Những ngày qua, Bằng cũng như hơn 100 học sinh tại trường Giáo dục chuyên biệt Hoàng Mai ở phường 16, quận Gò Vấp, TP HCM không khỏi tò mò khi thấy một đội ngũ thợ đến sửa chữa lại khu nhà vệ sinh.
Sau khoảng 3 tuần thi công, hai nhà vệ sinh mới với hơn chục bồn cầu, cùng chậu rửa tay đã hoàn thành. Công trình được thông gió tốt, đón ánh sáng tự nhiên nhờ nhiều ô thông gió hướng ra vườn cây cùng giếng trời lợp tôn kính. Những hôm trời nắng, không cần bật điện, trong phòng vẫn sáng. Bên cạnh đó là hệ thống đèn âm trần, khi bật lên, ánh sáng chan hòa khắp phòng. Rồi chiếc gương lớn treo ở khu vực chậu rửa, những chậu cây xanh treo trên cao hay đặt dưới sàn, những bức tranh minh họa các bài học trong sách giáo khoa treo trên tường khiến Bằng và các bạn rất thích thú.
Nhà vệ sinh mới của trường Hoàng Mai có ánh sáng chan hòa, nhiều chi tiết trang trí. Ảnh: Hoàng Anh.
Cũng như Bằng, cô bé Tường Vi nhiều lần nấp sau cánh cửa để ngắm nhà vệ sinh mới. Dù là những đứa trẻ nhận thức chậm hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng Bằng, Tường Vi hay nhiều bạn nhỏ khác trong trường đều nhận thấy sự thay đổi của nhà vệ sinh trường mình và chúng rất muốn khoe cho bố mẹ. Anh Long, một phụ huynh khi đến đón con, được bé dẫn đến thăm nhà vệ sinh mới cũng không khỏi vui lây với bọn trẻ. "Thảo nào mà mấy hôm nay bé hay kể về nhà vệ sinh mới của trường", anh cho biết.
Cô Trần Thị Ân, hiệu trường cho biết, nhà vệ sinh mới chính là món quà mà chương trình "Phòng tắm trong mơ" (do VnExpress phối hợp cùng INAX - thương hiệu chuyên thiết bị phòng tắm của công ty LIXIL Nhật Bản tổ chức) tặng cho nhà trường. Toàn bộ trang thiết bị, bồn cầu, chậu rửa, vòi xịt, vòi hoa sen, tay vịn, gạch lát lát đến đèn, cây trang trí... đều được INAX tài trợ. Đơn vị này cũng cử đến một đội ngũ thợ thi công, đảm nhiệm toàn bộ công việc từ phá bỏ nhà vệ sinh cũ đến xây mới và trang trí nhà vệ sinh.
Cô Ân vẫn còn nhớ, trước khi sửa sang, nhà vệ sinh đã xây hơn chục năm của trường xuống cấp và có nhiều bất tiện, không an toàn cho học sinh, vốn là những trẻ bại não, khó khăn về vận động và trẻ chậm phát triển trí tuệ.
Dù nhà trường đã sửa nhiều lần nhưng đường ống thoát nước thường tắc nghẽn, thỉnh thoảng có mùi hôi và ẩm thấp. Nhiều lúc nước chảy lênh láng làm các em suýt trượt ngã. Bồn rửa tay và bồn cầu cũng đã cũ, nhiều chỗ sứt mẻ. Vì thế, nhiều bé ngại đi vệ sinh.
Thực tế, rất nhiều học sinh của trường không thể tự đi vệ sinh mà phải có người đi kèm. Có bé phải đi xe đẩy vào hoặc dùng ghế hỗ trợ, sau đó phải trèo vào hay bò vào bồn cầu. Nhà vệ sinh nhỏ, tối trong khi khả năng của các bé lại hạn chế nên nhiều đi xong, các bé lau chùi không sạch, vẫn còn chất thải bám vào người, mang theo cả mùi vào trong lớp. Nhiều em thiểu năng trí tuệ thậm chí không biết cách đi vệ sinh, các cô đành lập đồng hồ sinh học cho các em, ghi nhớ đến giờ đưa các em vào nhà vệ sinh vì chỉ cần sơ suất một chút là các em có thể đi ngay ra quần áo.
Một lần, một học sinh hồn nhiên hỏi cô Ân: "Cô ơi, nhà vệ sinh ở đâu cũng tối và có mùi hả cô?" khiến cô suy nghĩ rất nhiều. Đó cũng chính là động lực giúp cô viết thư gửi cho chương trình "Phòng tắm trong mơ" với hy vọng có một món quà Giáng sinh cho các em trong một năm đầy khó khăn do Covid-19.
Khi biết tin lá thư của mình đã được chấp nhận, cô Ân cảm thấy rất vui, khoe với tất cả các sơ trong nhà dòng - cũng là các cô giáo của trường. Cô cũng băn khoăn có nên nhận phần quà này không, nhận thì nhà trường sẽ được gì và sẽ phải làm gì. Thực tế, không phải mạnh thường quân nào đến hỗ trợ, nhà trường cũng nhận. Nhà trường luôn cân nhắc sự hỗ trợ ấy phải giúp phát triển nhân cách cho các em. Chương trình này đã đáp ứng được mong muốn đó của nhà trường khiến các cô rất hài lòng.
Ba bồn cầu đã cũ của nhà vệ sinh thứ nhất được thay mới bằng 6 bồn cầu có đủ tay vịn. Ảnh: Hoàng Anh.
Kiến trúc sư Bùi Hoàng Duy (Duy Bùi), người đã thiết kế lại toilet cho trường Hoàng Mai đánh giá, trong các thiết kế nhà tắm, nhà vệ sinh thì thiết kế cho người khuyết tật là khó nhất, bởi người khuyết tật đi lại khó khăn, thường đi xe lăn. "Ở nước ngoài hay những chỗ tiêu chuẩn, tại các không gian công cộng, người ta luôn nghĩ tới người khuyết tật trước. Giao thông, toilet cần có cửa rộng rãi và đường đi phù hợp làm sao xe lăn vào được", kiến trúc sư cho biết.
Ngày nhận bàn giao công trình, cô Ân cảm thấy vui vì các bé không chỉ sử dụng dễ dàng mà còn tỏ ra rất thích thú với nhà vệ sinh mới. "Công trình hoàn thành chỉ vài ngày trước Giáng sinh, là món quà ý nghĩa với nhà trường và các học sinh trong mùa Noel năm nay", cô Ân cho biết.
Hoàng Anh