Độc giả: Thu Hương
Kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T) trả lời câu hỏi của độc giả như sau:
Bạn đang dùng gạch thẻ đá nhân tạo được ép từ bột đá nên có khả năng ngấm nước rất cao, dễ ố màu. Nếu đặt tại những vị trí thường xuyên chịu ẩm ướt, loại gạch này rất dễ bị nấm mốc và rêu tấn công, gây mất thẩm mỹ và mùi khó chịu.
Vì là vật liệu đa phần sử dụng ngoài trời nên sau một thời gian sử dụng, nếu không được vệ sinh định kỳ với hóa chất tẩy rửa, bề mặt gạch thẻ rất dễ bị thay đổi màu sắc, gây mất thẩm mỹ.
Gạch thẻ bị mốc đen sau quá trình sử dụng cần phải xử lý chống thấm, cũng như khôi phục bề mặt đá. Ảnh: Thu Hương
Trong trường hợp nhà bạn, để khắc phục hiện tượng bề mặt tường đá bị mốc đen, cần xử lý theo những cách sau:
Đầu tiên là xử lý chống thấm tại vị trí miệng ống thoát nước mái. Nguyên nhân là nước ngấm từ trong ra ngoài và chảy theo mạch của viên gạch thẻ, gây hiện tượng mốc đen. Tốt nhất bạn nên đi ống thoát nước sát với tường rồi để chảy xuống dưới, không để nước chảy từ miệng ống ra ngoài tự do như hiện trạng.
Sau khi xử lý chống thấm, bạn cần vệ sinh bề mặt đá bằng các hóa chất tẩy rửa nhằm khắc phục hiện tượng ố đen, vì có thể nấm mốc đã ăn sâu vào trong đá. Cách vệ sinh này giúp màu gạch trở về nguyên trạng ban đầu. Nếu trong trường hợp không thể làm sạch, bạn có thể thay thế bằng những viên gạch khác.
Bước cuối cùng là khôi phục lại bề mặt đá bằng cách quét thêm 1-2 lớp phụ gia chống thấm. Cách làm này sẽ khiến đá bền hơn, khó bị ngấm nước từ bề mặt vào. Khi quét thêm phụ gia chống thấm cũng làm cho các khe mạch của viên gạch thẻ đầy lên, không bị nước chảy ngấm vào trong.
Trước khi xây mới hay sửa sang lại nhà cửa, bạn nên cân nhắc khi sử dụng gạch thẻ giả đá cho không gian ngoài trời, bởi loại này khó vệ sinh. Sau một thời gian ngắn sử dụng thường xuất hiện rêu mốc nếu như không xử lý kỹ bề mặt.
Trang Vy