bep-kieng-3-15789904408111330225122.jpg

Phong thủy hoài niệm bếp Việt xưa

Bếp Việt đã trải qua chặng đường dài, từ những cái bếp lửa bập bùng đắp đất, mái tranh đơn sơ giản dị tới những gian bếp hào nhoáng, hiện đại và tiện nghi ngày nay.

Bếp lửa xưa có những nét sinh hoạt văn hóa dung dị, thuần phác là nơi sinh hoạt chung, nơi tâm tình trò chuyện, chia sẻ buồn vui cuộc sống… gắn liền với làng quê, đồng ruộng và nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, đọng thành ký ức đẹp trong tiềm thức nhiều người.

Ở Bắc Bộ đầu thế kỷ 20, các cụ hay làm nhà ba gian hai chái và dành một phần nhỏ bên ngoài cho nhà bếp. Gian bếp mộc mạc, giản dị nhưng gần gũi làm từ tranh, tre, nứa, gỗ, trát vách đất với 3 hòn đất nhồi (hoặc gạch) làm bếp đun - gọi là 3 ông đầu rau (dân miền Trung gọi là "ông núc"). Có cả sự tích về 3 ông đầu rau, theo đó hòn ở giữa là đầu rau cái, gọi hai hòn hai bên là đầu rau đực. Người thành phố thì hay dùng bếp kiềng đun củi, mùn cưa, đun trấu…

Bếp xưa có 2 gian, một bên để chạn bát, các vật dụng, lương thực, nong, nia, dần, sàng. Gian còn lại đặt bếp lửa và chứa chất đốt (rơm rạ, củi khô), niêu đất, xoong gang, ấm nhôm, mâm đồng... Trong chạn có bát đũa với đôi đũa cả (để đảo và xới cơm). Gần bếp có chum nước, chum gạo, vại muối dưa cà… sắp xếp gọn gàng dưới đôi bàn tay của các mẹ, các chị - những người được coi là phong thủy gia đình.

Những năm 70 của thế kỷ trước, bếp dầu phổ biến. Những năm 90, loại bếp độc hại nhất là bếp than tổ ong xuất hiện. Ưu điểm là chi phí thiết bị, nhiên liệu rẻ, hiệu suất cao. Nhược điểm là ô nhiễm rộng, là khi nấu nướng tránh không cho lưng của người phụ nữ hướng lên nhà trên (nghĩa là người ngồi ở gian nhà chính không trông thấy lưng của người phụ nữ dưới bếp) và bàn thờ ông Táo phải kê cao chứ không đặt dưới đất.

Bếp Nam bộ luôn mở phía sau nhà, nơi có những lu nước ngọt trong veo, đầy ắp và ao rau muống. Hướng bếp được các nhà phong thủy ghi lại là phải chọn hướng cát trong bát san như: Sinh khí (có ý là hưng vượng nhân khẩu, thăng quan tiến chức…), Diên niên (sống thọ, vợ chồng hòa thuận, con cái hiếu thảo), Thiên y (sức khỏe dồi dào) và Phục vị (học hành đỗ đạt).

Bếp của người miền Tây nép bên gian nhà lớn ba căn bằng lá dừa nước – gọi là chái bếp. Dân ở đây vẫn quan niệm: Nhà lớn xây hướng tốt thì học hành đỗ đạt, mùa màng và công việc làm ăn tốt; chái bếp hướng tốt thì gia đạo sẽ thuận hoà, đầm ấm. Vì vậy nhà nghèo miền Tây có chái bếp nhỏ, nhà đất rộng còn vẩy thêm mái hiên chứa nông cụ, củi, lá dừa khô để đun nấu quanh năm. Hơi nóng của chái bếp để bảo quản thực phẩm khô, hạt giống như trái bắp, mướp, trái bầu khô. Ngày lễ, Tết, giỗ chạp thì chái bếp là nơi ấm áp, náo nhiệt nhất vì mọi việc chuẩn bị, nấu nướng, bày cỗ… đều làm cả ở đây.

Những góc bếp thân thương ở vùng nào cũng là nơi thanh niên mượn cớ canh lửa, cời than để tâm tình – điều mà những chiếc bếp hiện đại ngày nay không có.

Bếp Việt theo phong thủy xưa và nay

bepxua-15789904408151397335135.jpg

Trong phong thủy, bếp là nơi chứa chất các thực phẩm tiền chế như vại cà, vại mắm muối, các dụng cụ nhà bếp dao, thớt, kéo,cối, chảy rồi đến ngọn lửa… có tính hóa sát rất mạnh. Người xưa coi bếp là khu vực chấn hưng rất mạnh, có câu: "Bếp có ấm, nhà mới an và giàu sang sẽ đến" - một gian bếp bài trí hợp phong thủy sẽ là nơi "thắp lửa" tài lộc cho gia đình, giúp các thành viên trong gia đình sức khỏe dồi dào để lao động và tích lũy tài trí.

