Bài báo hướng tới việc xác định thời điểm xuất hiện kiến trúc Hiện đại ở Việt Nam và đặc điểm cơ bản của nền kiến trúc Việt Nam hiện đại là luôn hướng tới dân tộc, đồng hành cùng dân tộc. Ngay cả dưới thời thuộc địa, mặc dù kiến trúc Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của kiến trúc Pháp nhưng văn hóa bản địa vẫn hiện hữu và phát triển cùng với thời gian. Sau khi đất nước dành được độc lập rồi bị chia cắt thành hai miền Bắc – Nam, kiến trúc ở hai miền tuy có sự khác biệt nhất định song vẫn luôn hướng tới các giải pháp mang tính hiện đại nhiệt đới Việt Nam. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, nền kiến trúc nước nhà đã có bước tiến nhảy vọt, các xu hướng sáng tác trở nên đa dạng, đa sắc thái nhưng các giải pháp mang tính dân tộc và đáp ứng khí hậu bản địa vẫn luôn được lưu tâm.
Mở đầu
Đa phần các nhà phê bình và nghiên cứu lịch sử kiến trúc thế giới đều coi thời kỳ Kiến trúc Hiện đại bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XIX, với sự phát triển bùng nổ về kinh tế - xã hội cùng các thành tựu khoa học và công nghệ ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các thành tựu này được áp dụng trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng thông qua các loại hình kết cấu mới, các loại vật liệu mới tạo ra những công trình gây ấn tượng mạnh do sự khác biệt hoàn toàn với những quan điểm sáng tác trước đó.
Trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, kiến trúc Hiện đại có thể coi là bắt đầu từ thế kỷ XX, khi người Pháp đặt ách đô hộ tại Đông Dương và xây dựng rất nhiều công trình ở Việt Nam nhằm quảng bá cho nền văn minh Pháp, trong đó có những công trình theo ngôn ngữ hiện đại, mở đầu là cầu Long Biên khánh thành năm 1902, cây cầu thép dài bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Như vậy thời điểm kiến trúc Hiện đại bắt đầu ở Việt Nam muộn hơn khoảng 30 đến 50 năm so với các nước Phương Tây.
Kiến trúc Hiện đại thời thuộc địa đã đạt được những thành tựu đáng kể, đại đa phần các công trình đều do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, chỉ một số nhỏ do các kiến trúc sư người Việt thiết kế. Tuy nhiên kiến trúc Hiện đại thời kỳ này cũng đã mang tính giao thoa văn hóa Pháp – Việt, không hoàn toàn giống với kiến trúc Hiện đại ở Pháp cùng thời điểm.
Ngay sau khi đất nước giành được độc lập năm 1945, chúng ta phải trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp nên kiến trúc có sự gián đoạn. Chỉ từ năm 1955, nền kiến trúc nước nhà mới tiếp tục phát triển nhưng trong tình trạng đất nước bị chia thành hai miền Bắc – Nam. Kiến trúc ở hai miền có sự khác biệt tương đối rõ rệt do những điều kiện về kinh tế, kỹ thuật và công nghệ, tuy nhiên kiến trúc ở cả hai miền đều theo xu hướng hiện đại mang tính dân tộc .
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, nền kinh tế bước vào một giai đoạn khó khăn nên kiến trúc cũng không phát triển mạnh. Chỉ từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, nền kinh tế - xã hội có sự phát triển vượt bậc đã tạo điều kiện cho kiến trúc nước nhà có bước tiến nhảy vọt, hình thành một nền kiến trúc Việt Nam đương đại đa dạng, đa sắc thái và đạt được tiếng vang nhất định trên bình diện quốc tế.
