Giữa muôn vàn áp lực cuộc sống, người ta tranh thủ chia sẻ với nhau khái niệm yêu bản thân. Sống vì mình, đối đãi tốt với chính mình, đặt bản thân lên trên hết, mục đích của chuyện "yêu thương bản thân" thoạt nhìn nghe thật tuyệt.
Theo nhà tâm lý trị liệu Hala Abdul, yêu bản thân có nghĩa là cho phép chính mình nhận tình yêu thương vô điều kiện từ bên trong, và tạm quên đi những khiếm khuyết.
Tuy vậy, "yêu bản thân" đôi khi có thể được dùng để tránh né những nỗi sợ, mang lại nguồn năng lượng tiêu cực không chỉ cho chính chúng ta mà còn đến những người xung quanh. Cùng điểm qua 4 biểu hiện mà ta nên dừng thần thánh hóa sở thích "yêu bản thân" nhé.
Yêu bản thân là việc làm cần thiết (Nguồn: Unsplash).
Khi yêu bản thân làm tổn thương người khác
Nhiều người vẫn lầm tưởng việc làm bất cứ gì họ muốn là đang truyền tải năng lượng tốt đẹp của ba chữ "yêu bản thân".
Cái cớ mang tên: "Nếu bạn không yêu mình từ những khuyết điểm nhỏ nhất, thì bạn không xứng đáng có được mình ở phiên bản hoàn hảo nhất!" không những là thứ để bao biện cho những lỗi sai cần khắc phục mà còn vô tình thay hình đổi dạng của chuyện yêu bản thân.
Theo bà Michelle Baxo, chuyên gia tâm lý, yêu bản thân sẽ mất đi tính đẹp đẽ của nó nếu người ta cứ bám vào cái ưu tiên hàng đầu về bản thân mình để gây ra ghen ghét, đánh giá, tổn thương mọi người xung quanh.
Baxo cũng khuyên mọi người nếu lỡ như gặp phải những người bạn đang tôn thờ giá trị của họ quá mức trong chính mối quan hệ giữa hai người, gây cho bạn cảm giác không được tôn trọng, hãy cho họ một cơ hội bằng việc nói thẳng ra những cảm xúc khó chịu trong bạn.
Nếu sự góp ý chẳng giúp họ thay đổi, thì thà chấp nhận chấm dứt còn hơn hứng chịu nỗi đau dai dẳng cho bản thân mình.
Khi lấy chuyện "yêu bản thân" làm lý do để né xa những mâu thuẫn
Theo nhà tư vấn tâm lý Alice Mills Mai, việc dùng định nghĩa "yêu bản thân" để thoát khỏi những rắc rối, những tranh cãi "cần phải xảy ra", hay để lấn át giới hạn của người khác trong một mối quan hệ lại đang gây hại lên sức khỏe tinh thần về lâu dài.
Bản chất mâu thuẫn là một đặc tính lành mạnh của bất kì mối quan hệ nào và luôn giúp bạn trong hành trình lớn lên.
Bà Mai còn chia sẻ rằng nếu bạn đang cố né tránh một vài mâu thuẫn vì sợ năng lượng xấu, bạn nên cân nhắc kỹ về việc chấp nhận đối đầu với chúng có giúp ích cho bạn về sau hay không, cũng như điều gì khiến bạn lánh mặt "những điều tiêu cực" này.
Những mối quan hệ thật lòng luôn tồn tại bất đồng quan điểm, cũng là vì họ muốn cả hai hiểu nhau hơn, và hơn hết là muốn bạn ở lại trong đời họ.
Bà cũng đánh giá rằng cốt lõi của yêu bản thân là để nhận thức bạn vẫn đang sống và tồn tại và khi lần đầu lớn lên, chúng ta đều khó tránh được lỗi lầm và bất hòa. Những cuộc tranh cãi thật không bao giờ dễ chịu, nhưng chúng rất quan trọng vì đang giúp ta lớn lên, chữa lành và trưởng thành.
Khi việc yêu bản thân làm lơ đi những cảm xúc không như ý
"Positive vibes only", phương châm sống của nhiều bạn trẻ hiện nay, mang nghĩa chỉ đón nhận điều tích cực, nghe như một châm ngôn 10 điểm cho cuộc sống hạnh phúc.
Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học Michele Goldman, "chỉ hấp thụ năng lượng tốt đẹp" vào nhiều trường hợp lại đang bác bỏ đi những cảm xúc rất bình thường mà con người cần trải qua như nỗi buồn, chênh vênh và không mang lại sự tích cực như cái tên của nó.
Việc yêu bản thân bằng cách bơ đi những cảm xúc không như ý đang hiện hữu xung quanh được biết đến là sự tích cực độc hại.
Cuộc sống như cách mà chúng ta ăn uống vậy, chúng ta chẳng thể mãi "bội thực" với món ăn mang tên "hạnh phúc", còn vô vàn những món ngoài kia, tuy có tệ hơn, nhưng cũng đáng được thử và trải nghiệm.
Học cách chấp nhận và vượt qua cảm xúc tiêu cực cũng là khi bạn đang "thương lấy chính mình" (Nguồn: Unsplash).
Khi yêu bản thân khiến bạn dậm chân tại chỗ
Nếu bạn đang sống vì mình của hiện tại với những thành công tạm thời cùng những khuyết điểm "chưa được gọi tên", bạn chưa trân trọng bản thân đúng cách như bạn từng nghĩ.
Shannon Chavez, nhà trị liệu tình dục đồng thời là nhà tâm lý tin rằng chuyện yêu bản thân nên được tiết chế lại nếu nó làm cho bạn lạc quan và không lung lay trong những tình huống cần chút bi quan, cần chút đổi thay, cần bạn phải hành động.
"Bất cứ chuyện gì xảy ra, hãy vì mình đầu tiên", theo Chavez, chẳng giúp ích được gì cho mỗi cá nhân trong hành trình đời của bạn vì cốt lõi, "luôn luôn vì mình" có thể ghì bạn lại mãi một điểm trên quả địa cầu mà hàng triệu người đang thay đổi mỗi ngày.
Bà cũng cho rằng sự yêu bản thân quá mức đang dần khiến người ta sợ hãi khó khăn và cố gắng vượt qua rắc rối cho xong thay vì nhìn lại, rút ra những bài học và thực sự tiến bộ.