Với những người yêu hoa, đặc biệt là hoa Lan huệ sẽ không thể bất ngờ hơn, khi giữa đất trời Hà Nội lại có một khu vườn rộn ràng sắc hương đẹp lãng mạn bởi rất nhiều hoa huệ. Có thời điểm, khu vườn ấy có cả 300 củ với khoảng gần 100 loại hoa Lan huệ khiến những ai phải lòng loài hoa này đều cảm thấy nhớ nhung.
Chủ nhân của khu vườn là chị Lê Thanh Thủy, một người phụ nữ đất Hà Thành có tâm hồn rộng mở, khoáng đạt và cũng vô cùng lãng mạn. Ngoài công việc chính là cán bộ nhà nước, chị Thanh Thủy còn dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình để chăm sóc khu vườn ngạt ngào hương hoa trong khu biệt thự Hoa Sữa tại Long Biên.
Trong khu vườn có đến 300 gốc Lan huệ.
Chị Thủy cho biết, chị “bén duyên” với Lan huệ từ năm 2012. Vào thời điểm ấy, chị bắt đầu trồng củ huệ nội đỏ dại mà các vùng quê hiện nay đang trồng rất nhiều. Khi hoa nở, vẻ đẹp giản dị, trong trẻo nhưng vô cùng quyến rũ của loài hoa này đã khiến chị mê mẩn và tiếp tục trồng đến 300 củ đủ loại huệ nội, huệ ngoại và huệ lai.
Để có được khu vườn với đủ sắc màu rực rỡ đặc trưng của trăm loài Lan huệ, chị Thanh Thủy luôn chú trọng vào việc bảo quản củ hoa khi mới mua về. Chị cho biết: “Khi mua củ về hầu hết là củ đã qua xử lý để ra hoa. Vì vậy sẽ có củ nhú nụ hoặc chưa, với củ nhú nụ khi chưa đến thời điểm mình mong muốn củ nở hoa thì có thể bọc kín bằng giấy báo để riêng vào ngăn mát của tủ lạnh để hãm hoa nở. Với những loại củ này nếu chưa trồng ngay thì nên để chỗ thoáng mát tránh ẩm làm thối củ”.
Chị Thanh Thủy cũng lưu ý rằng, để có những chậu Lan huệ thật đẹp cũng cần chú ý trong việc chọn củ: “Nên chọn củ size to bởi đó là những củ khỏe, chứa nhiều dinh dưỡng nuôi hoa nên sẽ cho những bông hoa đẹp. Tuy nhiên cũng tuỳ đặc tính của từng loại mà có size củ và hình dáng riêng”.
Theo kinh nghiệm của chị Thủy, hoa Lan huệ là loài vô cùng dễ trồng. Vì vậy khi trộn chất trồng không cần nhiều đất, nhưng cần được thoát nước và tơi xốp tránh bị úng gây thối rễ, thối củ. Tỷ lệ trộn đất lý tưởng bao gồm: 1 mùn dừa:1 trấu:1 đất trồng (đất trộn bán sẵn), thêm chút phân chậm tan hoặc phân bò đã qua xử lý.
Khi trồng Lan huệ, chị Thủy khuyên nên cắt tỉa hết rễ cũ, có thể gọt bỏ chút đế củ đối với củ có đế dày, để vết cắt đế se lại sau đó vùi ngập 1/3 củ xuống đất đã được làm ẩm với tỷ lệ trộn như trên. Chị Thủy cũng tiết lộ một trong những lý do chị yêu hoa Lan huệ: “Chơi Lan huệ ngoài cái thú ngắm vẻ đẹp khác nhau của hoa, còn có những loại Lan huệ có bộ lá cũng rất đẹp như hồng sọc (Mrs. Garfield)... Người chơi cũng rất thích tự mình lai tạo bằng cách thụ phấn các bông huệ đẹp khác nhau để cho thế hệ con lai có vẻ đẹp với rất nhiều bất ngờ và thú vị.”
Khi Lan huệ đã nở để giữ hoa tươi bền màu nên để hoa vào chỗ mát tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp và nước mưa, tưới nước lượng vừa đủ quanh chậu cây tránh tưới dội từ trên xuống. Với những kinh nghiệm hơn 5 năm trồng huệ, khu vườn của gia đình chị hiện tại luôn rộn ràng hương sắc như một bản nhạc vui rộn ràng mang mùa xuân khắp mọi nơi “chen lấn” vào ngôi nhà.
Theo /Helino