Tống Ngọc Lan - sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển.
"Mình nghĩ là đừng mang ưu phiền về cho mẹ là được. Mỗi độ tuổi, mỗi cá nhân có hoàn cảnh khác nhau, nên dùng tiền để "đầu tư" cho sự nghiệp hay cho bố mẹ đều là sự lựa chọn đúng.
Mình vẫn mong năm sau sẽ hết dịch và mọi người được bình an và không phải chịu sự mất mát gì nữa!
Vì năm nay, dịch bệnh vẫn kéo dài nên mình cũng không có nhiều dự định cho dịp Tết, mà chỉ muốn dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
Bên cạnh đó, mình đang chuẩn bị một món quà bất ngờ cho bố mẹ nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới. Mình nghĩ dù mang gì về cho mẹ, thì điều quan trọng hơn cả là mình luôn luôn yêu thương bố mẹ của mình, dành cho bố mẹ những điều tốt đẹp nhất bằng cả tấm lòng.
Đào Trang Nhung - sinh viên ĐH Ngoại thương
"Mình nghĩ "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Đối với một số người, việc "mang tiền về cho mẹ" cũng là một cách mang niềm vui về cho gia đình vì điều đó thể hiện mình quan tâm và muốn báo hiếu ba mẹ.
Sau một năm dịch bệnh ảnh hưởng sâu tới cuộc sống của tất cả mọi người, việc mình về nhà bình an, không bị ảnh hưởng về sức khỏe, tài chính hay phải... tốt nghiệp muộn và đón Tết cùng ba mẹ đã là niềm vui lớn nhất rồi.
Mình mong là năm 2022 công việc của mình sẽ có một bước tiến mới. Nếu không may dịch bệnh lặp lại thì mình nghĩ mình vẫn sẽ thích nghi được thôi, vì chúng mình đều đã trải qua 2 năm dịch bệnh khó khăn và rút ra những bài học quý giá rồi. Tuy nhiên, mình mong kịch bản đó không bao giờ lặp lại".
Lục Thị Băng Trinh - tình nguyện viên chống dịch.
"Cả năm qua, mình mất việc và dành thời gian cho việc hỗ trợ chống dịch, nên bố mẹ cũng không gây áp lực lên việc phải "mang gì về" dịp Tết. Thật may mắn khi mình không... mang nợ về cho mẹ.
Hơn nữa, thời gian qua mình đã không may bị lây nhiễm Covid-19, trở thành một f0 và phải chữa bệnh tích cực cho tới khi khỏi bệnh. Mình thấy không mang virus về gia đình, gây nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người là điều may mắn nhất rồi".
Phan Nguyễn Trúc Phương - sinh viên ĐH Văn Lang.
"Cá nhân mình thấy việc mang niềm vui về cho mẹ quan trọng hơn là của cải vật chất. Suy cho cùng, mong ước của ba mẹ vẫn là được nhìn thấy con cái trưởng thành và có cuộc sống tốt.
Thông qua việc đem "tiền" về cho mẹ, có thể ngầm báo cho bố mẹ là: "con vẫn ổn, có khả năng sống tự lập và luôn có ý chí cầu tiến".
Bố mẹ không mong cầu gì hơn là nhìn thấy con mình trưởng thành và có cuộc sống tốt nên gửi quà gì cũng được, miễn đừng gửi lo lắng muộn phiền về cho cha mẹ là điều hạnh phúc nhất trên đời rồi".
Nguyễn Hoàng Minh - sinh viên ĐH Công nghiệp TPHCM.
"Ngày trước, khi chưa làm ra tiền thì việc Tết đến khiến mình rất vui, mình có được nhiều lì xì, quà tặng.
Hiện tại, khi đã bắt đầu đi làm và có thu nhập, mỗi khi Tết đến mình khá đau đầu và đã nhận thấy sự cần thiết của "tiền" trong giai đoạn này.
Khoảng thời gian cận Tết, mình sẽ bắt đầu tiết kiệm và làm việc nhiều hơn để có một khoản tiền về quê ăn Tết đoàn viên. Mình không muốn phải tiêu tiền của ba mẹ trong khi mình đã kiếm ra được tiền.
