Chia sẻ tại Diễn đàn về hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước sáng 6/11, các chuyên gia đều cho rằng, công tác cổ phần hóa còn chậm dù khuôn khổ pháp lý cơ bản đã thông thoáng. 

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), một trong những vướng mắc lớn nhất nằm ở khâu sắp xếp lại danh mục đất đai. Theo ông, hành lang pháp lý đã có từ Luật Đất đai 2013, tức là các doanh nghiệp Nhà nước phải rà soát và sắp xếp, nếu thừa thì trả lại, và công việc này phải hoàn thành trước cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc sắp xếp này lại bộc lộ nhiều vấn đề. "Hoạt động của doanh nghiệp có còn hiệu quả sau khi đã tách bạch đất đai là một câu chuyện lớn", ông nói.

hang-phim-truyen-NgocThanh-3807-1541489624.jpg

Trụ sở hãng phim truyện Việt Nam - nơi xảy ra nhiều sai phạm trong vấn đề cổ phần hóa. Ảnh: Ngọc Thành.

"Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế là sống nhờ vào nguồn thu từ cho thuê đất. Nếu sắp xếp lại và tách bạch phần này, sẽ chuyển từ làm ăn kinh doanh có hiệu quả sang thua lỗ", ông Tiến nói và cho rằng trở ngại này khiến công tác cổ phần hóa bị chậm lại.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) cũng cho rằng, năng lực hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn còn quá thấp.

"Nguồn vốn của doanh nghiệp Nhà nước có xu hướng tăng nhanh qua các năm nhưng doanh thu lại tăng chững lại. Thâm dụng vốn, lao động, đất đai rất nhiều nhưng hoạt động lại không hiệu quả", bà Thảo đánh giá. 

Theo chuyên gia từ CIEM, phần lớn doanh thu, lợi nhuận của khối này nằm ở các ngành nghề có lĩnh vực cạnh tranh thấp. Còn ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước rất thấp, cho thấy áp lực cạnh tranh đã bộc lộ những điểm hạn chế về hoạt động.

Tuy nhiên, việc xử lý câu chuyện tách đất đai khỏi hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp Nhà nước lại không đơn giản.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, đất đai là một vấn đề rất phức tạp. Việt Nam đã nhiều lần sửa đổi Luật về vấn đề này song vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý.

Lấy ví dụ về Hãng phim truyện Việt Nam, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, câu hỏi cần đặt ra trước cổ phần hóa là hãng phim sống bằng làm phim hay bằng thuê đất. Việc quản lý đất đai dẫn tới nợ đọng tiền thuê đất nhiều năm, đất thuê hết thời hạn từ năm 2012 nhưng không bị thu hồi và sau đó đánh giá bằng 0 đã khiến nảy sinh nhiều vấn đề sau cổ phần hóa.

Việc xử lý triệt để vấn đề này cũng gặp vướng mắc ngay từ phía những người lãnh đạo doanh nghiệp, mà điểm mấu chốt ở đây là câu chuyện "sợ trách nhiệm".

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước đã nói với ông Tiến rằng, họ rất "lo lắng khi đánh giá lại hoạt động công ty, xử lý công nợ", bởi nếu làm đến cùng nhiều doanh nghiệp sẽ không thể tìm được người mua khi cổ phần hóa do hiệu quả hoạt động quá thấp. 

"Nhiều lãnh đạo lo ngại rằng khi dỡ đất, hoạt động kinh doanh ra một cách rạch ròi thì sẽ xuất hiện tồn dư. Công ty con thì đẩy cho công ty mẹ nhưng công ty mẹ thì biết đẩy cho ai", ông Tiến nói và cho rằng hai chữ "trách nhiệm" khiến quá trình này bị chậm đi đáng kể.

Trong năm nhóm giải pháp được ông Tiến trình bày tại diễn đàn, ngoài những vấn đề liên quan đến nhận thức và sự quyết liệt trong hành động, một ý quan trọng nhất là phải "công khai và minh bạch" trong hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước.

"Thật sự khi minh bạch ra thì không tránh được thiếu sót, tồn tại, nhưng điều quan trọng là chúng ta đã có đủ cơ chế rồi thì phải quyết liệt thực hiện", ông Tiến nói. Khi thay đổi nhận thức của những người đứng đầu doanh nghiệp, theo ông, việc cổ phần hóa sẽ được đẩy nhanh hơn.

Minh Sơn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022