1. Kiến trúc Hiện đại thời thuộc địa
Kiến trúc hiện đại Việt Nam thời thuộc địa mở đầu bằng việc xây dựng một loạt cầu thép như cầu Trường Tiền, cầu Long Biên, cầu Ghềnh đầu thế kỷ XX, bên cạnh đó là một số chi tiết Art Nouveau được đưa vào các công trình Tân cổ điển như ở Dinh Thống sứ Bắc kỳ hay Nhà hát lớn Hà Nội. Tuy nhiên phài từ những năm 1920, kiến trúc thời thuộc địa mới thực sự hiện đại và bám sát các phong cách kiến trúc Phương Tây thịnh hành lúc bấy giờ. Kiến trúc Hiện đại thời thuộc địa được đặc trưng bởi sự đa dạng về phong cách, sự pha trộn và giao thoa giữa hai nền văn hóa Pháp và Việt Nam. Tính hòa trộn và giao thoa văn hóa có sự biến đổi qua các giai đoạn, từ việc đưa một số họa tiết kiến trúc Việt vào những công trình mang tính áp đặt kiến trúc Pháp ở giai đoạn đầu; tới cuối những năm 1930, những công trình giao thoa văn hóa và kiến trúc Pháp – Việt mang tính áp đảo thông qua những công trình phong cách kiến trúc Đông Dương.
1.1. Phong cách kiến trúc Art Nouveau
Kiến trúc Art Nouveau ở Việt Nam cũng mang những hình thái đặc trưng của Art Nouveau ở Châu Âu thời kỳ này là lấy cảm hứng từ hình thái và cấu trúc trong thiên nhiên, không chỉ là những loại cây cỏ, hoa lá mà còn là những đường cong uyển chuyển, mềm mại trong tự nhiên. Tuy nhiên kiến trúc Art Nouveau ở Việt Nam ban đầu chủ yếu thể hiện qua các bộ phận công trình, từ các mái che lối vào bằng kính-kim loại với hình thức đơn giản, dần dần tới các hình thức mái kính-kim loại phức hợp, các hình thức trang trí cầu thang, cửa vào, các hình đắp nổi và sàn mosaique. Từ những năm 1920, một số công trình Art Nouveau hoàn chỉnh mới bắt đầu được xây dựng ở Sài Gòn, Hà Nội mà điển hình là khách sạn Majestic ở Sài Gòn. Đặc điểm của kiến trúc Art Nouveau Việt Nam là việc sử dụng nhiều họa tiết trang trí cách điệu từ các họa tiết trang trí ở các công trình kiến trúc truyền thống bản địa.
Các công trình tiêu biểu: Khách sạn Majestic ở TP Hồ Chí Minh (ảnh 1); biệt thự 18 Tông Đản, các mái sảnh và họa tiết trang trí Nhà hát lớn, Dinh Thống sứ Bắc Kỳ, tòa soạn báo l’Avenir du Tonkin ở Hà Nội.
Hình 1: Khách sạn Majestic trước khi cải tạo
1.2. Phong cách kiến trúc Art Deco
Kiến trúc Art Deco xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 1920, gần như đồng thời với sự phát triển phong cách kiến trúc này ở Pháp. Ngoài những đặc điểm chung với phong cách Art Deco trên thế giới như sử dụng những khối hình học cơ bản trong bố cục không gian, tổ chức những băng cửa rộng chạy theo chiều ngang hay chiều dọc trên mặt đứng, kết hợp với các hình thức trang trí bằng thép uốn, các hình đắp nổi hay việc sử dụng màu sắc trong trang trí. Art Deco Việt Nam được đặc trưng bởi các họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ các hình thức nghệ thuật cổ truyền và các họa tiết trang trí trên các công trình kiến trúc truyền thống bản địa. Các công trình theo phong cách Art Deco cũng được áp dụng nhiều giải pháp kiến trúc phù hợp khí hậu nhiệt đới Việt Nam.
Các công trình tiêu biểu: Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương (hình 2), Quỹ Tín dụng bất động sản, Công ty Shell, Tòa nhà Grands Magasins Reunis ở Hà Nội; Thương xá TAX, Khách sạn REX ở TP. Hồ Chí Minh; Dinh Công sứ Pháp ở Huế; Viện Pasteur Đà Lạt.
