Năm ngoái, Amazon nói với công ty sản xuất đồ gia dụng thông minh Ecobee rằng hãng này nên bàn giao dữ liệu từ các sản phẩm của hãng cho Amazon, kể cả khi khách hàng đang không sử dụng. Ecobee lo sợ việc này sẽ xâm phạm đến quyền riêng tư của khách hàng.

Thiết bị của hãng được kết nối với Alexa – trợ lý ảo của Amazon và vì thế cũng đã chia sẻ một phần dữ liệu với Amazon. Không chỉ vậy, Ecobee còn lo ngại nếu có thêm thông tin về người dùng Ecobee, Amazon có thể sử dụng chính những dữ liệu này cho các sản phẩm cạnh tranh với Ecobee.

Đáp lại sự từ chối này, đại diện Amazon nói rằng nếu không tuân thủ, hoạt động bán sản phẩm của Ecobee trên nền tảng bán lẻ của Amazon có thể chịu ảnh hưởng.

Theo nhiều cựu lãnh đạo Amazon và đại diện doanh nghiệp đối tác, việc Amazon sử dụng quyền thống trị ở mảng kinh doanh này để buộc đối tác nhượng bộ ở mảng kinh doanh khác không phải điều gì mới. Chiến thuật của Amazon đã vượt khỏi quy tắc kết hợp bán sản phẩm thông thường hay đàm phán cứng rắn, khi họ đe dọa trả đũa với những dịch vụ quan trọng mình đang cung cấp, ví dụ như bán lẻ. Đối tác thường phải làm theo đòi hỏi từ phía Amazon, bởi quyền lực quá lớn của hãng trên nhiều lĩnh vực.

Phát ngôn viên của Amazon Jack Evans, mới đây khẳng định Ecobee vẫn bán hàng bình thường trên nền tảng của hãng. Nữ phát ngôn viên của Ecobee, bà Andie Weissman cũng nói: "Amazon vẫn tiếp tục là đối tác quan trọng của Ecobee". Theo nguồn tin của WSJ, các cuộc đối thoại giữa hai bên vẫn đang diễn ra.

Đại diện một doanh nghiệp từng làm việc với Amazon, CEO PopSockets David Barnett cho biết: "Nhân viên Amazon sẽ tìm mọi cách để đạt mục tiêu, kể cả khi phải hủy hoại mối quan hệ".

popsocket-1619183474-5369-1619183707.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Cwr4AialxxonBGN6nBhL4w

CEO PopSockets David Barnett tại trụ sở công ty. Ảnh: WSJ

Năm ngoái, trong phiên điều trần trước Tiểu ban chống độc quyền Hạ viện Mỹ, Barnett cho biết Amazon dọa sẽ cho nền tảng này ngập các mặt hàng nhái sản phẩm của PopSockets để buộc hãng này chi thêm tiền cho các dịch vụ của Amazon.

"Người ta sẽ thắc mắc: "Tại sao một doanh nghiệp vừa duy trì được quan hệ với quá nhiều đối tác, vừa cùng lúc bắt nạt được họ?", ông nói. Đơn giản là vì các đối tác buộc phải nhượng bộ.

Phát ngôn viên của Amazon thì khẳng định công ty không hề đòi hỏi đối tác phải trả tiền để ngăn sản phẩm giả mạo. "Amazon luôn cố gắng đàm phán để có điều khoản tốt nhất cho khách hàng. Chúng tôi sẽ không cung cấp dịch vụ nếu không làm được điều này. Mọi người cũng đừng ngạc nhiên khi chúng tôi đàm phán xuyên các mảng kinh doanh thuộc Amazon. Nhiều khách hàng và đối tác của chúng tôi cũng làm tương tự và thông thường cũng muốn kết hợp cả các mảng kinh doanh khác của Amazon vào nữa".

Amazon tất nhiên có thừa cơ hội để kết nối các mảng kinh doanh khác nhau. Vì họ có hoạt động mạnh trong nhiều ngành, từ bán lẻ đến điện toán đám mây, quảng cáo số, nội dung trực tuyến, công nghệ hỗ trợ giọng nói và vận tải. Amazon thuộc số ít công ty có vị thế lớn trong nhiều ngành riêng rẽ như vậy.

Theo tính toán của nhiều tổ chức nghiên cứu và kết quả từ các phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, Amazon đứng đầu hoặc thứ nhì trong nhiều mảng kinh doanh của hãng. Nền tảng bán lẻ của Amazon lớn nhất tại Mỹ. Họ cũng là doanh nghiệp quảng cáo số có quy mô lớn thứ 3 tại Mỹ. Amazon là công ty điện toán đám mây lớn nhất toàn cầu về doanh thu, theo số liệu của Gartner.

Thiết bị tivi Fire của Amazon chiếm khoảng 30% thị phần tại Mỹ, theo tổ chức nghiên cứu Park Associates. Amazon cũng đang có vị thế tốt trong nhiều lĩnh vực như loa điều khiển bằng giọng nói, bán sách hoặc kinh doanh thực phẩm trực tuyến.

Việc một doanh nghiệp sử dụng vị thế thống trị của mình để áp đặt điều khoản lên khách hàng khiến nhiều người lo sợ về sự độc quyền. Các nhà quản lý lâu nay vẫn băn khoăn về việc liệu một công ty có đang hạn chế sự lựa chọn của khách hàng bằng cách buộc người mua dù muốn sản phẩm này nhưng lại phải mua sản phẩm khác hay không.

