Năm ngoái chị Lê Thị Loan (Hà Nội) đưa con nhỏ 2 tuổi về quê đúng dịp Thanh minh, và bế con theo ra tảo mộ tổ tiên. Tuy thằng cu thì ngồi ngoài xe với cô giúp việc, nhưng về nhà không biết lạ nhà hay sao mà thằng cu ốm liên miên, 1 tháng liền ốm 3 lần, lần nào cũng phải tiêm mới khỏi.
Chị hỏi những người lớn tuổi mới biết không nên cho trẻ quá nhỏ đến nghĩa trang, bởi dễ nhiễm khí lạnh làm trẻ sinh bệnh sau vài ngày.
Ảnh minh họa.
Tiết Thanh minh người dân nườm nượp đổ về các nghĩa trang cúng bái, tảo mộ cho tổ tiên. Một số gia đình đi Thanh minh không có người trông, hoặc nghe người nhà bảo "cho cháu lên thăm ông bà cho vui" đã không ngần ngại đưa cả trẻ dưới 1 tuổi đi tảo mộ gia tiên, với quan niệm tổ tiên ai chả thương yêu, muốn gần gũi con cháu. Vì thế Thanh minh anh em con cháu dù bận đến mấy cũng phải về để cùng nhau thắp nén hương, dâng đồ lễ và chắp tay vái gia tiên.
Việc trẻ con cùng người lớn viếng mộ tổ tiên để bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính đó là điều cần được gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ về sau. Nhưng đó là với trẻ lớn, trẻ vị thành niên. Còn trẻ nhỏ nên hạn chế cho trẻ tới nơi âm phần.
Nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Quang Tuyến cho rằng: "Nơi nghĩa trang, bãi tha ma... lạnh lẽo, môi trường không tốt. Ở quê tôi Thanh minh tảo mộ, cuối năm tạ mộ... trẻ con ở nhà hết, không ai cho đi ra ngoài nghãi trang cả, để tránh cho trẻ bị nhiễm trường khí không tốt".
Ảnh minh họa.
Một số nhà tâm linh còn giải nghĩa rằng, con người có “nhị yếu tinh huyệt” - hai vị trí có giao thoa trực tiếp với tâm linh bên ngoài (là khu vực giữa hai lông mày và huyệt bách hội). Huyệt Bách hội của một người bình thường luôn được phong kín (trừ khi luyện tập một số bộ môn, hoặc có người giúp mở luân xa ra).
Hai nhị yếu tinh huyệt này được các nhà tâm linh coi là nơi đầu tiên "bắt sóng" với trường khí xấu khi các âm lực đủ lớn – trong khi sức kháng cự của trẻ (còn gọi là Nguyên thần định) non nớt, và cả một số người gọi là "yếu bóng vía" thì không đủ mạnh nên sẽ gây ra sự giao thoa, nhẹ thì thảng thốt, giật mình, về nhà ngủ mớ, về sau lo lắng, sợ sệt rồi sinh bệnh tật… Nặng thì bị loạn trí, mất kiểm soát bản thân.
Tùy từng vùng mà có cách phòng tránh khác nhau, nhưng trong dân gian có vài cách phòng tránh nếu cho trẻ tham gia đi Thanh minh, tới nơi hoang vắng, nghĩa trang, khu mộ, đám tang... như sau:
- Buộc mảnh vải đỏ ngang đầu phía trên chân mày che khuất tam tinh của trẻ.
- Dùng huyết son chấm lên giữa chặn chân mày để phong lại tam tinh trẻ - cách này không bằng cách dùng vải đỏ (do vị trí này có thể xê dịch lên hoặc xuống, trái hay phải – mà chỉ bậc thượng căn tu hành mới biết chính xác), vì vậy bố mẹ cẩn trọng thì bôi nốt son to để phong lại sự giao thoa qua nhị yếu tinh huyệt - nhưng việc này dễ gây khác biệt nên nhiều người ngại.
Mặt khác khi đi Thanh minh tảo mộ nên chọn những ngày thời tiết nắng ráo, đẹp trời để đi sẽ giúp tinh thần mọi người thoải mái hơn, giảm bớt sự giao thoa trực tiếp qua nhị yếu tinh huyệt này.
Trong dân gian có vài lưu ý khi cho trẻ đi Thanh minh
- Dùng 1 củ tỏi đặt trong túi quần, áo, hay tìm cách xuyên lỗ treo vào cổ trẻ đề phòng nhiễm âm khí. Lưu ý dùng xong về thì tới ngã ba đường đầu tiên thì vứt củ tỏi đó đi.
- Hoặc dùng quả chuối tây xanh bỏ vào túi áo áp sát người trẻ để âm khí có hút cả vào quả chuối tây đó. Ra về tới chỗ có nước (ao, hồ...) thì vứt xuống.
- Về nhà cần đốt đống lửa bước qua 3 lần (hoặc đốt tờ giấy báo) để đẩy nốt âm khí ra.
- Cẩn thận hơn thì xông thêm lá thơm để đẩy hết khí lạnh ra, có nơi rắc nước lá bưởi lên đầu để bỏ đi nguồn năng lượng xấu.
- Không nên cho trẻ ăn uống nơi mộ phần.
- Chú ý nhắc nhở kẻo trẻ nghịch ngợm tiểu tiện, nhổ bọt, đá vào đồ cúng ở mộ khác.
- Không cho trẻ chụp ảnh tập thể ở khu mộ.
- Dạy trẻ thành kính lễ phép.
- Nếu trẻ ươn người, có vẻ mệt mỏi thì tốt nhất không cho trẻ đi Thanh minh.
Uyển Hương