Sóng tràn vào bài biển Indonesia. Video: Twitter.
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết sóng thần không xảy ra sau một trận động đất mà có thể do thủy triều dâng bất thường vào thời điểm trăng tròn và lở đất dưới đáy biển do hoạt động tại núi lửa Anak Krakatau.
430 ngôi nhà, 9 khách sạn và 10 tàu bị phá hủy sau khi sóng đánh vào các bãi biển quanh eo biển Sunda, ở Nam Sumatra và mũi phía tây của đảo Java vào 21h27 ngày 22/12. Sóng thần có độ cao khoảng 0,9 m tràn vào khu vực Serang, độ cao sóng ở các khu vực khác như Pandeglang và Nam Lampung là 0,28-0,36 m.
"Thực tế, sóng thần không thực sự lớn, chỉ cao khoảng một mét", Gegar Prasetya, đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu sóng thần Indonesia nhận xét. "Vấn đề là mọi người luôn có xu hướng xây dựng mọi thứ gần bờ biển".
Vị trí eo biển Sunda. Đồ họa: Google maps. |
Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia cho biết 168 người thiệt mạng, 745 người bị thương và 30 người mất tích. "Chúng tôi đang tóm tắt các báo cáo về tác động của sóng thần xảy ra ở eo biển Sunda, đặc biệt là Serang, Pandeglang và Nam Lampung", ông cho biết.
"Tôi phải chạy, sóng tràn vào trong đất liền 15-20m. Cơn sóng tiếp theo còn tràn vào khu vực khách sạn tôi đang ở và làm ngập những chiếc xe trên con đường ở phía sau", nhân chứng Lund Andersen viết trên Facebook. "Tôi di tản gia đình đến vùng cao hơn qua các con đường rừng và các ngôi làng, nơi chúng tôi được người dân địa phương giúp đỡ. Không hề hấn gì, thật may quá!".
Khung cảnh đổ nát sau sóng thần. Ảnh: Twitter. |
Chính quyền Indonesia ban đầu tuyên bố đây không phải là sóng thần là một đợt thủy triều dâng cao và kêu gọi công chúng không hoảng sợ.
Nugroho sau đó đã xin lỗi về sai lầm trên Twitter, nói rằng vì không có trận động đất nên rất khó để xác định nguyên nhân của vụ việc. "Ban đầu đã có sai lầm, chúng tôi xin lỗi", ông viết.
Cơ quan địa vật lý Indonesia do cho biết núi lửa Anak Krakatau đã phun trào khoảng 24 phút trước khi sóng thần xảy ra. Anak Krakatau là ngọn núi lửa trẻ hình thành trong lòng núi lửa Krakatau ở ngoài khơi eo biển Sunda, sau vụ phun trào dữ dội năm 1883 khiến 36.000 người thiệt mạng.
Ngọn núi cao 305 m, cách thủ đô Jakarta khoảng 200 km về phía tây nam, đã phun trào kể từ tháng 6. Ngày 21/12, Anak Krakatau đã phun trào trong hơn hai phút, tạo ra một đám mây tro bụi cao hơn 400 m.
Endan Permana, người đứng đầu Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia ở Pandeglang, cho biết cảnh sát đang hỗ trợ các nạn nhân ở Tanjung Lesung ở tỉnh Banten, điểm du lịch nổi tiếng không xa Jakarta, vì các nhân viên phản ứng khẩn cấp chưa đến khu vực này.
Đường ngập lụt sau sóng thần. Video: Twitter.
Eo biển Sunda nằm giữa các đảo của Indonesia là Java và Sumatra, cách Jakarta khoảng 100 km, nối biển Java với Ấn Độ Dương.
Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm nên là một trong những nước hứng chịu nhiều vụ phun trào núi lửa và động đất nhất thế giới. Hồi tháng 9, động đất 7,5 độ ở Sulawesi gây sóng thần đã khiến 2.000 người thiệt mạng và hơn 5.000 người mất tích.
Núi Krakatoa hoạt động hồi tháng 7. Ảnh: AFP. |
*tiếp tục cập nhật