Hàng loạt video "Giả làm người thân để lừa trẻ em" trên mạng xã hội TikTok
Một vài nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đã xây dựng kênh TikTok theo chủ đề "Giả làm người thân để lừa trẻ em". Các video chủ yếu xoay quanh nội dung là họ sẽ đóng giả người thân (cậu, chú) và sau đó đi tìm các em nhỏ bất kỳ trên đường để nhờ cầm đồ (thực phẩm, đồ vật,…) về cho bố mẹ hoặc là đưa đồ ăn cho trẻ nhỏ.
Hầu hết, những trẻ em bị lừa trong video đều tỏ ra bất ngờ, ngơ ngác khi được người lạ nhờ cầm đồ. Lợi dụng sự ngây thơ của trẻ nhỏ, các TikToker đã liên tục nói để thuyết phục như: "Cậu nói nghe nè, con cầm rau về kêu mẹ nấu canh tí cậu qua" hay "Con đói không, cầm tô mì ăn đi". Sau khi đứa trẻ tin và nhận đồ, họ liền phóng xe đi cùng tiếng cười khúc khích.
Các đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội TikTok đã thu hút vài triệu lượt xem. Trong phần bình luận, nhiều người còn tỏ ra thích thú, ủng hộ TikToker ra thật nhiều video như vậy.
Các video với nội dung giả làm người thân để lừa trẻ em trên TikTok đã thu hút hàng loạt người xem. (Ảnh: Chụp màn hình).Hành vi trên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Trao đổi với PV Dân trí, ThS Trịnh Thị Điệp - chuyên gia tâm lý giáo dục trẻ em nhận định, hành vi của TikToker trong các video có nội dung "Giả làm người thân để lừa trẻ em" tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
"Khi thông tin, hình ảnh của những trẻ em được phát tán lên mạng xã hội cùng với sự ngây thơ, dễ dãi của trẻ nhỏ sẽ dễ dàng tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng để thực hiện những hành vi trái pháp luật như: Nhờ vận chuyển chất cấm, bắt cóc, xâm hại", cô Điệp chia sẻ.
Cô cho biết, nếu nhìn đơn giản, hành vi trên chỉ mang tính giải trí, nhằm đem lại tiếng cười cho người xem. Tuy nhiên, chính điều này lại dễ khiến trẻ nhỏ gặp nguy hiểm, thậm chí vô tình vi phạm pháp luật.
Vì khi được người lạ tiếp cận, trẻ nhỏ rất dễ dãi, không chút đề phòng, họ nói gì cũng tin. Đáng chú ý, khi trẻ được người lạ nhờ cầm đồ, các em sẽ vô tư nhận lời mà không chút nghi ngờ. Có thể, các em sẽ vô tình vận chuyển các mặt hàng cấm mà không hề hay biết.
ThS Trịnh Thị Điệp - chuyên gia tâm lý giáo dục trẻ em. (Ảnh: NVCC).Theo cô Điệp, trong những năm trở lại đây, trẻ em Việt Nam rất thông minh, nhanh nhạy về trí tuệ. Tuy nhiên, các em còn nhiều hạn chế về nhận thức hành vi và thiếu kỹ năng sống.
Trước tình trạng này, cô Điệp đánh giá vai trò của phụ huynh, nhà trường trong việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ em ngày nay là rất quan trọng.
Cô khuyên: "Gia đình là người đầu tiên tác động đến các con. Cha mẹ cần giáo dục, khuyên nhủ các con không nên tiếp xúc với người lạ, tuyệt đối không nhận đồ ăn, nước uống hay vận chuyển đồ hộ người lạ. Nếu họ nhận là người quen thì cần phải xác nhận lại thông tin bằng cách gọi điện cho người thân. Nghiêm trọng hơn là nếu họ có những hành động xâm hại, cần dùng các kỹ năng như: hô to, chạy nhanh đến chỗ đông người để nhờ trợ giúp,…".
Cô cho biết, đối với nhà trường, cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cho trẻ em về các hành vi vi phạm pháp luật và các kỹ năng sống cần thiết. Đồng thời, nhà trường cần có và tăng cường các buổi hoạt động ngoại khóa đào tạo về kỹ năng sống nhằm mục đích nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng mềm và kinh nghiệm sống cho trẻ em.
Đối với các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, cô Điệp khuyên: "Các bạn cần nghiên cứu đề tài thật kỹ trước khi làm, đặc biệt là nội dung liên quan đến trẻ nhỏ. Khi làm các nội dung sử dụng hình ảnh của trẻ em, các bạn phải nhìn nhận, đánh giá xem hành vi đó có gây ảnh hưởng hay không. Các bạn đừng vì muốn kênh phát triển nhanh hay vì câu view mà bất chấp làm những đề tài gây ảnh hưởng đến người khác".