Rồng là linh vật đứng hàng đầu trong tứ linh “long (rồng), ly (lân), quy (rùa), phụng (phượng)”. Đến với Thừa Thiên - Huế, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp và chiêm ngưỡng hình tượng rồng trên các kiến trúc của hệ thống di tích cố đô Huế hay là ở các miếu vũ, đình chùa, bởi đây mô thức trong kiến trúc, trang trí của xứ Thần Kinh (có nghĩa là Kinh đô Thần bí).
Biểu tượng kiến trúc cung đình
Rồng trên cửa phía Đông (cửa Hiển Nhơn) của Hoàng Thành Huế.
Rồng được biết đến là linh vật trong các truyền thuyết và theo quan niệm dân gian ở nhiều nước phương Đông, Rồng là linh vật đứng đầu tứ linh (long, ly, quy, phụng). Theo một số nước Á Đông, rồng cơ bản có bốn loại mang 4 sức mạnh của thiên nhiên là 4 yếu tố tạo nên vũ trụ: Gió, Lửa, Đất và Nước. Từ bốn loại chính này mà người ta tưởng tượng ra nhiều loại rồng khác nhau.
Rồng Việt Nam là vật tổ của người Việt theo truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, trong trang trí kiến trúc, điêu khắc và hội họa hình rồng mang bản sắc riêng, theo trí tưởng tượng của người Việt. Trước thời phong kiến, rồng được coi là biểu tượng của nước, vốn là điều ám ảnh trong tâm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Sang thời phong kiến, rồng trở thành biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua là đỉnh cao của khái niệm quyền uy.
Dưới các thời Lý, Trần, Lê, Mạc, rồng trong mỹ thuật vào mỗi thời điểm cụ thể lại có những nhận xét khác nhau. Tuy nhiên, đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945) thì được thống nhất, rồng mang dáng vẻ uy nghi, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, sức mạnh của triều đại. Rồng là điểm hội tụ của ý nghĩa vũ trụ và nhân sinh quan, ngoài biểu tượng cho quyền lực và vương quyền, rồng còn là biểu tượng của nền văn minh lúa nước của người Việt.
Con Rồng là biểu tượng thời Nguyễn tượng trưng cho quyền uy và nền văn minh lúa nước.
Hình tượng rồng luôn được các nghệ nhân tập trung nguồn mỹ cảm để diễn tả sức mạnh tư tưởng cho vương quyền qua những đặc điểm biểu hiện như: sừng dài có chạc vòng cung, mắt lồi dữ dằn, râu và bờm căng đầy, vây lưng chạy dài suốt thân mình, móng rồng diễn tả sắc nhọn, đuôi xoắn trôn ốc loa tròn thể hiện sự đe dọa và chế ngự. Trong quan niệm thẩm mỹ cung đình, rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử, nên trở thành biểu tượng phổ biến nhất trong mỹ thuật cung đình Huế.
Các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ này thường được gắn liền với hình tượng rồng. Về không gian, rồng có mặt trên các đền đài, cung điện, miếu vũ, đình chùa ở trong và ngoài hoàng cung Huế. Rồng xuất hiện ở bờ nóc, bờ quyết, cổ diêm, đầu hồi, máng xối, bình phong, bậc cấp, vì kèo, khung cửa, nghi môn... của các công trình kiến trúc. Rồng trang trí trên cửu đỉnh, ngai vàng, bửu tán, án thờ vua quan thời Nguyễn. Rồng làm thành tay núm các con triện, ấn tín, đồ văn phòng tứ bảo... Rồng cũng là họa tiết trang trí chủ yếu trên trang phục trong cung đình.
Tác giả Trần Đức Anh Sơn, trong bài viết “Con Rồng trong mỹ thuật thời Nguyễn”, đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, đã đề cập đến hình tượng rồng trong mỹ thuật thời Nguyễn có sự kế thừa và phát triển những thế hệ rồng Việt trước đó, nhưng vẫn có những điểm tương đồng với con rồng Trung Hoa thời Thanh.
Nghệ thuật Pháp lam đa dạng
Rồng trong Pháp lam Huế thường được trang trí trong các vật ngự dụng, tế tự cũng như trang trí trên đỉnh nóc các mái cung điện, đền đài, đình chùa… Nghệ thuật thể hiện rồng rất đa dạng, hình rồng được thể hiện trên nhiều vị trí bằng nhiều chất liệu, với nhiều tư thế, hình dáng, nhiều góc độ: chạm lộng, chạm nổi, đúc đồng, gia công bằng vàng bạc, đá quý, khảm cẩn bằng trai, sành sứ, dệt thêu trên vải, vẽ bằng bột màu trên giấy, trên đồ sứ... Khi thì tạo thành hình khối, lúc lại thể hiện trên bề mặt phẳng, lúc khác lại vẽ chìm dưới lớp men phủ.