Chiến lược kiểu này trong kinh doanh được biết đến với tên gọi "bán có ràng buộc". Giới chức Mỹ đã cáo buộc về hành vi này trong hàng loạt vụ kiện chống độc quyền với một số doanh nghiệp, từ Standard Oil của John D. Rockefeller cho đến Microsoft. Microsoft đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ về nhiều cáo buộc, nhưng không thừa nhận có sai phạm, trong đó bao gồm cáo buộc cố tình ràng buộc trình duyệt Internet cho hệ điều hành của hãng này.

Nhiều chính trị gia Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và các nhà hoặc định chính sách tại nhiều bang của Mỹ đã tìm hiểu về hành vi cạnh tranh của Amazon cũng như nhiều công ty công nghệ lớn khác.

Vào tháng 10/2020, Tiểu ban chống độc quyền của Mỹ đã hoàn tất cuộc điều tra kéo dài 16 tháng với hành vi tiềm ẩn rủi ro phản cạnh tranh của Amazon, Apple, Facebook hay Alphabet. Ủy ban kết luận rằng Amazon đã sử dụng "quyền lực độc quyền" với các bên bán hàng. Họ dẫn chứng rằng Amazon dùng sự thống trị trong thương mại trực tuyến để gây áp lực trong các cuộc đàm phán với đối tác ở các mảng kinh doanh khác.

Amazon phủ nhận điều này. Hãng nói rằng các doanh nghiệp lớn không nắm quyền thống trị và quan điểm thành công là kết quả của hành vi phản cạnh tranh là hoàn toàn sai lầm.

Theo các chuyên gia về chống độc quyền, việc chứng minh hành vi bán có ràng buộc có vi phạm luật hay không là rất khó. Gary Reback - luật sư tại Carr & Ferrell cho rằng cơ quan xử lý kiện tụng thường tập trung vào việc ngăn chặn độc quyền chứ không cố chứng minh hành vi bán có ràng buộc.

Nghị sĩ Pramila Jayapal - Phó chủ tịch Tiểu ban chống độc quyền Hạ viện Mỹ khẳng định Amazon cũng sử dụng "chiêu trò" khi xây dựng hệ thống vận tải "Fulfillment by Amazon", hay còn gọi là FBA. Từ năm 2006, Amazon tính phí với các bên bán hàng đăng ký sử dụng kho bãi của FBA, xử lý đơn hàng và vận chuyển hàng hóa của họ.

Hiện tại, gần 2/3 công ty bán hàng trên Amazon sử dụng FBA, theo số liệu của công ty nghiên cứu Market Pulse. FBA hiện được cho là "trụ cột" của hoạt động vận tải mà Amazon đang thực hiện. Nó tách biệt với mảng bán lẻ và cạnh tranh trực tiếp với FedEx, UPS.

Theo đại diện các bên bán hàng, Amazon đã buộc họ sử dụng dịch vụ hoàn tất đơn hàng. Đặc biệt là, quyền tiếp cận với "Buy Box" của Amazon - dịch vụ quyết định bên bán có được giảm giá hay được hiển thị nhiều hơn trong kết quả tìm kiếm hay không - sẽ dựa trên việc liệu hãng có dùng dịch vụ hoàn tất đơn hàng của Amazon hay không.

Jerry Kavesh - một người kinh doanh đồ may mặc và giày dép trên Amazon thấm thía điều này hơn ai hết. Gần đây, ông đã rút việc sử dụng dịch vụ lưu kho với một số loại sản phẩm trên FBA bởi không chịu được chi phí. Kể từ đó, ông nhận thấy doanh số bán các sản phẩm này giảm hẳn.

Còn trong trường hợp của Pop Sockets, một sản phẩm rất được ưa chuộng của công ty đã phải rất chật vật chiến đấu với hàng giả trên Amazon. Trong hơn một năm, công ty không ngừng gửi phàn nàn lên Amazon về hàng giả. Họ muốn những bên kinh doanh sản phẩm của mình trên Amazon phải được kiểm chứng. Tuy nhiên, Amazon liên tục từ chối đề nghị của PopSockets.

Năm 20217, Barnett đến Seattle để làm việc với Amazon. Đại gia thương mại điện tử đưa ra giải pháp rằng nếu PopSockets trả 1,8 triệu USD để quảng bá sản phẩm trên Amazon, công ty sẽ chấp nhận chứng thực cho sản phẩm của họ.

Barnett cho biết Amazon không bao giờ đưa ra các điều khoản của mình bằng văn bản: "Họ thường nói trong các cuộc điện thoại, trao đổi trực tiếp nhưng không bao giờ qua email". Barnett cho biết ông đã đồng ý với Amazon và hàng giả biến mất ngay lập tức.

PopSockets cũng từng ngừng bán hàng trên Amazon. Riêng năm 2019, công ty thiệt hại 10 triệu USD doanh thu vì không bán hàng trên nền tảng này. Sau đó, họ lại nối lại việc bán hàng ở đây nhưng không chi trả thêm chi phí quảng cáo.

"Chúng tôi rất may mắn vì đã tăng trưởng đủ nhanh, có một công ty vững mạnh để có thể nói "Không", chấp nhận cú sốc lớn và rồi vẫn tồn tại được. Nhưng phần lớn doanh nghiệp không đủ khả năng nói: "Không" đâu", Barnett kết luận.

Diệu Thanh (theo WSJ)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022