anh-bai-tu-van-tha-ca-copy-15480750535401862045912.jpg

Phóng sinh đúng cách là thả cá từ từ ở nơi vắng người, nước sạch để cá sống được. Ảnh minh họa

Cúng Táo ngày nào?

Lễ Táo Quân về trời là sự kiện quan trọng trước Tết Nguyên đán, với quan niệm xưa là mỗi nhà có 3 vị thần Táo Quân (2 Táo ông, 1 Táo bà trông giữ lửa cuộc sống gia đình). Táo Quân coi sóc sinh hoạt gia đình và ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, 3 vị Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu của các gia đình năm qua. Tới đêm Giao thừa các Táo mới trở về hạ giới tiếp tục công việc của mình.

Dịp này các gia chủ thường chuẩn bị 3 bộ mũ áo, cá chép để 3 vị Táo lên thiên đình. Một bộ Táo Quân đúng có 3 chiếc áo dài, 3 mũ áo Táo Quân (2 mũ đàn ông, một mũ đàn bà) đính giấy trang kim lóng lánh. Mũ Táo ông có 2 cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn (một số nơi bây giờ chỉ dùng tượng trưng 1 chiếc mũ có hai cánh chuồn, 1 chiếc áo và đôi hia giấy). Trong các bộ áo mũ Táo Quân có 3 cá chép giấy đính kèm. Còn có thêm bộ mã quan thần linh thường được đốt vào đêm 30 Tết với ý nghĩa cúng quan Thần linh dịp năm mới.

Theo ông Tam Nguyên (Giám đốc Công ty TNHH kiến trúc phong thủy Tam Nguyên), cúng Táo Quân năm Mậu Tuất làm tốt nhất vào các ngày sau:

Ngày 22 tháng Chạp (ngày Giáp Tý). Giờ tốt: Giờ Tị 9-11h, giờ Thân 13-15h.

Ngày 23 tháng Chạp (ngày Ất Sửu). Giờ tốt là giờ Ngọ 11-13h, giờ Mùi 13-15h.

Sau khi bày lễ, thắp hương, đợi hương tàn thì thắp thêm 1 tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và phóng sinh cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá chở Táo Quân lên chầu Trời.

Cá chép là phương tiện để các Táo bay về trời. Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Yên, Giám đốc Trung tâm UNESCO Văn hóa – Dòng họ và Gia đình Việt Nam, có nhiều lý luận về việc thả cá chép mã hay thật. Việc thả cá chép sống hay cá chép mã đều được, bởi việc cúng là ở tâm thành.

Theo ông Phú Đạt (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), công đức phóng sinh phụ thuộc vào tâm rộng mở của người phóng sinh (chứ không phụ thuộc lượng nhiều hay ít) và phóng sinh cá càng nhanh càng tốt.

Những việc nên làm và nên tránh khi đi thả cá

Theo nhiều nhà tâm linh, việc thả cá chép dịp 23 tháng Chạp ngày nay nhiều người làm không đúng cách, khiến cá phóng sinh bị ngộp, chết, mất hết ý nghĩa. Có người ném cả bịch cá chưa mở miệng túi nilon xuống sông, hoặc đổ túi cá cá chép đỏ cùng tàn nhang, tro vàng mã, hoặc thả cá nơi mương rãnh đen sì, ô nhiễm, đổ cá từ trên cao rơi xuống kè bê tông, nơi không có nước…

Những điều cần biết khi phóng sinh cá chép:

Nên làm:

Chọn mua những con cá chép khỏe mạnh (bơi nhanh, quẫy mạnh, không tróc vẩy) thì mới sống được lâu ở nơi nước lạ.

Nên tìm hiểu chất lượng nước nơi thả có bị ô nhiễm không, nông hay sâu, bề mặt rộng hay hẹp… cá có thể sống được không?

Nơi phóng sinh cần chọn chỗ vắng người (để tránh lòng tham của người săn bắt). Không cứ thả cá ở ao hồ gần chùa, chọn nơi nước sạch, cá dễ sống như sông, suối, hồ lớn.

Tâm thái khi đi khi đi phóng sinh cá cần vui vẻ, thoải mái, luôn tâm niệm phóng sinh cá là việc thiện lành, phúc đức.

Thả cá chép phải thả từ từ, nhẹ nhàng xuống nước ở nhiều nơi, không tập trung một chỗ, để tránh những va chạm mạnh, hoặc thả cá dày đặc một chỗ có thể làm cá chết.

Nghi lễ phóng sinh cần nhanh gọn, rồi nhanh chóng thả cá, kẻo cá sợ hãi, ngột ngạt, tù túng sẽ bị chết trước khi được phóng sinh. Sau khi thả cá nên lưu lại một chút xem cá đã bơi khuất đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt, hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị sóng xô dạt lại vào bờ.

Nên tránh:

Tránh phóng sinh cá vào ao nhà (vì cá vẫn trong ao nhà ta, không phải là phóng sinh). Không đổ cả xô/chậu cá. Không nên để cá nguyên trong túi nilon rồi ném xuống nước… vì cá dễ chết. Tránh ném cá cùng những vật dụng bỏ đi khác.

Tránh thả cá ở những nơi ao tù, vũng đọng, môi trường bị ô nhiễm vì cá khó sống sót. Việc phóng sinh tuyệt đối không nên mê tín, hay vụ lợi, đầu cơ công đức. Thả cá tuyệt đối không làm cho có lệ, mà nên mang theo sự thành tâm.

Nếu hiểu và phóng sinh theo nghĩa tích cực, đúng đắn thì môi trường và con người sẽ tích cực hơn, hướng thiện hơn.

cungtaoquan-15477369249701442372418-crop1547736940900p.jpg Những điều lưu ý khi cúng Táo Quân không nên bỏ qua

GiadinhNet - Cúng ông Công ông Táo từ xa xưa đã là một nghi lễ quan trọng của người Việt. Vậy nhưng, cúng thế nào và cần tránh những điều cấm kỵ gì khi thực hiện cúng Táo Quân thì không hẳn ai cũng biết.

Hà Dương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022