"Tôi thích thiền, quan niệm gần gũi thiên nhiên nên cải tạo với tiêu chí hàng đầu là không chặt phá cây", nhà thiết kế Nguyễn Long nói về căn bếp mới sửa ở Xóm Cời, Lương Sơn, Hòa Bình.
Chiếc bàn ăn làm từ phản cũ đã bị mối mọt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Kể với VnExpress, anh Long cho biết anh mua miếng đất 1.500 m2 ở Xóm Cời từ năm 2019 để thỏa mơ ước nhà vườn. Miếng đất có sẵn một ngôi nhà rộng hơn 100 m2. Đầu năm 2020, tranh thủ thời gian nghỉ dịch Covid-19, gia chủ bắt tay vào cải tạo để có không gian sống như ý muốn.
Anh Long tự lên ý tưởng và sắp xếp đồ đạc trong nhà. Phần hoàn thiện chủ yếu do gia chủ tự làm. Cái gì nặng, cần chuyên môn thì nhờ thêm một nhân viên hỗ trợ.
Bếp là khu vực được dành sự chăm chút đặc biệt. "Với tôi, bếp luôn là trái tim của ngôi nhà, bếp ấm hay lạnh thì luôn có tác động nhất định tới mỗi thành viên trong gia đình", nhà thiết kế nói. Anh Long cũng thích nấu ăn, đặc biệt thích trổ tài mỗi khi bạn bè ghé chơi.
Căn bếp của anh rộng 35 m2, ngoài mấy thứ đồ điện thì hầu hết là đồ tái chế từ những thứ cũ, hỏng hay bỏ đi. Mặt bàn ăn được xẻ từ tấm phản cũ kê ngoài sân đã bị mối xông của một người dân Đà Bắc, chân bàn làm từ cột nhà cũ, mấy cây gỗ trên trần là cọc tiêu đã hết hạn sử dụng. Bàn đảo và kệ tái chế từ gỗ đánh cá cũ anh Long mua chung với người em hồi 2019.
"Dùng đồ tái chế là góp một phần nhỏ bé cho công cuộc bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Hơn nữa, chúng rẻ mà chứa đựng màu thời gian và tạo cảm xúc rất mạnh cho người sử dụng", chủ nhà bày tỏ.
Bàn ghế, kệ tái chế từ gỗ cũ đem tới cảm giác ấm cúng cho gia chủ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Dùng đồ tái chế, vất vả và mất thời gian nhất là phần lao động thủ công hoàn thiện bề mặt, rồi sắp xếp sao cho không gian hài hòa nhất. Riêng chiếc bàn ăn bị mối ăn lỗ chỗ phải gắn lại bằng keo epoxy, mất một tuần mới xong.
Bên cạnh những món đồ tái chế, anh Long cũng sơn lại tường, làm lại nền và trổ lại các ô cửa để thay đổi cách đi lại trong nhà. Nền được lát bằng loại đá tự nhiên bị lỗi, mua rẻ có 200.000 đồng một mét vuông. Một bức tranh trên tường do anh vẽ, một được người bạn tặng.
Chủ nhà muốn mở tối đa cửa sổ để bất cứ góc nào cũng thấy màu xanh nên khu rửa bát được bố trí cửa sổ nhìn ra khu vườn có cây ngọc lan lớn, cây hải đường và thảm cây chua me đất. Cạnh khu bếp có góc uống trà khi cơm xong, cũng nhìn ra khu vườn nhỏ.
Chủ nhà trổ tài bếp núc trong căn bếp toàn đồ cũ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tổng chi cho bếp của anh Long khoảng 100 triệu đồng, chưa tính công sức và thời gian bỏ ra. Dù vất vả, gia chủ hài lòng với căn bếp ấm cúng, "ngồi đó ăn gì cũng thấy ngon" của mình.
"Đồ cũ không có món nào giá trị cao về kinh tế. Nhưng khi chúng được nương náu chung trong một căn phòng thì giá trị lớn nhất chúng mang lại là cảm xúc", anh Long nói.
"Bếp là nơi kết nối, đoàn tụ bởi nhiều gia đình chỉ gặp nhau đầy đủ duy nhất một lần trong ngày vào bữa tối. Vậy nên hãy giữ cho bếp luôn ấm và sáng để ai cũng muốn được về nhà, ngồi đó và cùng nhau dùng bữa", chủ nhà nhắn nhủ thêm.
Ngoài bếp, toàn bộ cửa, giường, sàn, giá kệ trong nhà cũng từ đồ tái chế. Hiện căn nhà vẫn còn vài hạng mục chưa xong, sẽ được gia chủ hoàn thiện nốt trong năm nay.
Bấm để xem thêm hình ảnh về căn nhà của nhà thiết kế Nguyễn Long.
Minh Trang