Biết rõ hoàn cảnh, thấy tận mặt, trao tận tay tiền từ thiện
Khi đã biết rõ những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, một số người trẻ chọn cách đến trao quà tận tay khi làm từ thiện. Chẳng hạn, chị Trần Thị Ngọc Thúy (33 tuổi), ngụ tại chung cư Tân Mai, Q.Tân Phú (TP.HCM), chia sẻ: “Tôi thường dành thời gian rảnh rỗi để tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn và khi có cơ hội là đến giúp đỡ trực tiếp”.
Đến nay, chị Thúy cho biết đã dùng tiền túi trao hơn 200 phần quà (tổng trị giá 70 triệu đồng) cho những người có hoàn cảnh khó khăn và chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19 theo cách mà cô gọi là “biết rõ hoàn cảnh, thấy tận mặt, trao tận tay chứ không cần thông qua ai”.
Chị Đinh Thị Kim Dung chia sẻ về hình ảnh tặng quà cho bà con khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số ở H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tú Uyên |
Tương tự, chị Đinh Thị Kim Dung, ngụ tại 51A-Bis đường An Bình, Q.5 (TP.HCM) thường xuyên tổ chức nhiều chuyến phát quà từ thiện cho những người lao động nghèo, công nhân thất nghiệp, người già neo đơn.
“Mới đây, vào ngày 27.5, tôi đã tặng 100 phần quà (mỗi phần gồm có một bao gạo, dầu ăn, đường, bột ngọt, nước mắm, nước tương) cho bà con khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số ở H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”, chị Dung chia sẻ.
Theo chị Dung, việc làm từ thiện của chị luôn xuất phát từ tấm lòng và tâm thiện. “Tôi làm một cách âm thầm và không muốn mọi người biết đến. Cách làm của tôi là biết rõ hoàn cảnh và trao tận tay. Lý do là tôi muốn những hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng một cách trọn vẹn, cho dù món quà nhỏ hay lớn”.
Tặng những phần cơm từ thiện cho học sinh tham gia chương trình Tư vấn mùa thị do Báo Thanh Niên tổ chức diễn ra tại tỉnh Đồng Nai Lê Thanh |
Trước đây, chị Dung cũng là người từng hỗ trợ những phần cơm trưa tặng học sinh nghèo trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, chồng của chị Dung, chia sẻ vợ tự bỏ tiền túi làm từ thiện và ước mơ có thể làm việc kiếm nhiều tiền hơn để làm việc thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và cơ nhỡ.
Làm từ thiện không ồn ào
Sau vụ nghệ sĩ Hoài Linh "ngâm" hơn 14 tỉ đồng tiền quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt trong tài khoản suốt 6 tháng qua mà không hề đưa ra lời giải thích rõ ràng và thuyết phục, vấn đề đặt ra là làm từ thiện như thế nào mới thực sự ý nghĩa?
Một số người trẻ cho rằng làm từ thiện đích thực là không ồn ào và không cần danh tiếng. Trong một trường hợp cụ thể, anh Nguyễn Hồng Phú (ngụ ở quận 12, TP.HCM) kể lại cha anh trước đây từng nằm viện chạy thận ở Bệnh viện Nhân dân 115 và gia đình gặp nhiều khó khăn. Khi đó, một người phụ nữ tên Hồng bất ngờ xuất hiện và trao 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình anh.
Gia đình anh Phú chỉ kịp nói lời cảm ơn thì người phụ nữ đã đi mất hút. “Sau đó, tôi hỏi trưởng khoa thận thì được biết người phụ nữ này âm thầm hỏi thăm để biết gia đình nào gặp khó khăn nhất trong một phòng bệnh để hỗ trợ và trong ngày hôm đó, cô đã hỗ trợ hơn 20 bệnh nhân”, anh Phú kể lại.
Những phần gạo của chị Thúy chia sẻ trong những lần chuẩn bị đi làm từ thiện Ngọc Thúy |
Khi được hỏi làm từ thiện thế nào mới ý nghĩa, thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), cho biết: "Công tác từ thiện xuất phát từ tình yêu giữa con người và con người, đôi khi sự giúp đỡ bị chi phối bởi động cơ cá nhân. Một số người có thể làm từ thiện để tạo ra uy tín cá nhân và tạo ra danh tiếng. Số khác làm từ thiện trên cơ sở của lòng nhân ái, sự cưu mang đùm bọc đồng bào”.
Ông Hải lưu ý: "Công tác từ thiện chủ yếu thông qua phân phối, cấp phát nghiêng về vật chất (tiền, gạo, mì tôm, quần áo, xe đạp, xe lăn, con giống, nhà…) tới những người có nhu cầu. Nói chung là giúp đỡ dựa trên cho và nhận làm cho thụ hưởng thường cảm nhận mối quan hệ đó có tính trên - dưới hoặc ban ơn và nhận phước".
Do đó, người làm công tác từ thiện phải làm một cách thật tâm chứ đừng làm theo kiểu ban phát để người nhận được món quà cảm thấy vui sướng và hạnh phúc, khi đó hoạt động từ thiện trở nên ý nghĩa hơn, theo ông Hải.