Đại gia thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba hôm 28/3 công bố kế hoạch tái cấu trúc. Theo đó, họ chia nhỏ tập đoàn thành các công ty thành viên, phụ trách các mảng từ thương mại điện tử, truyền thông tới điện toán đám mây. Alibaba sẽ hoạt động trong vai trò công ty mẹ.

6 công ty con gồm Cloud Intelligence Group, Taobao Tmall Commerce Group, Local Services Group, Cainiao Smart Logistics Group, Global Digital Commerce Group và Digital Media. Các doanh nghiệp này sẽ hoạt động với quyền tự chủ cao hơn, tạo nền tảng cho việc mở rộng trong tương lai. 5 trong 6 công ty này sẽ huy động thêm vốn hoặc làm IPO.

Cổ phiếu của Alibaba hiện tăng 13% trong phiên giao dịch tại New York.

Việc chia tách là điều hiếm thấy đối với các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc. Cách làm này có thể trở thành khuôn mẫu cho các công ty cùng ngành với Alibaba, đồng thời xoa dịu lo ngại của chính phủ Trung Quốc với các đại gia Internet.

alibaba-2-1612277709-9470-1612-3086-1966-1680011873.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CkUNMptB405KWp5PTPTd5w

Bên ngoài trụ sở của Alibaba tại Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Vài năm qua, Bắc Kinh thực hiện chiến dịch kiềm chế ảnh hưởng của các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là Alibaba và Tencent Holdings - công ty mẹ WeChat. Chính phủ Trung Quốc lo ngại quyền lực tập trung vào một vài đại gia công nghệ sẽ kìm hãm đổi mới.

Vì thế, việc tái cấu trúc có thể giúp Alibaba nhận được sự hỗ trợ từ giới chức. Alibaba và Tencent đã đầu tư vào hàng trăm công ty khởi nghiệp trong nhiều năm, hỗ trợ họ xây dựng chiến lược phát triển.

"Đây là bước đi thuận theo chính sách của Trung Quốc về việc giảm tính độc quyền của những gã khổng lồ công nghệ", Marvin Chen, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết, "Dù việc tách riêng công ty không phải là hiếm tại Trung Quốc, động thái này có vẻ bao trùm hơn, vì bao gồm cả các hoạt động kinh doanh cốt lõi".

Daniel Zhang - CEO Alibaba hiện tại - sẽ đứng đầu bộ phận trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Điều này cho thấy vai trò ngày càng tăng của AI trong danh mục đầu tư của tập đoàn. Zhang cũng sẽ tiếp tục điều hành công ty mẹ.

"Ở tuổi 24, Alibaba đang chào đón một cơ hội mới để phát triển", Zhang cho biết, "Thị trường là phép thử tốt nhất. Mỗi bộ phận kinh doanh có thể theo đuổi việc huy động vốn và IPO độc lập khi sẵn sàng".

daniel-zhang-2844-1639806109-8453-1680011873.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jzWLRHYjKag3NH3zlWyulw

CEO Alibaba Daniel Zhang. Ảnh: Bloomberg

Alibaba từng thành công với các công ty con. Tập đoàn này đã loại bỏ Alipay năm 2010. Động thái nàykhông được ủng hộ vào thời điểm đó, nhưng đã dẫn đến việc thành lập Ant Group. Ant Group có kế hoạch thực hiện đợt IPO lớn nhất thế giới trước khi bị Bắc Kinh tuýt còi.

Dù tham gia vào một loạt ngành nghề kinh doanh, Alibaba mới đây tái khẳng định sẽ cắt giảm chi phí để củng cố lợi nhuận. Điều này cho thấy sự thay đổi đối với một tập đoàn công nghệ từng mạnh tay chi tiêu để thống trị các mảng kinh doanh.

Chiến dịch siết kiểm soát của Bắc Kinh thời gian qua đã buộc Alibaba thay đổi mô hình kinh doanh. Họ cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ đối thủ JD.com, hay những công ty mới nổi như PDD Holdings và ByteDance.

Minh Sơn (theo Bloomberg)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022