Hình 2: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (trước kia là Ngân hàng Đông Dương)
1.3. Phong cách kiến trúc Đông Dương
Sau một thời gian khai thác các công trình mang các phong cách thuần túy châu Âu, người Pháp nhận thấy nó hoàn toàn không phù hợp về mặt khí hậu cũng như truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan Việt Nam. Từ khoảng giữa thập kỷ 1920 đã hình thành một phong cách kiến trúc mới, kết hợp thành tựu công nghệ và văn hoá Pháp với truyền thống văn hoá và kiến trúc bản địa mang tên Phong cách kiến trúc Đông Dương. Kiến trúc theo phong cách Đông Dương là những công trình có tổ chức không gian chức năng theo sát công năng sử dụng công trình theo quan niệm của người Pháp lúc bấy giờ, sử dụng các giải pháp kết cấu tiên tiến thoả mãu các yêu cầu tổ chức không gian lớn, nhiều tầng. Bên cạnh đó là sự tìm tòi, biến đổi về mặt không gian và cấu tạo kiến trúc nhằm tạo ra những công trình có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, cảnh quan cũng như truyền thống văn hoá bản địa.
Các công trình tiêu biểu: Bảo tàng Louis Finot (hình 3), Đại học Đông Dương, Sở Tài chính và Trước bạ, Nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội; Bảo tàng Blanchard de la Brosse ở TP. Hồ Chí Minh; Bảo tàng Henri Parmentier ở Đà Nẵng; Nhà thờ Domaine de Marie và Ga Đà Lạt.
Hình 3: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (trước kia là Bảo tàng Louis Finot)
1.4. Phong cách kiến trúc Modern
Phong cách Modern trong kiến trúc Việt Nam thời thuộc địa được thể hiện qua các biệt thự xây dựng từ giữa những năm 1930 ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt... Các biệt thự phong cách Modern thường sử dụng các khối hộp chữ nhật cho các không gian ở kết hợp với các hình bán nguyệt là nơi bố trí các không gian phụ như sảnh, lồng cầu thang, ban công. Cấu trúc phi đăng đối cùng việc các khối được bố trí ở độ cao khác nhau tạo ra những hình khối kiến trúc năng động và ngập tràn sinh lực.
Tuy nhiên, khác với biệt thự Modern ở Pháp đặc trưng bởi các băng cửa kính theo phương ngang, các biệt thự theo phong cách Modern ở Việt Nam có lượng mở cửa vừa phải, mái sảnh, ban công vươn rộng, các giải pháp che nắng và thông gió tự nhiên rất được chú trọng (hình 4).
Hình 4: Biệt thự Bảo Đại ở Đà Lạt
2. Kiến trúc Hiện đại thời kỳ 1955 - 1975
Sau năm 1954, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền với hai hệ tư tưởng đối lập, tuy nhiên ý thức đấu tranh dành quyền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước luôn nằm trong tâm trí người Việt, trong đó có giới kiến trúc sư. Vì vậy trong khi sáng tác, giới kiến trúc sư Viêt Nam ở cả hai miền luôn hướng tới các giải pháp kiến trúc hiện đại mang tính dân tộc, phù hợp văn hóa, khí hậu và thiên nhiên Việt Nam.
2.1. Kiến trúc Miền Bắc
Sau ngày giải phóng, Miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước đến 1965. Tiếp đến là cuộc chiến chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tiếp tục cùng đồng bào Miền Nam đấu tranh dẫn đến thắng lợi ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Do vậy nguồn lực dành cho việc xây dựng đô thị không nhiều, thiếu thốn vật liệu và công nghệ xây dựng hiện đại, sự giao lưu với kiến trúc thế giới còn hạn chế.
Đóng vai trò chủ công trong việc thiết kế kiến trúc giai đoạn đầu là một số kiến trúc sư tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ trước năm 1945, do vậy những công trình phần nào mang hơi hướm của kiến trúc Tân cổ điển với sự đăng đối trong bố cục hình khối, nhưng các giải pháp phù hợp khí hậu cảnh quan và việc sử dụng các họa tiết trang trí truyền thống bản địa cũng được lưu tâm.
