Chia sẻ mới đây, anh Kh, hiện ngụ tại Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) cho biết, dù rất muốn muốn bán các nền đất lân cận Tp.HCM đã mua vào từ thời điểm cuối năm 2021, song không có khách. Những nền đất này anh cùng nhóm bạn vay ngân hàng để đầu tư.

Đến giữa năm 2022 khi các nền đất anh mua có dấu hiệu lên giá thì cũng đúng thời điểm thị trường bất động sản biến động. Khoảng tháng 9/2022 anh rao bán lô đất tại khu vực Đồng Nai với giá chênh khoảng 200 triệu đồng so với giá mua vào, song không bán được. Lo lắng tình trạng thanh khoản, anh Kh tiếp tục gửi bán các lô đất, tuy nhiên đến nay vẫn chưa chốt được khách.

Theo chia sẻ của nhà đầu tư này, giá anh thu về đã lỗ so với giá mua khi trừ các chi phí. Do thị trường không có thanh khoản khiến việc bán ra gặp khó khăn. “Tôi rất muốn bán nhưng không ai mua”, anh Kh giãi bày.

8k-1726540071912-17265400721821685596267-1726564696077-17265646962931812522167.jpg

Không ít nhà đầu tư gặp khó về thanh khoản đất nền. Ảnh: TB

Một trường hợp khác có đất nền tại Tp.HCM, song rao bán từ đầu năm 2023 đến nay vẫn chưa bán được. Chủ đất đã 2 lần điều chỉnh giá xuống và gửi thêm các môi giới khác để đăng tin bán. Tuy nhiên, lý do khó bán là do giá rao vẫn cao hơn so với mặt bằng giá các lô đất lân cận bán ra nên không có người mua.

Theo chia sẻ của chủ đất, một số lô đất bên cạnh hạ giá xuống 2,3-2,5 tỉ đồng/nền hơn 50m2 do cần dòng tiền gấp. Trong khi lô đất của anh rao bán giá 2,65 tỉ đồng (giá thu về). Môi giới cho rằng, giá này còn cao, trong khi thực tế anh đã lỗ 150 triệu đồng so với giá mua vào đầu năm 2022. Vì không thể giảm giá tiếp nên lô đất vẫn “nằm im” suốt hơn một năm rao bán. Đây cũng là trường hợp nhà đầu tư muốn bán ra nhưng gặp khó thanh khoản.

Thực tế, nhà đầu tư rao bán và không có thanh khoản đã diễn ra gần 2 năm qua. Ngay cả khi bất động sản có vị trí đẹp, tiềm năng tăng giá nhưng vì mặt bằng giá vẫn cao hơn những nền bán trước đó khiến người mua phân vân. Theo các môi giới, tình trạng bên mua ép giá bên bán vẫn còn mặc dù nguồn hàng giá tốt đang vơi dần.

Nhóm nhà đầu tư có tiền vẫn chỉ “lựa” các sản phẩm giá thực sự tốt để ôm vào. Họ cũng tìm hiểu khá kỹ các trường hợp kẹt tiền, mong muốn bán để giải quyết khoản vay ngân hàng. Đặc biệt, nhiều nhóm đầu tư vin vào thời điểm kinh tế khó khăn để ép giá xuống. Một số trường hợp nhà đầu tư khi chờ đợi quá lâu bắt buộc phải bán giá thấp hơn kì vọng để thu dòng tiền, giải quyết khoản vay.

Trước đó, nhiều nhận định cho rằng, thị trường đất nền phía Nam sẽ hồi phục sức cầu từ cuối năm 2024 trở đi. Song, nhìn tổng quan  nhận thấy chưa có dấu hiệu của sự hồi phục hoàn toàn. Chưa kể, tại Tp.HCM hàng ngàn hồ sơ đất đai đang chờ hướng dẫn thông tư theo Luật mới để đóng thuế, khiến giao dịch và sức cầu hạ nhiệt từ ngày 1/8 đến nay.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022