Ai đến nhà chị Thương (29 tuổi) ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, vừa bước vào cổng cũng sẽ phải thích thú trước góc thư giãn xinh xắn với những chậu xây xanh mướt, thiết kế gọn gàng, ngăn nắp, nhìn đã thấy mê. Không chỉ có thể, khi lên sân thượng bạn sẽ thấy được một khu vườn rau xanh rất ngắn nắp, gọn gàng và tươi tốt kỳ lạ.
Cái nắng nóng oi bức của Sài Gòn những ngày này cũng không thể nào cũng không thể khiến chúng tôi khó chịu nữa khi bước vào khoảng sân nhỏ chỉ rộng 8m2 nhưng xanh mướt mát, những cơn gió nhẹ thổi qua cùng mùi hương thơm dịu nhẹ của những bông hoa thật khoan khoái.
Vừa bước vào cổng nhà chị Thương bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước không gian xanh đẹp như thế này.
Chị đặt một bộ bàn ghế giữa sân để ngồi hóng mát.
Sống giữa không khí ngột ngạt của Sài Gòn nên vợ chồng chị Thương luôn cố gắng tận dụng diện tích nhỏ hẹp thể làm không gian xanh, cafe sân vườn mini. Ban đầu, chị lên ý tưởng "phủ xanh" khoảng sân trước nhà trong 2 ngày nhưng anh chồng phản đối nên không có người hợp tác và phụ giúp.
Vậy là chỉ trong một ngày, chị chạy khắp các chợ cây lớn, buổi sáng thì đi mua chậu, buổi chiều ghé tất cả các tiệm cây cảnh, cuối cùng hoàn thành khu vườn với đủ màu sắc hoa dừa cạn. Thế nhưng vì tính khí nóng nảy, không chịu nghiên cứu kỹ lưỡng trước, thích đẹp ngay nên các giống dừa cạn với đủ màu sắc lần lượt ra đi chỉ 3 tuần.
"Lúc đó mình tính bỏ cuộc đấy nhưng không chịu nổi những nụ cười khoái chí từ anh chồng, mình lên mạng tìm hiểu thì lại chuyển qua các cây lọc khí sẽ tốt hơn cho gia đình lại dễ trồng. Và thế là mình lại tiếp tục "sự nghiệp trồng cây", mất thêm 3 tuần chạy kiếm cây", chị Thương kể.
Rút ra bài học từ lần thất bại đầu tiên, chị Thương quyết tâm tìm hiểu thật kỹ, lên mạng tìm kiếm thông tin, hỏi những người đã trồng trước rồi mới bắt tay vào làm.
Và cuối cùng thì công sức của chị đã được đền đáp, góc sân xanh mướt không kém gì một quán cafe nào được dựng nên ai đến cũng xuýt xoa khen ngợi. Giờ đây, góc sân vườn này là nơi để gia đình, bạn bè của chị tụ họp, ăn uống, nói chuyện.
Sân thượng 40m2 rau gì cũng có
Thành công với góc sân nhỏ dưới tầng 1, chị Thương lại càng thích thú và đam mê với việc làm vườn. Thế là chị nảy sinh ý định làm một vườn rau nhỏ trên khoảng sân thượng rộng 40m2 vừa là để gia đình có rau sạch ăn, vừa là để thư giãn, thỏa niềm đam mê với cây cối.
Khu vườn nhỏ thôi nhưng cây gì cũng có.
Nghĩ là làm, chị Thương tìm xin những thùng xốp, mua đất về trồng. Tuy nhiên, đặt thùng xốp dưới mặt sàn không thể vệ sinh sạch sẽ, ứ đọng nước gây ẩm mốc nên chị đã chuyển qua khay trồng.
Sau thất bại, chị lại nghiên cứu làm kệ 3 tầng vừa thêm không gian chậu vừa tạo thẩm mĩ đẹp cho khu vườn. Chị tiếp tục hành trình gieo hạt mới thì bị chuột phá cắn đào bới, chị nản chí nhưng cũng thử qua mọi cách để diệt chuột, khi chuột đã qua thì chim sẻ sẻ lại tới. Thế nhưng cuối cùng thì chúng cũng phải "chào thua" trước quyết tâm của chị.
Sân trước chị trồng các loại rau như xà lách, rau muống, cải bẹ xanh cải ngọt, cải bẹ trắng, cải đuôi phụng, bồ ngót nhật, rau gia vị... Sân sau chị trồng các loại cây ăn trái như cà chua, bưởi, cóc, lựu, cà ri ấn độ, tắc, cây lá cách, cây trúc, khổ qua, dưa leo...
Các loại cây rau gia vị cũng không thiếu.
Chị Thương chia sẻ: "Mình quê Đồng Nai, lấy chồng rồi sinh sống luôn ở Sài Gòn. Thỉnh thoảng cũng nhớ và thèm những món ăn mang hương vị quê, nhưng trong này ít người bán. Vì vậy, mình quyết định trồng rau củ mang đặc trưng miền sông nước Tây Nam Bộ để tự tay chế biến các món ăn quê bất cứ lúc nào muốn".
Thế là trong vườn của chị lại có thêm các loại cây như lá cách, cây trúc (họ với chanh) ăn với thịt gà hoặc nấu cháo, cây cà ri ấn độ, lá nhúng bột chiên, có thể phơi khô quả và lá để nấu cà ri...
Mồng tơi xanh non mơn mởn.
Rau cải cũng không kém phần.
Mướp đắng.
Dọc mùng cũng có.
Những khóm nha đam xanh tốt.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng rau, chị Thương cho biết: "Mình rút kinh nghiệm không trồng rau thu hoạch một lần mà trồng luân phiên theo khay, mỗi loại rau mình trồng 2 khay cứ 10 ngày trồng 2 khay. Nếu trồng cùng một thời điểm khi thu hoạch toàn bộ thì sẽ có ngày không có rau ăn mà phải chờ đợi rau lớn".
Khay rau cải xanh tốt, không bị sâu bệnh.
Để có phân bón cho rau, chị Thương không sử dụng phân hóa học như thông thường mà chị thường ra chợ mua đầu cá và ruột cá về ủ. Ngoài ra, chị còn sử dụng cọng rau, rau già héo, vỏ trứng, trái cây hư, bã đậu nành ủ làm phân bón cho rau.
Vì đã tìm hiểu kỹ lưỡng cộng thêm kinh nghiệm qua những lần thất bại, chị Thương có cách chăm sóc vườn rau cũng khá tỉ mỉ, khoa học.
Đầu tư giàn rau treo với chi phí 400 nghìn đồng, chị Hoa Quỳnh vừa có rau gia vị Việt ăn, vừa trang trí cho ngôi nhà thêm ấn tượng.
Theo /Helino