Với những bạn sống xa nhà và những ai chưa đủ tự tin ở một mình thì chắc hẳn không còn xa lạ với mô hình "ở trọ cùng với chủ". Đây là loại hình phòng trọ mà chủ nhà trọ và người ở trọ sẽ sống chung trong một tòa nhà, một dãy nhà hoặc đôi khi cùng lối đi và cùng nơi sinh hoạt. Tuy đem đến nhiều lợi ích về kinh tế, an ninh song nhiều người cảm thấy phiền toái khi sự tự do của bản thân bị can thiệp.

o-tro-chung-voi-chu-cu-3-4-ngay-lai-kiem-tra-phong-dot-ngotdocx-1678280628105.jpegThuê trọ ở cùng chủ nhà, người trẻ "ngao ngán" vì không gian riêng bị làm phiền (Ảnh: Nguyễn Hồng Ngọc).

"Nhất cử nhất động đều không thể qua mắt chủ nhà"

Thành Long (sinh viên năm nhất Đại học Y Hà Nội) chia sẻ ý định chuyển trọ sau khoảng nửa năm "trải nghiệm" hình thức thuê trọ này.

"Ngày ấy vì vài lý do cá nhân nên mình tìm trọ muộn hơn so với các bạn đồng trang lứa. Những phòng trọ độc lập, đáp ứng với tiêu chí của mình thì chi phí lại cao hơn so với điều kiện kinh tế của bản thân. Hết cách, mình đành phải tìm đến nhà trọ chung chủ để có mức giá phù hợp. Nhưng sau nửa năm sống ở đây, mình thực sự mong hết hợp đồng để chuyển ra nơi khác", Long tâm sự.

Có thể với một số người thuê trọ theo mô hình này sẽ có cảm giác an toàn và thoải mái hơn vì không phải chạm mặt chủ nhà thường xuyên. Nhưng tòa nhà nơi Thành Long đang ở sẽ phải đi qua tiệm cắt tóc của chủ nhà rồi mới đến nơi để xe, vì vậy bất kể Long đi đâu, với ai hay làm gì, chủ nhà đều biết.

Khi ra vào, Long phải đi qua tiệm cắt tóc của chủ nhà (Ảnh: Nguyễn Hồng Ngọc).

"Mỗi lần ra khỏi nhà hay đi về đều phải đi qua tiệm của cô chú nên mình cảm thấy nhất cử nhất động đều không thể qua mắt chủ nhà. Mỗi ngày gặp và chào hỏi sẽ chẳng có gì to tát cho đến khi mình cảm thấy khó chịu với những câu hỏi mang tính dò xét, tọc mạch.

Khi mình đi chơi về muộn thì bị hỏi: "Tưởng học trường Y dày lịch lắm mà sao vẫn có thời gian đi chơi thế?", hay khi mình xuống nhận hàng mua trên mạng thì chủ nhà nói: "Sinh viên thì lấy đâu ra tiền mà mua sắm suốt ngày thế?"...", Long kể.

Thang máy chỉ dành cho chủ nhà, muốn dùng phải chi thêm tiền

Khác với Thành Long, Nguyễn Minh (sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) không thường xuyên chạm mặt chủ nhà vì nơi chủ nhà sống là ở tầng cao nhất của tòa nhà. Nhưng điều đó cũng không giúp cô tránh được những tình huống ngang trái khi thuê trọ ở chung với chủ.

"Nhà có thang máy và phòng đầy đủ nội thất là hai tiêu chí tìm trọ của mình. Khi thấy bài viết cho thuê phòng có cả hai tiêu chí trên, mình đã quyết định đi xem phòng và cảm thấy phù hợp nên ký hợp đồng ngay sau đó.

Ngày đầu tiên chuyển tới phải vận chuyển nhiều đồ đạc và mình vẫn dùng được thang máy để đi lại nên mình cũng không để ý. Tuy nhiên, ngay hôm sau thì thấy ở cửa thang máy dán một tờ giấy với dòng chữ "Không sử dụng thang máy". Lúc đầu mình đinh ninh do thang máy hỏng hoặc đang bảo trì, nhưng nhiều ngày liên tiếp phải leo thang bộ nên mình đành phải hỏi trực tiếp chủ nhà", Minh chia sẻ.

