Thông tin trên được ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết trong tọa đàm thị trường trái phiếu doanh nghiệp, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay.

Theo ông Dương, có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán. Tỷ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% trong tháng 2 lên 63% vào tháng 10. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn. Một yếu tố giúp tỷ lệ đàm phán tăng lên là Nghị định 08.

"Việc Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định 08 đã cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên", ông Dương cho biết.

img7303-1701676572078657487418-1932-1701686885.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dkKdH3nh0nwe2gpI_6bxqQ

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính Bộ Tài chính (phải) và ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế (Quốc hội). Ảnh: VGP

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), hơn 60 tổ chức phát hành thực hiện thành công hoạt động thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu và đã báo cáo lên HNX, tính đến ngày 27/10. VNDirect ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn kể trên là khoảng 107.000 tỷ đồng.

Việc phát hành cũng có những dấu hiệu tích cực hơn, theo lãnh đạo Bộ Tài chính. Quý I, thị trường hầu như không có đợt phát hành nào nhưng từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), thị trường trái phiếu có thể xem là đã "hạ cánh mềm" sau những khủng hoảng xảy ra cuối năm 2022.

Theo chuyên gia từ SSIAM, thị trường trái phiếu hay bất kỳ thị trường nào, đều phải trải qua giai đoạn phát triển và những vấp váp để chỉnh sửa lại những quy định, chính sách, chuẩn chỉnh hóa quá trình phát triển.

"Thực ra đây cũng là những cú vấp tất yếu. Nhìn sang lịch sử các nước xung quanh, trước khi họ đi đến một thị trường trái phiếu phát triển hiện nay và thậm chí là đến thời điểm này, họ vẫn có vấn đề", bà Ngọc Anh nói. Bà cũng cho rằng, một năm 2023 rất khó khăn đã đi qua, tạo cơ hội, tiền đề để sang năm 2024 sẽ có những tăng trưởng.

Đánh giá về triển vọng thị trường trái phiếu, TS Cấn Văn Lực cho rằng "không nên quá lo lắng", vì thị trường còn nhiều dư địa phát triển. Vai trò của thị trường trái phiếu Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp. Quy mô dư nợ trái phiếu hiện chỉ chiếm 13%, trong khi Thái Lan là 27%, Philippines là 22%.

"Quan trọng hơn cả là phải cải thiện chất lượng của thị trường. Tổ chức phát hành cần nâng cao chất lượng, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp", ông Lực nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) cho rằng một số trường hợp vi phạm trong phát hành trái phiếu có thể xem là cơ hội để những tổ chức uy tín vươn lên, tạo niềm tin riêng với nhà đầu tư. Các tổ chức phát hành, trung gian cần hành động vượt trên sự tuân thủ, tức là áp những quy chuẩn cao hơn quy định.

"Luật không yêu cầu nhưng nếu doanh nghiệp có thể làm tốt hơn vì lợi ích của họ và thị trường thì nên áp dụng", ông Hiếu nói.

Minh Sơn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022