Trong dịp Tết nguyên đán ở Việt Nam có rất nhiều phong tục, lễ nghi được người dân gìn giữ từ đời này qua đời khác với hy vọng đem lại sự may mắn, tài lộc cho gia đình. Một trong nhiều phong tục là "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Đến nay, tục này vẫn được lưu giữ và xem trọng.
Theo quan niệm của người xưa, muối mặn tượng trưng cho sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, giúp xua đuổi tà khí, đem lại may mắn. Bên cạnh đó, cùng với gạo, muối là thứ không thể thiếu trong căn bếp của người Việt, biểu tượng của sự no đủ.
Chính bởi vậy mà thường sau giao thừa hoặc trong ngày đầu của năm mới, người Việt thường mua những túi muối nhỏ lấy may. Người bán muối đầu năm cũng đong một bán đầy có ngọn cho khách chứ không gạt ngang với quan niệm mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn, no ấm cả năm.
Trước đó, vào những ngày cuối năm, nhiều người thường mua vôi quét lại nhà, cổng nhằm xóa đi những điều không may trong năm cũ, đến với khởi đầu mới tốt đẹp, tươm tất hơn. Vôi trắng cũng giúp quét lại nhà cửa cho sáng sủa, chuẩn bị đón năm mới. Một cách giải thích khác mà người xưa vẫn quan niệm là đầu năm không mua vôi vì cho rằng vôi trắng tượng trưng cho sự bạc bẽo - "bạc như vôi". Mọi người thường tránh mua vôi đầu năm vì tránh gặp phải những điều xui xẻo, quan hệ gia đình và công việc không thuận hòa, suôn sẻ.
Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi là tục lệ xưa nay của người Việt. Ảnh TL
Lý giải ở góc độ phong thủy về việc tại sao lại "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" mà không phải là mua thứ khác hay mua cả hai? Vôi cũng là một sinh hoạt thường ngày trong đời sống của ông cha ta từ xưa bởi có tục ăn trầu. Ăn trầu quanh năm nhưng sao lại cuối năm mới mua? Muối cũng vậy. Muối cũng cần có quanh năm nhưng tại sao lại cuối năm mới mua muối? Nhà nghiên cứu địa lý, phong thủy gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng, muối là sản phẩm của biển, là sự tương tác giữa Dương khí của vũ trụ với âm khí của đất. Vôi là sản phẩm của núi. Muối là Dương so với vôi. Dương trước Âm sau đó là nguyên lý của thuyết Âm Dương Ngũ hành, cho nên đầu năm mua muối để rước vận may, khí tốt vào nhà.
Còn cuối năm mua vôi, vì vôi là sản phẩm của núi. Phần Âm trong lý học Đông Phương: Âm nhô cao, Dương trũng thấp trong điều kiện quả đất. Dương trước, Âm sau nên cuối năm mua vôi để lấy cái lộc của trời đất đem về nhà mình.
Chuyên gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh cũng cho biết thêm, vôi và muối màu trắng thuộc Dương, nên còn có tính chất thanh tẩy những xú uế. Người ta dùng nước muối và vôi để tẩy xú uế, đuổi vía xấu… Bởi thế, người ta thường rắc muối, hoặc quét vôi ra đường và xung quanh nhà với mong muốn bình yên. Trong phong thủy đặt những hũ muối ở trong những góc tối hay để xử lý ở nhà nhiều âm khí.
Thuở xưa, ông cha ta thường hay dùng vôi để khử âm khí qua hình tượng mà phổ biến trong văn hóa dân gian là "ông bình vôi". Vào ngày Tết, trước khi dựng cây nêu bao giờ cũng vẽ bộ cung tên bằng vôi ở ngoài sân và mũi chĩa ra cửa. Ông cha ta giải thích là để chống lại ma quỷ nhưng thực ra bản chất thật của vấn đề chính là vôi. Bởi vôi chống lại các âm khí nên dùng vôi để tăng khí trong ngôi nhà. Và một trong những cách tăng dương khí, nội lực cũng như tính ấm trong người mà ông cha ta làm dùng tới vôi là ăn trầu.
Ngoài tục mua muối để lấy may ngày đầu năm, nhiều nơi còn kiêng vay mượn, làm đổ vỡ đồ đạc, cho người khác nước, lửa hoặc đánh thức người đang ngủ để tránh điều xui xẻo.
Phương Thuận