Hội đồng châu Âu (EC) hôm nay thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Cả hai hiệp định sẽ được ký vào ngày 30/6 tại Hà Nội.
Chia sẻ với báo chí ngay sau thông tin này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam, EU là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển, tăng trưởng thương mại vào thị trường 28 nước trong EU.
- Ký kết hiệp định thương mại với EU có ý nghĩa thế nào với Việt Nam?
- EVFTA là hiệp định tự do thương mại thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, khác biệt với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký trước đây. Đó là yêu cầu mở cửa thị trường của hiệp định này. Hơn 99% dòng thuế các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xoá bỏ sau 7 năm EVFTA có hiệu lực.
EVFTA còn là hiệp định có tính toàn diện cao khi độ phủ các lĩnh vực lớn, hàng hoá, đầu tư, mua sắm Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuê... Vì lẽ đó, hiệp định này không chỉ là điều kiện giúp nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, còn giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Võ Hải |
Cùng các FTA khác, như CPTPP, hiệp định này sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, nền tảng để hướng tới phát triển, tiến bộ xã hội, giúp chúng ta hoàn thiện khung khổ luật pháp, thể chế.
Tôi tin rằng, từ đây các mô hình phát triển trong hợp tác với EU sẽ là bài học, đóng góp cho diễn biến tích cực của toàn cầu hoá, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương, xu thế bảo hộ mậu dịch đang nhen nhóm.
- Vậy còn với nền kinh tế, hiệp định EVFTA có tác động ra sao?
- Như tôi đã nói, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ hơn 85% dòng thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Số dòng thuế được xoá bỏ sau 7 năm hiệp định này có hiệu lực là hơn 99%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Ngược lại với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
- Với mức ưu đãi thuế quan rất lớn thì ngành nào của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA được ký kết và có hiệu lực?
- Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (gạo, đường, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ...) là rất đáng kể.
Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và gần 44,4% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020 và 36,7% vào năm 2030. Hiệp định này cũng giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023 và tăng 7,07-7,72% đến năm 2033.
Tính cộng hưởng hiệu quả và tiếp cận các thị trường, hoàn thiện thể chế sẽ giúp Việt Nam thu hút công nghệ, vốn để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các ngành mũi nhọn.
- Còn thách thức nào với kinh tế Việt Nam khi gia nhập EVFTA?
- Cơ hội nhiều, thách thức cũng rất lớn với Việt Nam. Trước tiên là cạnh tranh khi mở cửa thị trường dịch vụ, hàng hoá trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước đa phần là nhỏ và vừa. Tiếp đó là xây dựng kế hoạch thực thi, luật hoá các cam kết đã ký. Vì thế, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ phê duyệt chương trình hành động tổng thể, toàn diện và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người dân về hiệp định này.
- Việt Nam đã trải qua quá trình thế nào để đi tới ký kết FTA với EU?
- Hiệp định này trải qua tiến trình rất dài, được khởi động đàm phán từ năm 2010 và các bên chính thức đàm phán nhiều cấp, nhiều vòng từ năm 2012 cho đến nay.
Tôi cho rằng, 28 nước khác nhau trong cả trình độ quản trị nền kinh tế, nên toan tính của họ cũng khác, nhất là ở giai đoạn cuối, quá trình rà soát pháp lý khá dài, phức tạp. Áp lực của Nghị viện châu Âu, rồi cả vấn đề không liên quan đến nội dung đến hiệp định nhưng họ vẫn đặt ra và có những vấn đề vượt trình độ của chúng ta trong đàm phán. Song hơn hết chúng ta đã nỗ lực và đưa ra được lời giải. 9 năm đàm phán và đi tới ký kết là quá trình dài, trong đó phải nhấn mạnh tới sự tham vấn của Chính phủ, doanh nghiệp.
Sau lễ ký kết vào ngày 30/6 tới, hiệp định thương mại với EU còn phải trải qua tiến trình phê chuẩn. Theo quy định Nghị viện châu Âu sẽ xem xét trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban châu Âu vào cuối năm 2019. Còn Hiệp định IPA phải được nghị viện các quốc gia thành viên phê duyệt riêng nên cần thời gian, sẽ lâu hơn. Với Việt Nam, hy vọng sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.
Nguyễn Hoài