Thang máy được cho là của chủ nhà, người khác muốn dùng phải đóng thêm tiền (Ảnh: Nguyễn Hồng Ngọc).

Được biết, sau khi thắc mắc với chủ nhà, Minh nhận được câu trả lời với lý do rằng, đây là thang máy dành riêng cho nhà chủ, những người thuê trọ muốn sử dụng sẽ phải chi trả thêm một khoản khác.

Nguyễn Minh cho rằng, có lẽ bản thân cô đã có phần vội vã trong việc tìm một nơi để ở mà không suy xét kỹ lưỡng trước khi đặt bút ký hợp đồng. "Đúng là lần đầu tiên mình gặp phải tình trạng "cạn lời" thế này nhưng cũng là một bài học đáng nhớ để mình rút kinh nghiệm cho những lần sau", Minh bộc bạch.

Cứ 3-4 ngày lại kiểm tra phòng đột ngột

Một lý do nữa mà Thành Long cảm thấy bị ức chế khi ở chung với chủ trọ là việc thường xuyên phải chịu cảnh chủ trọ đập cửa kiểm tra phòng.

"Mình và một người bạn ở tỉnh khác học cùng lớp đã đi xem phòng và thấy khá ưng ý, phòng đầy đủ nội thất, camera an ninh có ở khắp hành lang và cầu thang nên mình càng yên tâm. Hơn nữa, lúc ấy thấy cô chú chủ nhà cũng niềm nở, vui tính, mình nghĩ việc sống chung tòa nhà với chủ trọ cũng không thành vấn đề nên cũng làm hợp đồng một năm", Long nói.

Tuy nhiên, mọi việc sau đó đã không như Long nghĩ. "Mới đầu, cứ cuối tháng, chủ nhà sẽ gõ cửa thu tiền, nhưng dần dần tần suất "ghé thăm" lại nhiều lên, với lý do là kiểm tra phòng định kỳ, mà định kỳ gì lại 3-4 ngày xuất hiện một lần. Có lúc mình đang gội đầu cũng phải lấy khăn lau vội để ra mở cửa", Long chia sẻ.

Chủ trọ thường xuyên gõ cửa kiểm tra (Ảnh minh họa: Getty Images).

Long cho hay, quy định ở đây là không được cho người ngoài ngủ lại, thời gian sang chơi tối đa đến 10 giờ tối. Tuy nhiên, trong một lần Long dẫn bạn về phòng chơi, chủ nhà đã sang đập cửa phàn nàn với lời lẽ không đúng mực. Mặc dù khi ấy mới 8 giờ tối và Long cũng biết cô chú chủ nhà hay để ý, xét nét nên đã chú ý giữ trật tự, chỉ nói vừa đủ nghe.

Bức xúc với việc không gian sống và sự riêng tư bị can thiệp quá sâu, Long có nói chuyện với cô chú chủ nhà song vấn đề vẫn không được giải quyết.

"Mình muốn được tôn trọng quyền riêng tư và bày tỏ sự không hài lòng khi cô chú liên tục kiểm tra, soi xét với những giờ giấc oái oăm như vậy, nhưng những gì nhận lại chỉ là những câu nói nặng lời, chỉ trích mình thái độ, hỗn hào với người lớn", Long chia sẻ.

Theo Long, mặc dù khi sống cùng nhà với chủ nhà sẽ có những ưu điểm như: an toàn hơn, quy củ hơn, có ý thức giữ gìn vệ sinh hơn... nhưng mọi người cũng cần cân nhắc lựa chọn này, bởi khi thuê trọ ở chung với chủ sẽ có quy định giờ giấc đóng mở cửa nhà và rất bất tiện cho những ai thường xuyên về trễ. Hơn nữa, nếu gặp phải chủ nhà khó tính, người thuê nhà sẽ cảm thấy mất tự do trong chính không gian sống của bản thân.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022