Mất trắng 30 triệu đồng sau 3 ngày

Bạn Lê Thị Thảo, 19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn còn tiếc "đứt ruột" khi nhắc về số tiền mình bị lừa. Khi đó, Thảo là sinh viên năm nhất, em thấy thông tin tuyển dụng trong một nhóm tìm việc làm trên mạng xã hội.

Họ tuyển sinh viên làm việc bán thời gian. Công việc là nạp tiền vào tài khoản để nhập đơn hàng ảo trên một nền tảng mua sắm trực tuyến. Số tiền nạp vào tương ứng với giá trị của đơn hàng. Mỗi đơn hàng chốt xong, nhân viên sẽ được trả lại số tiền đã nạp cùng tiền hoa hồng, thu nhập không giới hạn.

Thảo thấy công việc nhẹ nhàng, làm trực tuyến và không gò bó thời gian, em liền ứng tuyển. Không cần phỏng vấn, chỉ cần đăng ký thành viên là nữ sinh được tuyển dụng ngay, cũng không có hợp đồng. Hai bên trao đổi công việc qua một ứng dụng nhắn tin.

tin-vao-viec-nhe-luong-cao-sinh-vien-bi-lua-vai-chuc-trieu-dongdocx-1666020020070.jpegSinh viên từ quê lên thành phố dễ "sập bẫy" khi đi xin việc làm thêm (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Ngày đầu tiên làm việc, Thảo nhận được 100 nghìn tiền hoa hồng. Em cho rằng khởi đầu thuận lợi, chỉ cần nạp vài chục nghìn đồng để chốt mỗi đơn hàng, mỗi ngày chốt 3 đơn là đã được rút tiền lãi. Các mặt hàng đa dạng, không thiếu thứ gì.

Sang ngày làm việc thứ 2, Thảo bắt đầu nghi ngờ. Em đã nhập đủ số đơn hàng theo yêu cầu của quản lý, nhưng không được rút tiền. Người này cho biết, hệ thống yêu cầu Thảo phải tiếp tục chốt đơn thì mới rút được. Giá của các mặt hàng phải chốt không phải là vài chục nghìn đồng nữa, mà từ 9-20 triệu đồng.

Thảo thắc mắc thì người quản lý liên tục trả lời rằng: "Chị đảm bảo lần này em hoàn thành nhiệm vụ sẽ được rút tiền".

"Thậm chí, người này còn gửi ảnh căn cước công dân cho em xem. Em thấy vậy nên tin là mình chỉ cần cố nốt vài đơn nữa là sẽ có tiền nên em tiếp tục nạp", Thảo nói.

Sau 5-6 lần nạp số tiền lên đến 30 triệu đồng chỉ trong 3 ngày để nhập hàng, Thảo vẫn chưa được nhận lại vốn và hoa hồng. Nữ sinh liên lạc với quản lý nhưng người này liên tục lấy lý do đang trong giờ làm việc, không trả lời. Lúc ấy, Thảo mới ngỡ ra mình bị lừa. Nữ sinh chủ động dừng tất cả mọi giao dịch với họ và báo với bố mẹ.

"Em đã dùng hết tiền tiết kiệm của mình và vay bạn thêm 9 triệu đồng nhập hàng. Mất trắng 30 triệu đồng, lúc đó em chỉ còn biết khóc. Bố em mắng em ghê lắm nhưng sau đó đã trả nợ giúp em.

Đây là bài học đắt giá với em. Em quá ngây thơ và một phần vì em tham lam. Từ đó, em luôn cẩn trọng trong mọi quyết định xin việc làm", Thảo nói.

Một nạn nhân khác là bạn Bùi Thanh Huyền, sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Tháng 7 vừa qua, Huyền tìm việc làm thêm. Nữ sinh để ý tới bài đăng tuyển nhân viên trực fanpage bán thời gian, mỗi ngày làm từ 3-4 tiếng, lương 3,5 triệu/tháng và thưởng theo doanh thu. Huyền tin đây là một công việc nhẹ nhàng, phù hợp với mình.

tin-vao-viec-nhe-luong-cao-sinh-vien-bi-lua-vai-chuc-trieu-dongdocx-1666020020277.jpegVì sợ xấu hổ, sợ bị mắng, nhiều bạn không dám kể chuyện mình bị lừa với người thân (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Huyền nhắn tin cho Đức, là chủ nhân bài đăng trên để ứng tuyển. Đức tự xưng là quản lý của công ty. Người này hẹn nữ sinh đến phỏng vấn.

