Gần một nửa quốc gia trên thế giới đã cam kết đạt Net Zero, chiếm khoảng 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, theo nền tảng dữ liệu Statista (Đức). Thống kê của nền tảng dữ liệu khí hậu Climate Watch (Mỹ) cho biết dẫn đầu tham vọng Net Zero là Phần Lan, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2035.
Ở châu Âu, Iceland cũng hướng đến mục tiêu này khá sớm - vào năm 2040, trong khi Đức và Thụy Điển chọn thời điểm 2045. Ngoài châu Âu, những quốc gia cam kết đạt Net Zero sớm gồm Mauritania (2030) và Nepal (2045).
Nhiều quốc gia chọn năm 2050 làm mục tiêu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, một số nền kinh tế lớn đặt mục tiêu đưa phát thải về 0 vào 2060 như Trung Quốc, Arab Saudi, Indonesia và Nga. Ấn Độ, quốc gia chịu trách nhiệm cho 7% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, nhắm đến 2070.
Thế giới hiện có 6 quốc gia đạt Net Zero và cam kết duy trì hiện trạng này, gồm Panama, Guyana, Gabon, Comoros, Vanuatu và Bhutan. Đa phần trong nhóm này là các nước nhỏ, quốc đảo, kinh tế kém phát triển, có diện tích rừng dày đặc, đơn cử Guyana.
Bản đồ cam kết Net Zero. Đồ họa: Statista
Ngoài đặt mục tiêu, cách thức đạt được Net Zero đúng hạn cũng là vấn đề. Đầu tiên là chất lượng các kế hoạch triển khai. Theo Climate Action Tracker (CAT) - nền tảng chuyên đánh giá và theo dõi các cam kết, hành động và chính sách khí hậu của Climate Analytics và NewClimate Institute (Đức), chỉ 7% lượng phát thải toàn cầu thuộc về các quốc gia có kế hoạch được coi là chấp nhận được, như Anh, Colombia, Chile và Liên minh châu Âu.
21% lượng phát thải thuộc các nước có kế hoạch được xếp hạng trung bình như Canada, Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Nigeria. Chiếm lớn nhất, gần 50% phát thải thuộc về các kế hoạch kém của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Úc và Arab Saudi. Ngoài ra, 19% lượng phát thải từ các quốc gia không thể đánh giá do thiếu hoặc không có thông tin, ví dụ Morocco, Ethiopia, Brazil và Indonesia.
Thứ hai, cho đến nay, chỉ riêng việc giảm phát thải đến cuối thập niên này, một số quốc gia nguy cơ không đạt được. Dựa trên các chính sách và hành động cụ thể đã thực hiện, Climate Action Tracker tính toán kết quả các nước có thể đạt được vào 2030 so với mục tiêu họ đề ra, về kiểm soát mức nhiệt độ gia tăng.
Kết quả, Ai Cập từ chối cam kết nhưng đang đi đúng hướng để giới hạn phát thải ở mức tương ứng với nhiệt độ nóng lên 3 độ C, tốt hơn mức tăng trên 4 độ C nếu không làm gì. UAE cam kết đạt mục tiêu 2 độ C nhưng các hành động và chính sách đến năm 2030 lại cho thấy xu hướng gây mức nóng thêm 4 độ C.
Không có quốc gia công nghiệp lớn nào hoặc toàn bộ Liên minh châu Âu hiện đủ nỗ lực để đạt mục tiêu chỉ tăng nhiệt độ thêm 2 độ C vào 2030. Các quốc gia châu Phi gồm Nigeria, Ethiopia, Morocco và Kenya, cũng như Costa Rica và Nepal, được Climate Action Tracker xếp vào nhóm có khả năng đạt được mục tiêu 1,5 độ C trong khi Na Uy được dự đoán sẽ đạt được mục tiêu 2 độ C.
Một góc công viên năng lượng mặt trời tại Hjolderup, Đan Mạch, tháng 2/2023. Ảnh: Reuters
Tại COP29, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 12/11 kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chi thêm tiền để ngăn các thảm họa khí hậu. Ông cảnh báo rằng thời gian đang hết dần để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. "Về tài chính khí hậu, thế giới phải trả tiền nếu không nhân loại sẽ trả giá", ông nói.
Huy động đóng góp cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn và hạn chế thiệt hại khí hậu là mục tiêu chính của COP29 năm nay. Quy tụ gần 200 nền kinh tế tham dự, hội nghị đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận tài trợ tài chính khí hậu lên đến 1.000 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, sự kiện khai mạc sau chiến thắng của Donald Trump - người phủ nhận biến đổi khí hậu. Trong khi lãnh đạo các nền kinh tế lớn như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đều không dự.
Theo Simon Stiell, Tổng thư ký Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), việc giúp mọi quốc gia thực hiện hành động khí hậu mạnh mẽ mang đến lợi ích cho tất cả vì khủng hoảng khí hậu đang nhanh chóng trở thành "một kẻ hủy hoại nền kinh tế".
"Trừ khi các nước có thể giảm mạnh phát thải, mọi quốc gia và hộ gia đình sẽ chịu tác động nhiều hơn hiện nay", ông cảnh báo.
Các nhà khoa học tin rằng mức nóng lên toàn cầu 2 độ C sẽ làm mực nước biển dâng thêm 56 cm, gia tăng 25% số ngày nắng nóng và đe dọa các đợt hạn hán kéo dài trung bình 4 tháng mỗi năm. Mức nóng lên 3 độ C được cho là sẽ gây ra sự gián đoạn lớn cho hệ sinh thái, sản xuất lương thực và các mô hình thời tiết. Trong khi nhiệt độ tăng thêm 4 độ C có thể làm thu hẹp đáng kể các khu vực có thể sinh sống.
Họ cho biết có bằng chứng cho thấy sự nóng lên toàn cầu và các tác động của nó đang xảy ra nhanh hơn mong đợi. Nếu nhiệt độ tăng thêm 1,5 độ C so với nhiệt độ trung bình trước thời kỳ công nghiệp, thế giới có thể đối mặt với biến đổi khí hậu không thể đảo ngược và cực đoan. Các nhà khoa học thường đo nhiệt độ ngày nay so với mức nhiệt trung bình của giai đoạn 1850-1900. Theo cách đo này, hiện nay thế giới đã nóng thêm gần 1,3 độ C.
Phiên An (theo Statista, Reuters)