photo-1-1564038635926862867593.jpg

Thời điểm này các thương hiệu bánh đã và đang giới thiệu sản phẩm đến khách hàng cho mùa Trung thu 2019. Ảnh: Lê Bảo

Trái cây nhiệt đới thành... bánh Trung thu

Mùa Trung thu nào hàng chục thương hiệu bánh trong nước cũng rục rịch chuẩn bị tung ra thị trường, giới thiệu đến thực khách những mẫu mã, hương vị bánh mới từ rất sớm. Thực tế tại Hà Nội, nhiều tuyến đường đã xuất hiện những quầy bánh Trung thu rực sắc màu giới thiệu sản phẩm đến người dùng. Tuy nhiên, những quầy bánh này gần như cả ngày không có mấy người quan tâm. Các nhân viên trực quầy cho biết, thời điểm này chủ yếu nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm chứ không hi vọng doanh số bán ra nhiều.

Theo quan sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, những thương hiệu bánh Trung thu bình dân này đã quá quen thuộc với người dân Thủ đô cũng như các tỉnh thành. Hiện tại, các mẫu mã bánh trưng bày tại các quầy cũng chưa thực sự phong phú, đa dạng, thậm chí khá nghèo nàn. Giá mỗi hộp bánh cũng chỉ dao động từ 40.000 – 70.000 đồng/chiếc; đối với những hộp loại 2 - 8 bánh, giá giao động từ 150.000 đồng đến trên 1 triệu đồng/hộp. Riêng những hộp bánh kèm rượu, chè hoặc nước yến có giá cao hơn, khoảng 4 triệu đồng/hộp. Năm nay, không ít người ngạc nhiên khi có một thương hiệu bánh Trung thu ra mắt dòng sản phẩm trái cây nhiệt đới mới thay vì hương vị truyền thống như mọi năm.

Bánh Trung thu nhập khẩu từ Nhật Bản, Malaysia… cũng được chào bán bởi nhiều đơn vị, thậm chí chào bán trên mạng xã hội, các kênh bán hàng online. Dòng sản phẩm nhập ngoại này cũng có muôn hình vạn giá. Nhiều loại bánh giá chào bán khá cao, lên đến vài triệu đồng/hộp 4 bánh, loại 250g. Tuy nhiên, nhiều nơi chào giá những loại bánh nhập ngoại chỉ với giá từ 20.000 đồng/chiếc, loại 150g. Tuy nhiên, rất nhiều người cho biết, bản thân những sản phẩm nhập ngoại, thậm chí gắn mác nhập ngoại đã chào bán khá rầm rộ nhiều năm nay nên việc lựa chọn các sản phẩm này cũng cần cân nhắc cẩn thận.

Điều khiến thị trường bánh Trung thu năm 2019 nhận được sự quan tâm chính là việc xuất hiện của các thương hiệu bánh của một số khách sạn hạng sang tại Hà Nội. Đó là những dòng bánh lạ, khẳng định tên tuổi khách sạn trong các mùa Trung thu. Giá mỗi hộp bánh của những đơn vị này đều trên 700.000 đồng/hộp, cá biệt có những hộp bánh được chào bán gần 15 triệu đồng/hộp.

Được biết, hộp bánh này có tên "Vương kim tri ngộ" của Khách sạn Hà Nội bao gồm 4 bánh nhân sen trắng lòng đỏ trứng mặn loại 125g và kèm một chai rượu ngoại. Theo tìm hiểu của PV, riêng chai rượu ngoại này có giá trên thị trường khoảng 5 triệu đồng.

Khách sạn Pullman Hanoi cũng đưa ra một số sản phẩm phục vụ khách trong mùa Trung thu năm nay. Hộp bánh đặc biệt mang tên "Trăng" gồm 4 loại bánh nướng 150g kèm chai rượu vang có giá 1,4 triệu đồng/hộp.