Chỉ khoảng sau năm 1972 mới bắt đầu có sự tham gia của các kiến trúc sư được đào tạo trong nước hoặc trở về từ các nước XHCN, từ thời điểm này kiến trúc miền Bắc theo xu hướng Hiện đại nhiệt đới với sự kết hợp các mảng đặc, rỗng và xuyên sáng, cùng một tỷ lệ hài hòa gắn liền với thiên nhiên.
Các công trình tiêu biểu: Lễ đài Ba Đình, Hội trường Ba Đình, trụ sở Tổng cục Thống kê, trường Nguyễn Ái Quốc, Đại học Thủy lợi, Bảo tàng Việt Bắc, Đại học Bách khoa, Nhà khách Chính phủ, Khách sạn Thắng Lợi, Cung Thiếu nhi Hà Nội (hình 5).
Hình 5: Cung Thiếu nhi Hà Nội
2.2. Kiến trúc Miền Nam
Ở miền Nam sau năm 1954, quá trình đô thị hóa gia tăng mạnh mẽ, khả năng tiếp xúc với văn hóa, kỹ thuật Phương Tây tạo điều kiện cho thể loại công trình và hình thức kiến trúc phát triển đa dạng. Vật liệu nhập khẩu dồi dào và công nghệ xây dựng hiện đại giúp giới kiến trúc sư Miền Nam có nhiều thuận lợi trong thiết kế.
Kiến trúc miền Nam thời kỳ này rất đa dạng về thể loại công trình lẫn giải pháp kiến trúc. Các kiến trúc sư được đào tạo từ châu Âu, Bắc Mỹ trở về đã tạo ra luồng gió mới cho kiến trúc, đoạn tuyệt hoàn toàn với kiến trúc thời thuộc địa và thực sự mang chất kiến trúc hiện đại.
Đa phần các kiến trúc sư đều cố gắng đưa các yếu tố văn hóa dân tộc vào hình thức công trình, tìm tòi các giải pháp thiết kế kết hợp hài hòa giữa giải pháp kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống, phù hợp khí hậu và cảnh quan địa phương, từ đó tạo ra một trào lưu kiến trúc Hiện đại nhiệt đới đặc sắc, sánh ngang các nước trong khu vực.
Các công trình tiêu biểu: Dinh Độc Lập (hình 6), Thư viện Quốc gia, Bệnh viện Vì Dân, Viện Đại học Huế, Khách sạn Caravelle, Ngân hàng Việt Nam Thương tín, Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, Chợ Đà Lạt, Viện Đại học Huế, Nhà thờ Đức Mẹ hằng cứu giúp ở Huế.
Hình 6: Hội trường Thống nhất (trước kia là Dinh Độc lập)
3. Kiến trúc Đương đại
Sau khi đất nước thống nhất, kinh tế nước ta bước vào một giai đoạn khó khăn, một mặt do sự cấm vận của các nước Phương Tây, mặt khác là cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa bành trướng, đồng thời với chính sách quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp nên kiến trúc nước nhà cũng không có điều kiện phát triển.
Năm 1986 đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, đặc biệt từ những năm 1990, nền kinh tế - xã hội có sự phát triển vượt bậc, cùng với làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tạo điều kiện cho việc xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc đa dạng về công năng. Nền kiến trúc nước nhà đã có bước tiến nhảy vọt, các xu hướng sáng tác trở nên đa dạng, đa sắc thái nhưng luôn chú ý tới các giải pháp mang tính dân tộc và đáp ứng khí hậu bản địa giúp hình thành một nền kiến trúc Việt Nam đương đại có được tiếng vang nhất định trên bình diện quốc tế.
