Hàng ngày lên ao bắt cá, hái rau, không cần đi chợ

Cách đây 2 năm, câu chuyện ông Trương Hùng Tuấn (89 tuổi) ở xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, “chịu chơi” tới mức mang ao cá lên nóc nhà đã khiến rất nhiều người vừa bất ngờ, vừa ngưỡng mộ, vừa tò mò không biết ao cá có làm ảnh hưởng đến ngôi nhà mà gia đình ông Tuấn đang sinh sống hay không?

Từ ngày có ao, ông Tuấn ít khi phải đi chợ. Vợ của ông là bà Vũ Thị Nòn năm nay đã 85 tuổi, sức khỏe yếu nên việc bếp núc chủ yếu do ông Tuấn đảm nhiệm.

Mỗi ngày, ông lên ao cá trên nóc nhà bắt cá, hái rau xuống nấu cơm. Vài con cá rô được ông làm sạch, nấu canh hoặc rán giòn lên là được một bữa. Kể cả khi có bạn bè tới chơi, ông Tuấn cũng không phải đi chợ mà chỉ cần lên ao là có mâm cơm đầy đủ đãi khách.

dfsfs-17181796968181085437797-1718330518462-1718330518950795009732.jpg

Vợ chồng ông Trương Hùng Tuấn (89 tuổi) và bà Vũ Thị Nòn (85 tuổi), chủ nhân của ngôi nhà có ao cá độc lạ.

ao-1718179697028197555980-1718330519581-1718330519733253514339.jpg

Phần mái nhà có diện tích 60m2 được ông Tuấn biến thành ao cá trên cao.

ao-2-1718179697024904148976-1718330520316-17183305205321383704964.jpg

Trong ao, ông nuôi cá, ốc, lươn, trạch, cua,...

Ở tuổi 89, ông Tuấn khỏe mạnh, minh mẫn, giọng nói hào sảng. Một ngày, ông lên thăm ao 4-5 lần. Vào buổi sáng, sau khi tập thể dục xong, ông lại lên cho cá ăn. Thức ăn của cá ông tận dụng từ cơm thừa, vỏ chuối, vỏ xoài,... Mỗi khi có khách, ông Tuấn lại hào hứng dẫn mọi người lên ao, giới thiệu về từng khu vực đang nuôi gì, trồng gì.

Trong ao, hiện ông Tuấn nuôi nhiều loại thủy sản như: Cá, cua, ốc, lươn, trạch,... Ngoài ra còn trồng thêm rau muống, rau cần,... Lối đi trong ao, vật dụng nuôi, bắt cá,... đều là do ông Tuấn tự chế, làm dần dần mỗi ngày.

7 năm không có tình trạng thấm dột

Năm 2017, sau khi xây xong ngôi nhà mái bằng, vì không có điều kiện chống nóng nên ông Tuấn nảy ra ý tưởng làm ao trên nóc nhà. Lúc đó, anh em ngăn cản, sợ nhà bị thấm, sập nhưng ông nói bản thân làm gì cũng có tính toán dựa trên khoa học chứ không phải làm liều. Vợ và các con ông Tuấn cũng sợ không biết móng nhà có chịu được không? Hơn nữa ông đã cao tuổi, ngày ngày leo trèo lên mái nhà, lội ao, gia đình rất lo lắng.

ao-5-171817969701181189149-1718330520958-17183305210671207233591.jpg

Mỗi ngày, ông Tuấn lên thăm ao 4-5 lần.

ao-8-1718179696897971876510-1718330521724-17183305218961113973382.jpg

Ở tuổi 89, ông Tuấn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Đối với ông, việc trồng rau, nuôi cá là một thú vui tuổi già.

Nhưng đến hiện tại, sau 7 năm trôi qua, mọi người đã yên tâm hơn khi ngôi nhà vợ chồng ông Tuấn đang sống không hề có biểu hiện thấm dột.

Ông Tuấn cho biết, tổng diện tích ao cá là khoảng 60m2, mực nước tối đa là 50cm nhưng ông luôn khống chế mực nước ở khoảng 35-40cm. Nguồn nước của ao chủ yếu là nước mưa. Những ngày trời mưa lớn, ông Tuấn chủ động tháo nước cho ao không bị tràn. Những đợt nắng nóng kéo dài, nước cạn ông lại bơm thêm nước từ giếng khoan lên. Nước thừa thì ông lắp hệ thống ống dẫn xuống bên dưới để tận dụng tưới cây.

ao-7-1718179696903290018115-1718330522374-1718330522523504881588.jpg

Ông Tuấn bắt ốc trong ao nhà, đem xuống chế biến.

ao-4-1718179697017157168934-1718330523013-17183305231472098801997.jpg
sdfsadfzsf-1718179696890867490820-1718330523651-17183305237741097075809.jpg

Lươn, trạch được nuôi trong những lồng tự chế của ông Tuấn.

Ao cá độc lạ có một không hai của ông Tuấn đã đem lại rất nhiều lợi ích cho bản thân ông và gia đình.

Đầu tiên là lợi ích chống nóng. Nhờ ao cá mà nhà ông Tuấn rất mát mẻ, tạo môi trường trong lành, mùa hè chỉ cần bật điều hòa ít phút rồi tắt đi, trong nhà lúc nào cũng mát.

Thứ hai, ao cá giúp gia đình ông cải thiện bữa ăn hàng ngày. Và cuối cùng, ao cá đem lại cho ông Tuấn niềm vui tuổi già. Việc lên ao thăm ao mỗi ngày giúp ông vừa rèn luyện sức khỏe, vừa thỏa đam mê trồng cây, nuôi cá.

Ông Tuấn nói thêm, ông rèn luyện bản thân theo sức của mình, khỏe thì làm, yếu thì nghỉ. Quan trọng phải đảm bảo sức khỏe và luôn giữ được niềm vui trong công việc mỗi ngày.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022