Bếp, nhiều khi cũng được coi như một phòng khách thứ hai, thể hiện đẳng cấp của ngôi nhà, thể hiện tiềm lực của chủ nhà; và không ít gia chủ không tiếc tiền đầu tư cho bếp, với mục tiêu làm bếp để khoe, mà ai ngó vào cũng phải thèm muốn, trầm trồ xuýt xoa...
Bếp để... khoe
Cách đây vài ba tháng, một nhà cung cấp thiết bị bếp đã khai trương “showroom nội thất bếp tiền tỉ” tại một trung tâm thương mại ngầm lớn nhất Đông Nam Á ở Hà Nội. “Bếp tiền tỉ” là cách gọi của chính nhà kinh doanh. Cái cụm từ này làm nhiều nhà nghèo, nhà không giàu đều... hoảng hốt; có lẽ chỉ có đại gia mới cảm thấy bình thường. Tất nhiên ai cũng hiểu đây là một cách nói quá lên; nhưng thực sự cũng làm nhiều người suy nghĩ!
Bếp trong những ngôi nhà hiện đại giờ khác bếp ngày xưa; từ cách tổ chức không gian, hệ thống tủ kệ, trang thiết bị, quy trình thao tác... Bếp là một không gian, một phòng công năng quan trọng trong ngôi nhà và được đầu tư tương xứng với vai trò của nó. Trong một ngôi nhà bình thường, nếu không tính những phòng có tính năng đặc biệt khác; thì chắc chắn phòng bếp có suất đầu tư cao nhất tính trên diện tích sàn (so với các phòng chức năng thông thường khác như phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng vệ sinh).
Nhu cầu làm một gian bếp đẹp, tiện nghi là nhu cầu phổ biến và chính đáng. Với ngôi nhà hiện đại, với lối sống hiện đại, bếp – phòng ăn cũng là nơi sinh hoạt gia đình, không chỉ là cái “xưởng chế biến” thức ăn nữa. Trong xu hướng những năm gần đây, nhiều kiến trúc sư cùng chủ nhà kết nối không gian phòng sinh hoạt chung và phòng bếp – ăn; và phòng bếp là một không gian mở. Chính vì vậy, bếp cần phải đẹp, để còn... khoe!
Ở góc độ đầu tư, kinh tế, thì... vô cùng! Hoàn thiện một gian bếp thông thường có chi phí vài chục triệu, cho hệ thống tủ bếp (cùng phụ kiện), mặt đá, các trang thiết bị tối thiểu là bếp nấu (gas, điện, từ), máy hút mùi và chậu rửa. Với các loại bếp bình dân, chưa phải cao cấp, thì tủ lạnh (một thiết bị không thể thiếu khác) không được tính vào chi phí xây lắp; mà coi như đồ gia dụng mua sau. Tuy nhiên, trong thực tế thì có những gian bếp được đầu tư hoàn thiện, với đầy đủ thiết bị, phụ kiện, chất liệu... hiện đại, xịn; có thể lên tới hàng trăm triệu; và cá biệt cũng có những gian bếp tiền tỉ.
Nhưng trước tiên phải để nấu
Có kiến trúc sư chuyên làm nhà ở chia sẻ rằng: làm nhà ở nhiều thấy nhiều cái thú vị, ví như cái bếp. Có người khi đặt nhiệm vụ thiết kế cho kiến trúc sư, đặt cái bếp lên hàng đầu, với đầy đủ những yêu cầu, nhu cầu tỉ mỉ rất thiết thực cho việc nấu bếp, từ vị trí nồi niêu, chai mắm lọ muối... Có người thì lại chỉ nhăm nhăm kiểu nọ, kiểu kia, với yêu cầu các loại thiết bị hiện đại, chất liệu... để làm sao cho nó “có chất”. Có người thì chỉ yêu cầu mỗi cái hướng bếp, còn lại những vấn đề khác thì hờ hững, phó mặc cho kiến trúc sư...
Phác hoạ sơ qua cũng thấy, người cần đầu tư cho bếp (theo cách riêng, không hẳn là đầu tư ở góc độ kinh tế, tiền bạc) vì nhu cầu nấu bếp thực sự, với họ, gian bếp, việc nấu nướng và bữa ăn là vô cùng quan trọng. Người thì đầu tư làm bếp đẹp, bếp xịn để khoe; cũng không thể phủ nhận rằng một gian bếp đẹp, một phòng ăn đẹp có làm sang thêm ngôi nhà. Và có người thì có lẽ chẳng cần tới bếp, với họ có lẽ gian bếp như là một thứ thủ tục cần phải có.
Xưa, ông cha ta quan niệm, một ngôi nhà đúng nghĩa, một không gian sống đúng nghĩa là phải có cái bếp; và bếp phải thường xuyên đỏ lửa như để khẳng định, và ước vọng về một sự an cư, hạnh phúc. Bây giờ trong xã hội hiện đại, cuộc sống công nghiệp, người ta ăn cơm văn phòng, ăn nhậu nhà hàng nhiều, cái bếp trong nhà nổi lửa ít đi cũng là điều dễ hiểu!
Bếp đẹp, bếp sang, bếp... nhiều tiền đều tốt cả. Nhưng bếp trước tiên phải để nấu. Đấy là chức năng thiêng liêng của nó, rồi mới đến chuyện bày hay khoe. Nhu cầu về một gian bếp, thiết kế một gian bếp cũng phải đặt điều đó lên hàng đầu, gắn liền với lối sống, nếp sinh hoạt của gia đình, trong ngôi nhà – là bữa ăn. Nếu điều đó chưa đủ đầy, trọn vẹn, thì bếp đẹp mấy cũng không có nhiều ý nghĩa.
Có anh chủ nhà, khi trao đổi về bếp với kiến trúc sư, đặt ngay yêu cầu là phải có máy rửa bát. Tất nhiên chuyện đó đơn giản trong thiết kế. Nhưng thực tế, anh chẳng mấy khi dùng tới máy rửa bát, vì có mấy khi nấu ăn ra bữa đâu, thì làm gì có bát mà rửa?! Cũng có người khi làm việc với kiến trúc sư, cũng cẩn thận kỹ càng lắm, trong vấn đề cái bếp; nhưng rồi cũng chẳng bao giờ tự kiểm chứng sự tiện nghi, thuận lợi; mối quan hệ giữa nhu cầu sử dụng và thiết kế; bởi vì: bếp được khoán trắng cho người giúp việc.
Tới nhiều ngôi nhà mới, theo kiểu hiện đại; nếu thấy khu vực bếp, trên mặt tủ bếp ngổn ngang, thậm chí lộn xộn thì biết nhà này chăm chỉ nấu ăn, và có bữa ăn gia đình thường xuyên. Còn tới nhà nào mà bếp lại sạch sẽ, gọn gàng đến mức... trơn tuột, lạnh lùng thì cũng biết gian bếp này có chức năng trưng bày nhiều hơn là nấu nướng.
Bếp, trước tiên là phải nấu. Và quan trọng nữa là phải... nấu ngon. Bếp đấy là đẹp nhất!
Theo SGTT