Còn việc "mang tiền về cho mẹ" thì hiện tại mình chưa làm được và nó sẽ là mục tiêu của mình trong năm mới. Thay vào đó, năm nay, mình sẽ để những muộn phiền, vất vả lại sau lưng, không mang những năng lượng tiêu cực về đến quê nhà sau một năm có quá nhiều đau thương nữa".
Phan Lê Huyền Trinh là sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng.
"Với bài hát "Mang tiền về cho mẹ" của Đen Vâu, mình nhận thấy đây chỉ đơn giản là một ca khúc nói lên tấm chân tình, sự hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, thực sự không đáng để trở thành đề tài tranh cãi.
Khi con người ta bước chân ra ngoài xã hội, đã trải qua những khó khăn, thử thách, đắng cay trong cuộc sống thì mới thực sự hiểu được từng đồng cha mẹ nuôi mình phải làm lụng vất vả như thế nào mới có được cho dù là bất cứ ngành nghề gì.
"Mang tiền về cho mẹ" chỉ như là một lời hát đang xoa dịu đi bao nỗi lo toan, gánh nặng của những người làm cha mẹ đã có công dưỡng dục mình.
Mình nghĩ, thay vì tranh cãi, mỗi người nên cố gắng để tốc độ thành công của mình nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ".
Phan Hoàng Bảo Ngọc - sinh viên Trường Kinh doanh Quốc tế, Đại học Kinh tế TPHCM
"Em hay nói với ba mẹ rằng sau này mình sẽ kiếm thật nhiều tiền về cho ba mẹ. Câu trả lời của họ luôn là ưu tiên cho sự hạnh phúc của em thay vì tiền em mang về.
Tuy nhiên, thực tế là em vẫn luôn đề cao vai trò của tiền bạc trong cuộc sống. Hẳn nếu như chúng ta có nhiều tiền hơn, thì tiêu chuẩn sống cũng sẽ cao hơn.
Ba mẹ đã chi ra một số tiền rất lớn cho em học tập, em xem nó như một khoản đầu tư. Chắc chắn rồi, em mong với "số vốn" đó, mình sẽ có thể kiếm về cả lãi lẫn lời.
Chuyện tiền bạc tốt hay xấu là tùy theo quan điểm của mỗi người. Đối với em, tiền là một động lực tích cực thúc đẩy em cố gắng, nỗ lực và là sự nhắc nhở về nghĩa vụ của một người con đối với gia đình. Việc "mang tiền về cho mẹ" cũng giống như một mục tiêu lớn trong đời của em".
Nguyễn Trọng Đạt - cựu sinh viên Đại học Nội vụ.
"Theo ý kiến của mình, ý nghĩa thực sự của ngày Tết là lễ đoàn viên, sum vầy, con cháu về cúng bái tổ tiên, cầu bình an cho một năm mới.
Với gia đình, việc thấy con mình khỏe mạnh, nhất là trong mùa dịch này về đoàn tụ cùng gia đình sau một năm xa nhà là điều mà ba mẹ mong chờ nhất.
"Tiền" ở đây nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn.
Bố mẹ nào cũng chỉ mong con mình khỏe mạnh, công việc và học tập thuận lợi; đó là "món quà" vô cùng quý giá".
Lê Thành Hưng - cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân.
"Việc cầm tiền về cho mẹ hay đem đi đầu tư đều là một lựa chọn, mang lại lãi suất hoặc bài học trưởng thành. Mình thấy không nên tranh cãi về vấn đề này.
Năm nay là năm khó khăn chung với mọi người, nên mình sẽ mang niềm vui về cho mẹ và đầu tư vào những món quà dành tặng cho những người thân yêu.
Mình may mắn khi khởi nghiệp khá thuận lợi, dù giữa mùa dịch căng thẳng, nên sẽ cố gắng giữ tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng khi về với gia đình.
Những khó khăn, thử thách của công việc, mình sẽ coi đó là chuyện cá nhân, không nhắc đến trong những câu chuyện đầu năm.
Trong ngày Tết, không khí đoàn viên là quan trọng nhất sửa soạn và sắm sửa cũng là điều tất yếu".
Ảnh: NVCC