Căn nhà có diện tích 165 m2 ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình là tổ ấm của cô giáo Lê Thị Trang (sinh năm 1989). Mong muốn của gia chủ là có một căn nhà vừa là nơi ở vừa là nơi để dạy học cho trẻ nhỏ.
Từ nhu cầu này, kiến trúc sư Phan Thanh Nam quyết định lựa chọn thiết kế ngôi nhà với những mái ngói vát xéo giống hình ảnh những cánh diều đang chuẩn bị cất cánh. "Ngắm nhìn những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa giữa sân và hình ảnh cánh diều, gia chủ sẽ cảm thấy cuộc sống và công việc thi vị hơn", kiến trúc sư lý giải.
Ngôi nhà hình thành với ý tưởng về hình ảnh cánh diều tuổi thơ.
Công trình ở miền Trung với thời tiết khắc nghiệt nên kiến trúc sư phải giải quyết vấn đề đảm bảo mỹ thuật của ý tưởng thiết kế, vừa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để công trình có sự vững chắc mỗi khi đến mùa mưa bão. Thêm vào đó, cần có sự kết hợp các không gian nhà ở, không gian dạy học, vui chơi cho lũ trẻ sao cho hài hoà hợp lý.
Để hiện thực hoá ý tưởng, đội ngũ kiến trúc sư đã áp dụng triệt để hình tượng này vào trong thiết kế, từ mặt bằng, mặt đứng đến các đường cắt xéo mạnh mẽ trên hệ mái của công trình.
Cùng với đó, hệ tường xiên theo nhiều hướng giúp đa dạng góc nhìn cho ngôi nhà. Từ ngõ vào đến không gian bên trong nhà, có thể đi qua nhiều góc độ khác nhau, gián tiếp tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Đối với bài toán không gian, đội ngũ thiết kế đã cách tân cấu trúc nhà ba gian truyền thống tạo nên sự độc đáo và mới lạ cho ngôi nhà. Có thể thấy được cấu trúc này ngay trên chính mặt bằng tổng thể khi gian giữa là khoảng sân lớn nơi chơi đùa, sinh hoạt của trẻ nhỏ.
Hai gian bên là hai khối nhà, một khối nhà ở và một khối lớp học. Khối nhà ở được thiết kế với cấu trúc nhà 3 gian vừa giúp gia chủ giữ lại thói quen sinh hoạt của gia đình truyền thống, thuận tiện và bảo tồn được vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi.
Vị trí không gian sinh hoạt chung được đặt ở gian giữa là nơi sum họp, thư giãn, giải trí của cả gia đình. Hai gian bên được bố trí làm phòng ngủ tách rời để tạo tính riêng tư.
Ở khối lớp học, gia chủ dành gian giữa để làm khu tiếp tân, thuận tiện cho việc trao đổi, tiếp nhận học sinh tới đăng ký học thêm. Hai phòng học được bố trí riêng biệt 2 bên mang đến sự tiện lợi cho người học, giúp tiết học của các bạn nhỏ thú vị hơn.
Bản vẽ mặt bằng mái của ngôi nhà. Ảnh: Phan Thanh Nam
Nằm ở vùng biển miền Trung thời tiết khắc nghiệt với nắng nóng, mưa bão... nên các giải pháp ứng phó thời tiết được nhóm thiết kế giải quyết triệt để đối với ngôi nhà có hướng Đông Bắc này.
Để chống nắng, kiến trúc sư đã bố trí hai khối nhà xiên nhau là cách để lấy bóng của khối nhà này che nắng cho khối nhà kia nên gần như nhà không bị nắng trực tiếp chiếu vào. Cùng với đó, một loạt ô cửa lớn nhỏ giúp ngôi nhà đón gió mát từ biển thổi vào, bên trong luôn mát mẻ ngay cả trong những ngày hè nóng nực nhất.
Với hệ thống mái được cách điệu theo hình cánh diều mềm mại, nhẹ nhàng, mái được vươn một khoảng lớn thì giải pháp chống bão là điều rất quan trọng. Các góc mái được kéo thẳng xuống chạm đất, trở thành một hệ giằng cho mái. Thêm vào đó, để đảm bảo an toàn cho những trận bão lớn, các hệ thống dây giằng cũng được bổ sung để đảm bảo sự vững chãi nhất cho ngôi nhà.
Khi đi vào sử dụng, ngôi nhà nhận được nhiều lời khen và sự yêu thích của những người xung quanh. Không chỉ ở hình tượng kiến trúc độc đáo, chi phí hợp lý đối với thôn quê mà còn là sự thoải mái và tiện dụng trong các không gian cùng hệ thống nội thất của căn nhà.
Công trình được hoàn thiện năm 2020, chi phí 860 triệu đồng.
Như LoanĐơn vị thiết kế: Kiến trúc Xây dựng An Nam KTS chủ trì: Phan Thanh Nam