Độc giả Thùy Linh, 27 tuổi, ở Hà Nội, hiện đã kết hôn và có 1 em bé 2 tuổi. Hiện tại, Thùy Linh đang băn khoăn với mức thu nhập 30 triệu/tháng của hai vợ chồng, cần lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm thế nào để có 1 tỷ mua chung cư ở Hà Nội.
Với thắc mắc này của Thùy Linh, trước tiên, chúng tôi cần phải khẳng định rằng 1 tỷ là không đủ để mua chung cư trong khu vực trung tâm ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.
Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu tiết kiệm 1 tỷ để tính chuyện mua chung cư nói riêng hay mua nhà nói chung là điều rất đúng đắn, vì lúc này, nếu có phải đi vay ngân hàng, số tiền bạn phải trả hàng tháng (bao gồm tiền lãi và tiền gốc) cũng không quá cao, thời gian trả nợ vay mua nhà cũng không quá dài.
Vậy cần lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm thế nào để có được 1 tỷ trong thời gian ngắn nhất, với mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng?
Bạn có thể tham khảo gợi ý dưới đây của chúng tôi.
Ảnh minh họa
1 - Mỗi tháng gửi 10 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm
Lãi suất gửi tiết kiệm của từng ngân hàng là khác nhau. Trong trường hợp này, chúng ta hãy tạm coi mức lãi suất gửi tiết kiệm là 3%/năm. Nếu gia đình Thùy Linh đều đặn chuyển 10 triệu vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng, duy trì liên tục trong 5 năm (60 tháng), số tiền gốc và tiền lãi mà Thùy Linh nhận được sẽ rơi vào khoảng 1,1 tỷ đồng.
Cách tính tiền gốc và tiền lãi trong trường hợp này như sau:
A = P*(1 + i/m)^(n*m)
Trong đó:
A là tổng số tiền sau 5 năm.
P là số tiền gửi ban đầu (10 triệu đồng mỗi tháng).
i là lãi suất hàng năm (trong trường hợp này là 0,03)
n là số năm bạn dự tính gửi tiết kiệm.
m là số lần ghép lãi trong 1 năm (nếu lãi nhận hàng năm thì m = 1).
Như vậy có thể thấy nếu duy trì việc gửi tiết kiệm 10 triệu/tháng, sau 5 năm, gia đình Thùy Linh sẽ có được 1,1 tỷ đồng nhờ mức lãi suất kép khi gửi tiền đều đặn hàng tháng. Nếu không gửi tiết kiệm và không tận dụng được lãi suất kép mà chỉ để tiền nằm yên trong két sắt, cần tới 8 năm 4 tháng, gia đình Thùy Linh mới có được 1 tỷ đồng. Khoảng chênh lệch thời gian này, chúng tôi đánh giá là khá lớn.
2 - Kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm các khoản khác với 20 triệu còn lại
Sau khi tiết kiệm 10 triệu/tháng, vợ chồng Thùy Linh cùng 1 con nhỏ 2 tuổi nên có kế hoạch chi tiêu thế nào với 20 triệu còn lại? Dưới đây là gợi ý của chúng tôi.
Ảnh minh họa
1. Chi phí cố định: 12 triệu đồng
- Tiền thuê nhà cùng tiền phí dịch vụ (điện, nước, internet, vệ sinh): Tối đa chỉ nên chiếm 30% khoản tiền hiện có - là 20 triệu đồng. Như vậy, 6 triệu là khoản tiền mà vợ chồng Thùy Linh nên chi cho việc thuê nhà cùng phí dịch vụ.
- Tiền ăn: 5 triệu đồng.
- Tiền di chuyển (xăng xe): 1 triệu đồng/2 người.
2. Tiền học phí, chăm sóc sức khỏe cho con: 5 triệu đồng
Với số tiền 5 triệu đồng, Thùy Linh cần cân đối chi phí tối đa giữa tiền học phí cho con đi học mẫu giáo và tiền bỉm cho con. Chọn một trường mầm non công lập là lựa chọn hợp lý nhất trong hoàn cảnh này.
Ngoài ra, đừng quên dành một khoản tiền nho nhỏ trong 5 triệu này để mua sách hoặc mua truyện cho bé vì điều này rất cần thiết để hỗ trợ khả năng phát triển tư duy, trí tưởng tượng của trẻ.
3. Tiền ma chay, hiếu hỷ: 1 triệu đồng
Trong trường hợp gia đình Thùy Linh không dùng hết khoản tiền 1 triệu đồng này cho việc ma chay, hiếu hỷ, hãy dùng nó cho đầu mục số 4 dưới đây.
4. Quỹ dự phòng: 2 triệu đồng
Khoản tiền dự phòng này, tuyệt đối không nên "đụng vào" vì đây sẽ là khoản tiền giúp gia đình Thùy Linh trang trải khi không may gia đình có thành viên bị ốm hoặc gặp tai nạn, cần nằm viện.
Nhìn tổng quan kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm này, có thể thấy việc duy trì cuộc sống thường ngày sẽ có chút khó khăn, không được quá thoải mái mua sắm, ăn chơi.
Tuy nhiên, vợ chồng Thùy Linh có thể nghĩ tới việc làm thêm những công việc khác, ngoài những công việc đang tạo ra nguồn thu nhập 30 triệu/tháng. Đa dạng hóa nguồn thu là cách giúp vợ chồng Thùy Linh có thể vẫn đảm bảo được khoản tiền tiết kiệm mà không khiến cuộc sống hiện tại quá bí bách, gò bó.