3.1. Xu hướng Hiện đại mới
Xu hướng Hiện đại mới trong kiến trúc đương đại Việt Nam có thể coi là một sự tiếp nối thành công nhiều công trình theo trào lưu Hiện đại hiệt đới ở các đô thị miền Nam trước năm 1975. Các sáng tác theo xu hướng này vẫn cho thấy hình thức công trình luôn theo sát công năng, tuy nhiên có sự tìm tòi phương cách biểu hiện hình thái kiến trúc bằng những giải pháp công nghệ hiện đại, khả năng biểu hiện của các kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực kết cấu thép, kính, bê tông được tận dụng triệt để tạo ra những bộ mặt kiến trúc hoàn toàn mới mang tính ấn tượng mạnh. Bên cạnh đó là sự nhấn mạnh vào những giải pháp kiến trúc phù hợp với văn hóa, khí hậu, thiên nhiên Việt Nam làm cho hình thức công trình mang màu sắc bản địa độc đáo.
Các công trình tiêu biểu: Nhà Quốc hội Việt Nam (hình 7), Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, Khách sạn Pan Pacific Hanoi, Đại học RMIT TP. Hồ Chí Minh, Tòa nhà Diamond Plaza, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh.
Hình 7: Nhà Quốc hội Việt Nam
3.2. Xu hướng High-Tech
Xu hướng High-Tech trong kiến trúc Việt Nam đương đại thường thấy nhất ở những công trình siêu cao tầng hay những những công trình đòi hỏi không gian lớn. Đặc điểm nổi bật của các công trình High-Tech là việc sử dụng hệ thống kết cấu hiện đại như một ngôn ngữ biểu cảm chính, dẫn tới những ấn tượng mạnh về mặt cảm thụ thị giác hình khối công trình theo phương đứng hoặc phương ngang, những vật liệu cao cấp được sử dụng nhiều trong việc trang trí mặt ngoài công trình. Cùng với sự phát triển mạnh về cả chiều cao và khẩu độ ở các công trình kiến trúc đương đại thì xu hướng High-Tech càng đặc biệt có đất diễn.
Các công trình tiêu biểu: Khách sạn JW Marriott Hà Nội (hình 8), Bảo tàng Hà Nội, Tòa nhà Bitexco Financial , Lotte Center Hà Nội, Tòa nhà The Landmark 81, Nhà thi đấu Phú Thọ - TP. Hồ Chí Minh, Khách sạn Sapaly Lào Cai, các Ga hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Liên Khương.
Hình 8: Khách sạn JW Marriott Hà Nội
3.3. Xu hướng Biểu hiện mới
Kiến trúc Biểu hiện không có gì xa lạ ở Việt Nam, ngôi chùa Một Cột độc đáo gợi lại hình ảnh của một bông sen vươn lên từ mặt nước đã được xây dựng từ thời Lý hay Gác chuông chùa Keo mang đậm chất điêu khắc được xây dựng từ thời Lê. Có thể nói, từ xa xưa Việt Nam đã có chủ nghĩa Biểu hiện trong kiến trúc và xu hướng Biểu hiện mới trong kiến trúc Việt Nam đương đại là sự tiếp nối ngoạn mục cho một phong cách nghệ thuật đầy cá tính và hấp dẫn này. Các công trình sáng tác theo chủ nghĩa Biểu hiện mới thường có cấu trúc không gian mang tính biểu tượng mà ít lệ thuộc vào công năng với phương châm “chức năng chính của kiến trúc là cảm xúc”, chú trọng việc tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về thị giác của công trình, tính liên tưởng và tính ẩn dụ được phát huy.
Các công trình tiêu biểu: Đài Tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn (hình 9), Đài Tưởng niệm Tuyên Quang, Bảo tàng Đắc Lắc, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Quảng Ninh, Crazy House, Nhà Trăm mái ở Đà Lạt.
Hình 9: Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn
3.4. Xu hướng kiến trúc Sinh thái
Xu hướng kiến trúc Sinh thái mới xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XXI ở Việt Nam với chủ đích là đưa công trình kiến trúc gắn liền với tự nhiên, tích hợp với các đặc điểm cơ bản của tự nhiên, tận dụng năng lượng tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm. Đặc biệt là các công trình sử dụng vật liệu tự nhiên như tre, đất, đá vừa mang tính thân thiện với môi trường vừa mang tính địa phương rõ rệt. Chính nhờ sự gắn bó hữu cơ với tự nhiên nên kiến trúc Sinh thái Việt Nam dễ dàng tạo dựng tính độc đáo cho riêng mình do các điều kiện tự nhiên ở mỗi nước đều có đặc điểm riêng, không có sự trùng lặp.
