Tại hội thảo 40 năm Cần Giờ (Duyên Hải) TP HCM - Thành quả và kinh nghiệm được tổ chức ngày 23/12, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP HCM Phạm Chánh Trực đề nghị thành phố xem xét không thực hiện dự án lấp biển Cần Giờ để xây dựng khu đô thị vì "không phù hợp, không hiệu quả và không khả thi".

"Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, đó là một thương hiệu quốc gia mạnh, nên mọi tư duy và định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhất thiết phải giữ gìn, đề cao và tôn tạo danh hiệu đặc biệt đó", ông Trực nói.

Theo ông, bất kỳ một dự án dù nhỏ hay lớn trên địa phận Cần Giờ cũng cần được đánh giá tác động môi trường chặt chẽ, kể cả môi trường thiên nhiên, những hệ sinh thái của các chủng loài và môi trường xã hội, trước mắt cũng như lâu dài trong tầm nhìn ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

huyen-Can-Gio-9495-1545555146.jpg

Ngư dân Cần Giờ sống chủ yếu với nghề đánh bắt hải sản. Ảnh: Thành Nguyễn.

"Cần giữ vững nguyên tắc cái gì có hại cho tương lai thì không làm, tác động nào vào thiên nhiên, mọi hệ sinh thái các chủng loài mà còn nghi ngờ, chưa rõ thì dừng lại, thế hệ con cháu chúng ta sẽ xem xét tiếp", ông Trực nói và kiến nghị thành phố có chủ trương tổng thể xây dựng phát triển Cần Giờ theo hướng nền kinh tế xanh, nền kinh tế sinh thái và thành phố thông minh.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ nêu 4 điểm nghẽn khiến tiềm năng du lịch Cần Giờ vẫn chưa được đánh thức. Đó là hệ thống giao thông chưa thuận tiện, sản phẩm và dịch vụ còn hạn chế, cơ sở lưu trú còn ít, phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn, nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu về kỹ năng phục vụ, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp.

Về giải pháp, ông Vũ đề nghị trước mắt cần tập trung cải tạo và hoàn thiện hạ tầng giao thông tại Cần Giờ, nhất là hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm thành phố đến huyện đảo này cũng như với các tỉnh lân cận; mở rộng phà Bình Khánh; tăng cường xây dựng và nâng cấp hệ thống khách sạn và cơ sở lưu trú; hình thành các tuyến du lịch đường thủy; nâng cấp, sắp xếp và bố trí các không gian mua sắm để hấp dẫn khách du lịch...

Sau khi lắng nghe các ý kiến tham luận, thay mặt lãnh đạo TP HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chủ trương đưa huyện Cần Giờ (Duyên Hải) về lại TP HCM 40 năm trước là một quyết định mang tính chiến lược.

"Nếu không có quyết định này, TP HCM không có biển, vì vậy ngoài việc có thêm tiềm năng để phát triển kinh tế thì vị trí địa lý, an ninh - quốc phòng đã được nâng cao hơn", ông Nhân nói và cho rằng qua nhiều nhiệm kỳ, lãnh đạo thành phố đã quyết tâm tổ chức quy hoạch và phát triển huyện Cần Giờ, mang lại nhiều thành tựu.

Trong đó, việc khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ là một trong những công trình có ý nghĩa và vai trò quan trọng để bảo vệ, phát triển tài nguyên, góp phần giữ gìn môi trường sinh thái và từ đó phát triển được nhiều nguồn lợi thiên nhiên khác.

Theo ông Nhân, việc hoàn thiện hệ thống đường kết nối Cần Giờ với Nhà Bè và nội thành, tạo nên trục đường xương sống; đưa điện về với Cần Giờ, chấm dứt tình trạng đèn dầu leo lét trước khi phủ kín toàn huyện vào năm 2015; xây đê chắn sóng khu vực Long Hòa, hay di dời gần 1.000 hộ dân xã Tam Thôn Hiệp sống trong rừng phòng hộ ra bên ngoài... cũng là những thành tựu đáng tự hào.

Theo người đứng đầu Thành ủy TP HCM, để có được Cần Giờ như hôm nay là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo thành phố. Song song đó là sự sáng tạo, quyết tâm tự "cứu mình", tự vực dậy phát triển của người dân Cần Giờ.

Tuy nhiên, Cần Giờ hiện vẫn còn rất nhiều thách thức như vẫn là địa phương nghèo nhất thành phố, thu nhập người dân vẫn thấp (khoảng 40 triệu/người/năm). Hệ thống hạ tầng dù đã được cải thiện nhưng chưa đồng bộ, trong khi nhân lực ít và chất lượng cũng hạn chế. Đặc biệt, để phát triển Cần Giờ, việc giải quyết xung đột giữa kinh tế và môi trường vẫn là một áp lực rất lớn.

Về ý kiến của nguyên Phó bí thư Thành ủy Phạm Chánh Trực, ông Nhân cho biết sẽ "đặt hàng" các cơ quan nghiên cứu các thành phố biển trên thế giới. Theo ông, thế giới có nhiều thành phố lấn biển, nhưng không phải thành phố biển nào cũng lấn biển, cần nghiên cứu kỹ. "Nếu chúng ta quyết định sai, 5-10 năm có thể chưa thấy gì, nhưng sau này có thể tàn phá khủng khiếp và con cháu sẽ lên án chúng ta", ông Nhân nói.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, chưa bao giờ Cần Giờ có được cơ hội phát triển như hiện nay bởi nhiều chính sách, chủ trương trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển đã có sự đồng thuận từ trung ương. Trong khi đó, TP HCM cũng đang tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động lớn và cùng trình độ cao nên đó là điều kiện tốt giúp Cần Giờ phát triển.

"Việc phát triển Cần Giờ đòi hỏi phải thực hiện khoa học, phát triển bền vững và gìn giữ tự nhiên. Những định hướng đưa ra như phát triển du lịch, hải sản, giao thông vận tải trên biển... nhưng vẫn phải đảm bảo giữ được các nét văn hóa, tài nguyên", ông nói.

Sau ngày đất nước thống nhất, huyện Duyên Hải được thành lập từ quận Cần Giờ và quận Quảng Xuyên, thuộc tỉnh Đồng Nai với dân số khoảng 30.000 người. Kinh tế xã hội huyện Duyên Hải lúc này rất khó khăn, toàn huyện chỉ có 13 km đường, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy...

Tháng 11/1977, Tổng bí thư Lê Duẩn cùng Bí thư Thành ủy TP HCM lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt và Phó bí thư Nguyễn Thành Thơ có chuyến thực địa huyện Duyên Hải.

Tại chuyến đi này, huyện Duyên Hải được xác định là vị trí tiền tiêu của thành phố, không chỉ quan trọng về an ninh quốc phòng mà còn hướng tới khai thác tiềm năng phong phú của Biển Đông, bảo vệ con đường thủy quốc tế vào cảng Sài Gòn, mở con đường bộ từ nội thành về bờ biển và khôi phục rừng Sác Cần Giờ.

Ngày 29/12/1978, Quốc hội khóa VI ban hành Nghị quyết phê chuẩn huyện Duyên Hải chính thức sáp nhập vào TP HCM.

Thiên Ngôn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022