Mới đây, cư dân mạng truyền tay nhau đoạn video một YouTuber rao giảng cách kiếm tiền trên Tinder, cổ súy lối sống độc hại. Đáng nói, một số bạn trẻ còn "cổ vũ" cô gái này tiếp tục sản xuất thêm các nội dung tương tự.
Anh Lê Trọng Nghĩa - Nhà sáng lập công ty truyền thông có ý kiến lý giải về câu chuyện này.
Bạn trai "tỉnh đòn", tránh mất tiền oan
Anh Lê Trọng Nghĩa cho rằng, việc dân mạng lên tiếng, chia sẻ rầm rộ nội dung video mà nữ YouTuber đăng tải bước đầu vô tình giúp người này đạt được mục đích "câu view". Theo hiệu ứng đám đông, bạn trẻ tò mò nội dung đang được nhiều người quan tâm, sau đó có nhu cầu được bộc lộ quan điểm cá nhân về vấn đề đó.
Bên cạnh ý kiến chỉ trích, vẫn có những người cổ vũ cô gái tiếp tục sản xuất nội dung lười làm việc, sống ăn bám (Ảnh chụp màn hình).
Anh giải thích: "Mục đích khi bạn trẻ chia sẻ thông tin về cô gái này là mong muốn cộng đồng cùng tẩy chay những nội dung độc hại như thế này, nhưng lại vô tình đẩy video lên cao trào, khiến nữ YouTuber trở thành tâm điểm chú ý của đông đảo người dùng".
Nhà truyền thông này chia sẻ thêm, một số người, đa phần là nam giới, còn "xúi" cô gái này ra thêm clip với nội dung tương tự. Theo anh, từ câu chuyện này, các bạn nam cũng "tỉnh đòn" để tránh mất tiền oan khi hẹn hò.
"Tôi từng chứng kiến khá nhiều câu chuyện từ bạn bè bị đối tượng hẹn hò "đào mỏ". Nhưng điều bất ngờ là đôi khi các bạn trai cũng không để ý đến những khoản tiền mà bạn gái gọi là "mượn tạm" như trong đoạn video nữ YouTuber chỉ ra.
Thế nên khi bắt gặp nội dung này, họ có thể soi chiếu lại câu chuyện của chính bản thân và tự rút ra những bài học riêng. Thật ra đối với phái mạnh, việc chi tiền cho bạn gái không hẳn là vấn đề to tát, miễn sao nó xứng đáng", anh nói.
Ngoài ra, theo anh Nghĩa, cũng từ câu chuyện này, bạn trẻ tự trả lời câu hỏi rằng liệu có thể tìm thấy một mối quan hệ nghiêm túc thông qua các ứng dụng hẹn hò hay không?
Hệ tư tưởng "ăn bám" gặp nhau
Anh Nghĩa nhấn mạnh, các nội dung độc hại có thể "đầu độc" thế hệ trẻ. Song, đối tượng người dùng chủ yếu của các nền tảng mạng xã hội hiện nay là thanh, thiếu niên nên các video câu tương tác với các chủ đề giật gân vẫn đua nhau ra đời.
Anh Lê Trọng Nghĩa - Nhà sáng lập truyền thông ANT Media (Ảnh: NVCC).Một bộ phận người trẻ bị nhiễm tư tưởng "không muốn làm mà vẫn muốn ăn" hay muốn được "bao nuôi" sẽ dễ dàng chấp nhận những nội dung tương tự như "Những lần mình kiếm tiền trên Tinder" của nữ YouTuber.
"Có rất nhiều hình thức kiếm tiền khác nhau. Nhưng cách kiếm tiền của cô gái nêu trên thì không biết nên dùng từ ngữ nào để diễn tả. Bản thân cô đang làm sai, có thể nói là một hình thức lừa tiền, nhưng chính cô lại đăng tải video cổ súy người khác, tạo ra hiệu ứng xấu.
Nhiều bạn trẻ bất chấp để nổi tiếng, để kiếm tiền rồi sau đó sẽ "tẩy trắng". Người dùng dễ dãi tha thứ thì các nội dung "rác" sẽ khó biến mất khỏi các nền tảng mạng xã hội".
Sáng tạo nội dung đừng "bán rẻ đạo đức"
Mặc dù có nhiều cơ hội để phát triển, song, người sáng tạo nội dung hiện nay cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt vì thị trường lao động đông đúc và sự kén chọn từ phía người dùng. Điều này đòi hỏi nhà sáng tạo nội dung cần nghiêm túc để "định giá" thương hiệu bản thân.
"Chính bản thân nhà sáng tạo phải tự trả lời được rằng, liệu sản phẩm của mình sẽ mang lại giá trị gì cho cộng đồng, sau mới tính đến chuyện tương tác, rồi nhận quảng bá… Cứ làm tốt, mang lại giá trị cho cộng đồng tự khắc thương hiệu cá nhân sẽ tốt lên và sẽ có nhiều cách kiếm tiền hơn.
Nếu bạn bất chấp tất cả chỉ để tăng tương tác, bán rẻ đạo đức để "nổi" trong chốc lát thì cũng khó mà sống với nghề. Người làm nội dung cần nhớ rằng, giá trị cho cộng đồng là điều cốt lõi làm nên tên tuổi của bạn.
Chẳng hạn, nếu bạn làm trong lĩnh vực review (giới thiệu) sản phẩm thì phải có kiến thức và sự chắc chắn để mang đến cho người xem những thông tin chính xác, khách quan; làm giải trí thì cần mang lại tiếng cười, sự thư giãn…
Nói chung, để tồn tại lâu dài thì cần làm nghề với sự tử tế, nghiêm túc", nhà truyền thông Lê Trọng Nghĩa kết luận.