Một thương hiệu bánh khác có giá cao nhất 2,5 triệu đồng/hộp gồm 4 bánh loại 150g, một hộp trà Olong và một chai rượu.

Bánh cổ truyền lên ngôi

photo-2-1564038638879647398916.jpg

Các loại bánh cổ truyền vẫn nhận được nhiều sự tin yêu của thực khách Hà Nội.

Trong cuộc chạy đua trước mùa Trung thu năm nay, những thương hiệu bánh cổ truyền cũng chuẩn bị cho mình những kế hoạch để sản xuất, phục vụ người dân. Đặc biệt, đối với các thương hiệu bánh cổ truyền có tiếng tại Hà Nội suốt nhiều năm qua, mỗi khi mùa Trung thu đến thường rơi vào cảnh sản xuất không kịp sức mua của người dân.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện một thương hiệu bánh cổ truyền nổi tiếng tại Hà Nội cho biết: "Thời điểm này chúng tôi đã và đang chuẩn bị để phục vụ thực khách mùa Trung thu. Việc chuẩn bị này không đơn thuần là kế hoạch sản xuất, sản xuất bao nhiêu bánh, chủng loại gì, mẫu mã ra sao mà còn liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên liệu đầu vào, nhân công thực hiện việc làm bánh...". Đặc biệt, đại diện thương hiệu bánh cổ truyền này cho biết, dù còn 2 tháng nữa mới chính thức đến Trung thu nhưng ở thời điểm hiện tại đã nhận được gần 100 đơn hàng với gần 3.000 bánh đặt trước.

Nói về kế hoạch sản xuất bánh phục vụ cho mùa Trung thu 2019, đại diện thương hiệu bánh cổ truyền này nhận định: "Nguyên liệu đầu vào là quan trọng nhất. Chúng tôi phải lựa chọn nhà cung cấp có đầy đủ chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt cũng như đảm bảo những quy định khắt khe đặt ra. Điều khiến chúng tôi băn khoăn là giá nguyên liệu đầu vào mỗi năm một cao hơn, trong khi đó giá bánh khó có thể nâng lên cao nên phải cân đối nhiều thứ. Mùa Trung thu năm nay, chắc chắn lượng khách sẽ tiếp tục tăng do thị hiếu, hương vị cổ truyền luôn mang lại cho nhiều người thích thưởng thức".

Trao đổi với PV, bác Huyền - một khách hàng cho hay: "Bánh nướng, bánh dẻo hương vị cổ truyền luôn mang lại cho những người có tuổi như chúng tôi cảm giác thích thú hơn là các loại bánh đắt tiền, nhập ngoại. Chính vì vậy, dịp này tôi đã mua một hộp loại 4 bánh (gồm 2 nướng, 2 dẻo) để thắp hương và cùng con cháu thưởng thức hương vị Trung thu sớm".

Mùa Trung thu nào cũng vậy, ngoài các loại bánh cổ truyền, bánh nhập ngoại, bánh thương hiệu thì rất nhiều nơi cung ứng bánh handmade. Những người yêu thích hương vị các loại bánh handmade chủ yếu là người trẻ, yêu thích sự mới mẻ. Chính vì vậy, mỗi năm thị trường lại cho ra những dòng sản phẩm handmade mang tính độc đáo, hấp dẫn riêng. Giá các loại bánh handmade khá đa dạng, có nhiều sự lựa chọn cho thực khách. Tuy nhiên, đối với những loại sản phẩm handmade, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên mua tại những địa chỉ uy tín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc trưng của các loại bánh cổ truyền là thời hạn sử dụng bánh ngắn, chỉ từ 7 - 10 ngày sau khi sản xuất nên các cơ sở làm bánh không thể sản xuất đại trà. Thời điểm này, họ chỉ sản xuất cầm chừng, chủ yếu phục vụ việc biếu, tặng hoặc những người có nhu cầu thưởng thức hương vị bánh Trung thu sớm.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022