Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trao đổi với VnExpress về đợt nắng nóng diện rộng trên cả nước và dự báo thời tiết hè 2019.
- Xin ông cho biết đợt nắng nóng diện rộng đang diễn ra sẽ kéo dài đến bao giờ?
- Ngày 22/4, nắng nóng tiếp tục xảy ra ở phía Tây Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, Đà Nẵng đến Khánh Hòa với nhiệt độ giữa trưa phổ biến 35-37 độ, một số nơi trên 38 độ C.
Trưởng phòng Dự báo khí hậu Nguyễn Văn Hưởng. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Dự báo, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày 23/4, nắng nóng tiếp tục xảy ra ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37. Riêng Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Bắc và Trung Trung Bộ có nơi trên 38 độ.
Tình hình nắng nóng diện rộng ở Nam Bộ, Bắc Bộ và Trung Bộ, nhất là nắng nóng gay gắt ở Tây Bắc Bắc Bộ và vùng núi Trung Bộ còn kéo dài trong 4-5 ngày tới (từ ngày 23 đến 27/4). Người dân cần đề phòng cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư. Vùng Trung Bộ và Tây Bắc Bắc Bộ đối mặt nguy cơ cháy rừng.
Ngoài ra, con người có thể bị mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao. Người dân cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời từ 11h đến 16h hàng ngày, bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng.
- Đợt nắng nóng diễn ra ngay đầu tháng 4 có gì bất thường?
- Theo thống kê của chúng tôi từ năm 2013 đến nay, nắng nóng ở phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung hầu hết xuất hiện từ nửa cuối tháng 4, một số năm có thể sớm trước ngày 10/4.
Có thể nói đợt nắng nóng diện rộng lần này phù hợp với quy luật. Tuy nhiên, cường độ mạnh hơn ở vùng Tây Bắc với nhiệt độ 36-39. Thủ đô Hà Nội nhiệt độ cao nhất ngày 20/4 xấp xỉ 39.
Miền Trung phổ biến từ 37 đến 40 độ, một số nơi trên 41 độ như: Mường La, Phù Yên (Sơn La) 42 độ; Hòa Bình 41 độ (cao hơn mức lịch sử năm 2016 là 40,5 độ); Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An) 42 độ; Hương Khê (Hà Tĩnh) 43 độ (cao hơn mức lịch sử năm 2007 là 42 độ), Tuyên Hóa (Quảng Bình) 43 độ (cao hơn mức lịch sử là 41,4 độ năm 2007).
- Mùa khô năm nay Nam Bộ nắng nóng kéo dài, ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
- Từ đầu tháng 2, nắng nóng cục bộ bắt đầu xuất hiện ở miền Đông Nam Bộ với nhiệt độ 35-36. Sang tháng 3, hiện tượng này lan rộng khắp miền Đông và bắt đầu xảy ra cục bộ ở miền Tây. Từ đầu tháng 4 đến nay, nắng nóng xảy ra trên diện rộng cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Trong các tháng mùa khô ở Nam Bộ, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ. Nắng nóng sẽ còn tiếp tục xảy ra trong nửa cuối tháng 4 và nửa đầu tháng 5. Thiếu hụt mưa có khả năng suy giảm từ khoảng nửa cuối 5.
Đặc điểm của nắng nóng Nam Bộ là nhiệt độ không tăng cao và độ ẩm không khí không giảm thấp như các tỉnh miền Trung và miền Bắc (cao nhất phổ biến 35-37 độ và hiếm khi độ ẩm giảm xuống dưới 40%). Theo quy định, nắng nóng gay gắt xảy ra khi nhiệt độ cao nhất ngày vượt ngưỡng 37 nên có thể nói mùa khô năm nay Nam Bộ nắng nóng chưa đạt mức gay gắt. Tuy nhiên, hiện tượng này lan rộng (cả miền Đông và Tây), kéo dài hơn so với năm 2018.
Người phụ nữ chở con gái qua cầu Trường Tiền (Huế) trưa ngày 20/4. Ảnh: Võ Thạnh. |
- Tại hội nghị biến đổi khí hậu diễn ra ở Ba Lan hồi đầu năm, các chuyên gia nhận định năm 2019 có thể là năm nắng nóng kỷ lục. Xin ông cho biết dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam về mùa hè năm nay?
- Năm nay El Nino yếu sẽ quay trở lại, tuy nhiên cường độ El Nino được nhận định không quá mạnh và thời gian khả năng cũng không kéo dài, do đó mức độ tác động đến thời tiết Việt Nam không thực sự rõ rệt.
Nhiệt độ trung bình các tháng mùa hè năm nay có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ, do đó mức nhiệt trong các đợt nắng nóng nhiều khả năng đạt 39-42 độ. Cũng không loại trừ một số điểm có nhiệt độ cao vượt kỷ lục. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung nhiều trong tháng 4-5 ở Tây Bắc Bộ, từ tháng 5 đến tháng 6 ở Đông Bắc Bộ và từ tháng 4 đến tháng 8 tại Bắc và Trung Trung Bộ.
Tuy nhiên, cường độ những đợt nắng nóng chỉ có thể dự báo và xác định trước 2-4 ngày, do vậy dự báo mùa chỉ dự báo nền nhiệt độ trung bình.
Dự báo có khoảng 10 cơn bão hoạt động trên khu vực biển Đông
Cơ quan khí tượng cho biết, mùa bão năm 2019 biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ở biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong năm ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể, có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động ở biển Đông. Trong đó 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở Trung Bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019.
Tuy số lượng bão và áp thấp nhiệt đới thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp.
Nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá, đặc biệt là thời kỳ giao mùa từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 5 trên phạm vi toàn quốc.
Võ Hải