Các công trình tiêu biểu: Nhà hiệu bộ trường đại học FPT Hà Nội (hình 10), Nhà Việt Nam tại Milan Expo 2015, Nhà trẻ Farming Kindergarten, Nhà cộng đồng Cẩm Thanh, Trường liên cấp Quốc tế Sentia, Trụ sở Công ty xổ số kiến thiết TP. Hồ Chí Minh.
Hình 10: Nhà hiệu bộ trường đại học FPT Hà Nội
Kết luận
Kiến trúc Hiện đại Việt Nam đã trải qua hơn 100 năm phát triển, có nốt thăng có nốt trầm, nhưng tựu trung lại vẫn là một nền kiến trúc luôn hướng về bản sắc dân tộc Việt, ngay cả dưới thời Pháp thuộc. Trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, giới kiến trúc sư ở cả hai miền Bắc – Nam đều hướng tới những giải pháp thiết kế hiện đại mang tính dân tộc, gắn bó với thiên nhiên và con người Việt Nam. Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, kiến trúc Việt Nam đương đại vừa tiếp nhận những thành tựu và kinh nghiệm của kiến trúc thế giới, vừa tiếp tục gắn liền với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc, tạo ra những tác phẩm đa sắc màu nhưng vẫn mang bản sắc riêng của kiến trúc Việt Nam hiện đại.
TS.KTS Trần Quốc Bảo - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
-
Trần Quốc Bảo (2015), Kiến trúc Việt Nam đương đại – Những xu hướng sáng tác nổi bật. Tạp chí Kiến trúc số 1-2015
-
Trần Quốc Bảo và cộng sự (2011), Di sản kiến trúc Pháp thuộc ở Hà Nội và một số ảnh hưởng của nó đến kiến trúc Hà Nội đương đại, Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.
-
Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh và cộng sự (2011), Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc, NXB Xây dựng, Hà Nội.
-
Trần Quốc Bảo (1997), Kiến trúc nhà cộng cộng ở Hà Nội giai đoạn 1955-1964. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 1-1997.
-
Tôn Đại (2009), Di sản kiến trúc Pháp - các giá trị và ảnh hưởng, Tạp chí Kiến trúc số 5-
-
Tôn Thất Đại (1985), Các xu hướng kiến trúc ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX, Luận án Phó tiến sĩ Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
-
Đặng Thái Hoàng (1997), Kiến trúc Hà Nội thế kỷ XIX - XX, NXB Hà Nội.
-
Trương Ngọc Lân (2019), Lịch sử kiến trúc Việt Nam hiện đại, ARCH+.
-
Phạm Đức Nguyên, Trần Quốc Bảo (2002), Kiến trúc sinh khí hậu Việt Nam. Tạp chí Kiến trúc số 3-2002.
-
Nguyễn Đình Thi, Trần Quốc Bảo và cộng sự (2020), Giáo trình Lịch sử Kiến trúc, NXB Xây dựng, Hà Nội.
-
Nguyễn Đình Thi và cộng sự (2017), Giáo trình chuyên đề lý thuyết kiến trúc, NXB Xây dựng, Hà Nội.
-
Nguyễn Đình Toàn (2002), Kiến trúc Việt Nam qua các triều đại, NXB Xây dựng, Hà Nội.
-
C. Jencks (1993), Modern Movements in Architecture, Penguin Books, London.
-
E. Burden (2002), Illustrated Dictionary of Architecture, Mc Graw-Hill, London.
-
F. Ching, M. Jarzombek, V. Prakash (2006), A Global History of Architecture, Wiley, London.
-
G. Vickers (1999), Key Moments in Architecture, Hamlyn, London.
-
A. Le Brusq, L. de Selva (2011), Vietnam à travers l’architecture coloniale, Les Éditions de l’Amateur, Paris.