Nhiều nhà phong thủy đặt vị trí bếp tại các cung xấu của cuộc đất/ ngôi nhà để hóa giải và trấn áp theo tính "dĩ độc trị độc" (lấy cái xấu khống chế cái xấu). Các cung xấu trong cuộc đất phải được tính theo cửa cung bát quái phối mệnh quái của chủ nhà là các cung: Ngũ quỷ, Họa hại, Lục sát, Tuyệt mệnh.

Đặt bếp phải tránh các vị trí kiêng kỵ như cửa xung chiếu (cửa đối diện miệng bếp lò), cạnh cửa sổ, ở vị trí trung tâm căn nhà...

Một số nhà phong thủy cho rằng: "Bếp nên đặt ở cung Đông, hoặc Đông Nam vì 2 cung này hành Mộc sẽ sinh cho bếp hành Hỏa thì gia chủ sẽ vượng tài. Nhưng đó là quan niệm máy móc, thiếu tính đồng bộ.

Có người cho rằng, bếp là nơi nấu ra thức ăn để nuôi sống con người, và ngày nay bếp và phòng ăn cùng chung một gian, nên phải đặt bếp ở cung vị tốt để con người hấp thu được tốt hơn - về việc này thấy có gì đó không ổn. Chúng ta nên tách riêng bếp và phòng ăn riêng rẽ vì: Bếp và phòng ăn có thể liền nhau, nhưng vị trí đặt bếp vẫn tính để đặt vào cung xấu được, vì bếp là chỉ khu vực đun nấu, chế biến và chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ so với phòng ăn. Bếp và phòng ăn dù thông nhau nhưng đừng lẫn lộn coi phòng ăn có bếp khép kín thì tất cả đều là bếp.

Bếp ngày nay tiện dụng, muốn làm đúng theo phong thủy bếp xưa không khó, nhưng không cần phải quay về kiểu dáng bếp của thời dĩ vãng.

Bếp với những bữa ăn gia đình sum vầy chính là sợi dây gắn kết tình cảm mọi người trong nhà. Gia đình hạnh phúc hay không chỉ nhìn qua căn bếp có thể đoán được phần nào. Ngoảnh đi ngoảnh lại sắp hết năm, Tết sắp đến. Ở thành phố thèm được cảm giác ngồi bên nồi bánh chưng, bếp lửa bập bùng mà hàn huyên trò chuyện.

Người xưa tính cửa bếp thế nào?

Bếp cũng như nhà. Đã có ngôi nhà, có nền, có mái, cột chống, nhưng chưa xây tường bao quanh và chưa có cửa ra vào thì hướng chỉ được xác định khi buộc gia chủ phải vào ra bằng một cửa nhất định và hướng cửa sẽ là hướng nhà.

Bếp cũng thế, khi đun nấu ta phải quay mặt vào bếp thì hướng ngược lại là sau chúng ta là hướng bếp. Tất cả chỉ là tương đối, không nên cố chấp, máy móc quá về cửa bếp mà đặt bếp rồi làm mất mỹ quan, lộn xộn không đáng có.

Việc bố trí sắp xếp và giữ lửa cho gian bếp có ý nghĩa to lớn với hạnh phúc và thịnh vượng trong nhà, gian bếp cần hội đủ Ngũ hành (kết hợp 5 hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) là cơ sở để vạn sự suôn sẻ, thuận lợi, cụ thể:

- Hành Kim là Các vật dụng kim loại (nồi, chảo, xoong) có hình tròn tượng trưng cho một năm trọn vẹn.

- Hành Mộc là đôi đũa làm bằng thực vật, có 1 đầu tròn và 1 đầu vuông tượng trưng cho âm dương hòa hợp, hạnh phúc lứa đôi được vuông tròn.

- Hành Thủy không nhất thiết là nước, mà rộng hơn là chất lỏng (như dầu ăn… tượng trưng cho của cải đủ đầy)

- Hành Hỏa chính là bếp, tượng trưng cho năng lượng, sức khỏe dồi dào.

- Hành Thổ chính là người khai bếp, gắn với hình ảnh phụ nữ trong nhà.

Nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Quang Tuyến

photo-1-1573800469243153787880-crop-15738005937791063885202.jpg15 mẫu thiết kế nhà bếp mới toanh, vô cùng bắt mắt khiến bạn có cảm hứng đứng bếp nấu nướng mỗi ngày

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022