Đề tài thể hiện cũng là một nét đặc sắc khi nói về rồng thời Nguyễn, với các mô tít: Lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, long hý thủy, hồi long, viên long, long truy, long phụng, long lân, long thọ, long vân khánh hội, trúc hóa long, cúc hóa long... xuất hiện ở hầu khắp các di tích kiến trúc, các tác phẩm trang trí, nghệ thuật.
Về chất liệu, rồng có thể được đúc bằng đồng, chạm trổ trên đá, điêu khắc trên gỗ, xương, ngà và các loại vàng bạc đá quý. Rồng làm bằng đất nung trong trong Ngưng Hy Điện ở lăng Đồng Khánh, đắp bằng vôi vữa ở lăng Gia Long hay Thế Tổ Miếu, ghép bằng sành sứ và thủy tinh trong lăng Khải Định, làm bằng pháp lam trên mái Hòa Khiêm Điện trong lăng Tự Đức.
Pháp lam trang trí rồng trên nóc điện Ngưng Hy, lăng Vua Đồng Khánh.
Hình rồng được điêu khắc tinh xảo phải kể đến là những chiếc ấn báu của Hoàng gia và những chiếc bình phong, trấn phong vô giá. Hình rồng được tạc thành núm ấn với nhiều kiểu dáng: uốn khúc tư thế chầu, ngồi xổm, nằm sấp, nằm ngửa…, hình dáng sinh động nhưng vẫn giữ được vẻ oai nghiêm. Trên bình phong thường tạo tác thành từng đôi đối xứng kiểu rồng chầu mặt trời, chầu mặt trăng hoặc hình mặt rồng nhìn thẳng.
Hay, từ sân Đại Triều cho tới thềm điện, rồng chầu được chạm khắc trên những lan can bậc đá. Ở ngoài hiên, rồng được chạm quấn xung quanh cột hiên, rồng được cách điệu trên những con-son gỗ của hệ kết cấu đỡ mái hiên. Trên mái, rồng được đắp ở đỉnh mái, trên bờ nóc, bờ quyết của các tầng mái với nghệ thuật khảm sành sứ rất đặc trưng của kiến trúc cung đình Huế. Hai cửa thoát nước mái phía đầu hồi được đắp hình mặt rồng há miệng. Các chi tiết trang trí rồng trên mái có tính nghệ thuật rất cao, thể hiện tài năng của những nhà thiết kế và những nghệ nhân xây dựng công trình. Hình rồng trên mái đẹp và thanh thoát, tôn giá trị bộ mái và toàn bộ công trình lên với dáng vẻ kiêu hãnh vươn lên trời xanh. Nhắc đến nghệ thuật trang trí thời Nguyễn thì cũng không thể bỏ qua 162 bức phù điêu được chạm trổ trên 9 chiếc đỉnh đồng trước Thế Miếu và Hiển Lâm Các.
Trong cuốn Mỹ thuật Huế, các tác giả Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ đề cập nhiều đến hình tượng Rồng thời nhà Nguyễn. Theo đó, rồng được biểu hiện dưới nhiều tư thế đa dạng, phong phú: “Ở Huế, chúng có mặt trên các nóc kiến trúc, dưới dạng đắp tròn, thường với chất liệu khảm sành sứ”, “đó là một linh vật phổ biến nhất trong mỹ thuật cung điện Huế. Nhìn chung chúng có nhiều loại, bằng nhiều chất liệu và nhiều cách thể hiện”.
Theo PGS.TS. Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế, rồng trên Pháp lam Huế màu sắc rất sáng rõ, tươi tắn, rất hấp dẫn. Mặt khác, do phần lớn hình tượng rồng nằm ở ngoài trời, phải chống chịu với thời tiết, khí hậu nhưng nó luôn bóng sáng, thể hiện rõ ý nghĩa biểu tượng về sự dũng mãnh nhất định. Rồng trong cung đình là rồng năm móng, đội ngũ thợ hiện nay ở Huế đã tiến hành phục dựng đúng nguyên trạng di tích.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho hay, đến nay, Huế đã có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đó là: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang nỗ lực thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu bảo tồn di sản văn hoá cảnh quan toàn vẹn và bền vững với tư cách một trung tâm văn hoá, di sản quốc gia, khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, sẽ phục hồi và làm sống lại các không gian di sản, chuyển hoá khu vực Quần thể di tích thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển đô thị di sản Huế, giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, tạo sinh lực mới, đưa di sản trở về với cộng đồng, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
T. Thành
(Kinh tế nông thôn)