vu-lan-copy-15349867741451694912297.jpg

Cài hoa trên ngực áo là nghi thức thường xuất hiện trong các mùa lễ hội Vu Lan báo hiếu. Ảnh: T.L

Từ 1/7 âm lịch, nhà chùa đã làm lễ khai kinh Vu Lan mở cửa ngục

Cô chị Nguyễn Thị Hòa (ở Đông Anh, Hà Nội) từ quê ra chơi đúng lúc chị đang sắp xếp lễ cúng rằm vào ngày 10/7 âm lịch, đã nhất quyết phản đối việc cúng trước rằm của chị Hòa vì cho rằng cúng trước không có tác dụng. Quan niệm dân gian là ngày 14, 15, 16 mới mở cửa ngục, cúng sớm các cụ chưa về thì không được hưởng. Nếu cúng Vu Lan muộn thì các cụ đã đi rồi cũng không được hưởng. Vì vậy, chỉ nên cúng trong 3 ngày trước, trong và sau Rằm tháng 7 thì gia tiên mới được hưởng.

Theo Thượng tọa Thích Vân Phong, (Ủy viên Ban truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam), các chùa ở miền Tây, miền Nam và một số chùa ở miền Bắc từ 1/7 đã làm lễ khai kinh Vu Lan mở cửa ngục. Từ đó tới hết ngày Rằm tháng 7 âm, thì tụng kinh Vu Lan và kinh báo đáp công ơn cha mẹ - 2 bài kinh ghép lại trong 1 gọi là kinh Vu Lan báo hiếu. Và từ ngày 16 tới 30 tháng 7 Âm lịch thì tụng kinh Địa tạng để đóng cửa ngục. Rằm tháng 7 là chính thức lễ Vu Lan, đó là ngày Phật đại hoan hỉ. Người dân cúng ngày nào cho tiện và phù hợp với thời gian cũng được. Phật giáo linh động ở chỗ tập tục truyền thống đem lại an lạc hạnh phúc thì duy trì phát triển, còn tập tục mang sự đè ép, không có lợi ích thì dù hay, được ca ngợi thì sẽ tự mất dần.

Thượng tọa Thích Vân Phong khuyên, dịp lễ Vu Lan nên đi lễ chùa cầu siêu, cầu bình an tỏ lòng báo hiếu tới cha mẹ, tổ tiên.

Sau dự lễ Vu Lan ở chùa thì về nhà làm lễ cúng Phật và gia tiên ở nhà. Mâm lễ đơn giản, không phải mâm cao cỗ đầy hay nghi thức rườm rà. Người dân có thể mời nhà sư, hoặc cư sĩ (có kiến thức Phật giáo, biết lễ bái) giúp cúng lễ. Nếu biết nghi thức thì có thể tự làm. Lúc làm lễ Vu Lan nên đọc một khóa kinh Vu Lan, hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện thời và quá khứ cùng gia tiên được siêu sinh. Như thế sẽ mang lại may mắn, an lành cho gia đình và bản thân, cũng là báo hiếu với gia tiên.

Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học Công nghệ tin học ứng dụng – UIA, mâm cúng thần linh và gia tiên tùy gia chủ mà cúng chay hay mặn. Tổ tiên “không trách lễ mọn”, có thể bát cơm, quả trứng, tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh cao đạm bạc là đủ. Hoặc thắp nén nhang với một cốc nước trắng cũng có thể chấp nhận.

Lễ cúng cô hồn nên cúng vào chiều tối

Thượng tọa Thích Vân Phong giảng giải, tháng cô hồn là ngôn ngữ trong kịch bản sân khấu, từ đó lan truyền ảnh hưởng tới cuộc sống, khiến người dân hiểu lệch lạc, kiêng kỵ vô lý, thậm chí kiêng cả tháng 7 không làm gì cả… Người dân cúng thí cho các cô hồn như làm công đức, là khởi tâm hạnh tốt, chia sẻ rộng rãi… Đó cũng chính là lòng hiếu hạnh mỗi người nên hướng tới.

Theo các nhà tâm linh, lễ cúng cô hồn nhằm siêu sinh cho những linh hồn không nơi nương tựa, vào chiều tối (do dân gian quan niệm cô hồn sợ ánh sáng). Mâm cúng nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài bậu cửa, không quy định hướng lễ.

Mâm cúng cô hồn theo Văn khấn Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin) gồm: Muối gạo (1 đĩa), cháo trắng loãng, cơm vắt, đường, mía, bánh kẹo, bỏng nẻ, khoai lang – ngô – sắn luộc, hoa quả, nước, hương đèn, quần áo tiền mã chúng sinh.

Lưu ý là lễ vật cúng cô hồn không nên cúng đồ mặn vì có nguồn gốc không tốt cho các “thần thức”.

Đặt lễ cúng trước cửa nhà (hay nơi đang buôn bán). Cúng xong, các vật phẩm không đem vào nhà: Đồ mã đốt tại chỗ. Muối gạo rải hết. Đồ cúng cô hồn chia cho mọi người (ở một số nơi có tục cướp đồ cúng).

Nếu không muốn cúng cô hồn tại nhà có thể cúng tại chùa. Các sư thầy khuyên các gia đình chỉ nên cúng thổ công, gia tiên, còn cúng cô hồn nên đến chùa là nơi thờ cúng tập trung.

Uyển Hương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022