Buổi phỏng vấn diễn ra trong một tòa nhà tại quận Cầu Giấy "không giống trụ sở của một công ty", Huyền cho biết. Ngoài Huyền, còn rất nhiều ứng viên khác. Nữ sinh được dẫn vào một hội trường.

"Các diễn giả nói đây là buổi đào tạo trước khi chúng em vào làm việc, kéo dài cả ngày. Họ chia sẻ về các bài học kinh doanh, cách kiếm tiền, nghe rất thuyết phục. Diễn giả điều khiển ứng viên chơi trò chơi, thực hiện hô hào khẩu hiệu thể hiện sự quyết tâm.

Hơn 10 người được giới thiệu là nhân viên của công ty đứng lên sân khấu, cầm những sấp tiền và nói đó là thu nhập của họ trong một tháng", Huyền cho biết.

Đến cuối giờ chiều, diễn giả thông báo, những ai muốn làm việc tại công ty thì phải nộp một số tiền. Đó là chi phí để nhập hàng của công ty về và bán trên nền tảng của họ. Có các gói từ 5-30 triệu đồng, tùy số lượng và mặt hàng. Khi bán hết số hàng, nhân viên sẽ được rút tiền vốn cùng hoa hồng và gia hạn các gói tiếp theo.

"Công việc khác hoàn toàn so với thông tin trên bài đăng tuyển dụng. Nhưng vì bị thuyết phục bởi các bài diễn thuyết về sự thành công của diễn giả, em đã mù quáng tin theo", Huyền nói.

Huyền quyết định nộp số tiền tối thiểu là 5 triệu đồng. Nữ sinh được cấp tài khoản bán hàng trực tuyến, làm việc tại nhà. Chỉ sau 3 ngày, Huyền đã bán hết số hàng, bao gồm các loại quần áo, mỹ phẩm.

Nữ sinh hào hứng ấn vào rút tiền. Ngay sau hành động đó, hệ thống báo lỗi. Em đăng nhập lại nhiều lần nhưng không được.

"Em liền gọi cho anh quản lý nhưng không thể liên lạc được. Tài khoản mạng xã hội của anh ấy cũng đã bị khóa, hoặc anh ấy chặn em. Mấy ngày sau em thử mọi cách liên lạc nhưng không được. Em biết mình đã bị lừa. Đó là lần đầu tiên em bị lừa kể từ khi lên Hà Nội học", Huyền nói.

Bị chủ nợ lương hơn 4 tháng chưa trả

Bạn Lê Ngọc Mai, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền bị chủ cửa hàng quần áo nợ tiền thưởng doanh thu hơn 4 tháng nay. Mai cho biết, từ cuối tháng 2 đến tháng 6, em trực fanpage cho một cửa hàng quần áo có địa chỉ tại quận Cầu Giấy.

Mai làm mỗi ngày 5 tiếng. Chủ cửa hàng cam kết trả lương cứng là 18 nghìn đồng/giờ và 1% doanh thu của tháng, nếu làm tốt, thu nhập có thể là 5 triệu đồng/tháng. "Làm vào mỗi buổi tối với mức lương như thế là cao nên em đồng ý làm", Mai nói.

Đầu tháng 3, Mai được trả lương của tháng 2. Ba ngày đầu học việc, nữ sinh chỉ được trả 50 nghìn đồng/buổi. "Khi phỏng vấn họ không hề nhắc đến điều đó. Lúc nhận lương em mới biết. Em hỏi các nhân viên khác thì biết có bạn phải học việc một tuần, có bạn 10 ngày", Mai nói.

Các tháng tiếp theo, Mai được trả lương ổn định theo thỏa thuận. Tuy nhiên, đến lúc nhận lương của tháng 5, kế toán của cửa hàng nghỉ việc. Chủ cửa hàng chỉ trả lương cứng của tháng 5 cho nhân viên và nợ tiền doanh thu. Lý do đưa ra là không có kế toán nên không xử lý được. Khi nào có kế toán mới thì cửa hàng sẽ trả bù.

Mai tiếp tục làm thêm một tháng nữa rồi xin nghỉ việc. Cửa hàng lúc đó vẫn chưa có kế toán mới. Khi Mai nghỉ việc, cửa hàng còn nợ em hai tháng tiền thưởng doanh thu. Các nhân viên khác cũng nghỉ việc hết vì không được thanh toán đủ lương theo thỏa thuận.

"Hiện tại, em vẫn đang chờ được trả nốt số tiền đó. Em hỏi rất nhiều lần nhưng chủ cửa hàng rất ít khi trả lời", Mai nói.

*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022