết nền kinh tế xanh Việt Nam ước đạt quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 và dự kiến 300 tỷ USD vào 2050. Theo tính toán, cần huy động thêm 144 tỷ USD giai đoạn 2021 - 2050 (thời giá tính năm 2020, chiết khấu 10% hoặc 827 tỉ USD không chiết khấu), tương ứng 2,2% của GDP, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, với 3 nguồn chính.

Một là hỗ trợ từ nước ngoài, với 15,5 tỷ USD đã được cam kết bởi JETP, và 2,3 tỷ USD đang đàm phán với Quỹ khí hậu xanh. Hai là nội lực, gồm đầu tư công và tư nhân. Và ba là đầu tư nước ngoài, ước mỗi năm cần kêu gọi 20-30 tỷ USD giai đoạn 2026-2030; 30-40 tỷ USD giai đoạn 2031-2040.

Nhưng rào cản khi thu hút vốn gồm thủ tục, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, lao động, thuế và ưu đãi. Bộ đề xuất 4 giải pháp: xây dựng chính sách huy động vốn (trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh); nâng khả năng tiếp cận tài chính (cơ chế ưu đãi đầu tư xanh, nâng cấp các bộ chỉ số về bền vững); xây dựng cơ chế đầu tư các công nghệ mới, phát thải thấp; cải thiện minh bạch tài chính xanh.

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP HCM, cũng cho rằng có tình trạng thiếu cơ chế chính sách cho mục tiêu hướng đến kinh tế xanh nên có tình trạng thấy ngành nào cũng loại. Ông kêu gọi sớm hình thành thị trường carbon (theo đề án của Bộ Tài nguyên và Môi trường là vào 2025 và vận hành từ 2028) và tính toán việc cấp quota ra sao.

Tương tự, TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thể chế, tiêu chuẩn, tiêu chí là quan trọng hàng đầu. Phải có hệ thống quy chuẩn, tiêu chí thì tăng trưởng xanh mới vận hành được, tránh tình trạng một số doanh nghiệp, địa phương xung phong đi đầu phải chịu rủi ro, thậm chí "ăn đòn".

Trong đó, ông Vũ Tiến Lộc nói cần nhanh hoàn thiện chính sách cho điện tái tạo để thu hút FDI ngành này. Điện tái tạo được xem là một mũi tên trúng 2 đích: cung cấp năng lượng xanh, mở đường cho các dự án công nghệ cao, có tính bền vững. "Hiện một số nhà đầu tư đang băn khoăn và trông chờ Việt Nam đảm bảo nguồn năng lượng xanh cho họ thế nào để cân nhắc đầu tư", ông cho biết.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022