Jay Hill, cây bút nổi tiếng của trang Lifehack, người chuyên viết về sự phát triển bản thân, động lực, hạnh phúc và hướng dẫn cách giao tiếp, đã có bài viết thú vị về chủ đề "Ghen tị với người khác mỗi lần lên mạng thì phải làm sao?".
Theo Jay Hill, rất dễ dàng để nhiều người rơi vào tình trạng ghen tị với người khác trên mạng xã hội. Bạn bè, người thân thậm chí người lạ đăng ảnh kỳ nghỉ sang chảnh, thông báo đính hôn, chụp ảnh cưới xa hoa, khoe đồ hiệu... có thể khiến nhiều người ghen tị nghiêm trọng.
Các triệu chứng của sự ghen tị trên mạng xã hội
Các triệu chứng của sự ghen tị trên mạng xã hội chính là sự sụt giảm tâm trạng một cách tổng thể khi xem hình ảnh người khác đăng tải trên mạng.
Bạn có thể cảm thấy trống rỗng sau khi đọc một số bài đăng của bạn bè hoặc người thân. Bạn xem kỹ các bài đăng, phóng to từng bức ảnh của họ. Ngay cả khi bạn cảm thấy ghen tị, dường như bạn vẫn không thể rời mắt.
Ở một mức độ nào đó, sau khi xem những hình ảnh này, bạn thậm chí có thể rơi xuống hố sâu của sự khó chịu và tuyệt vọng. Bạn cũng có thể cảm thấy tồi tệ vì ghen tị với người khác. Bạn thậm chí dằn vặt vì suy nghĩ "mình không nên cảm thấy hạnh phúc cho người khác hay sao?".
Thực ra, bản chất con người vốn có tính cạnh tranh. Dù họ thích kết nối với những người khác nhưng vẫn luôn cạnh tranh. Và trong hoàn cảnh đó, nhiều người lại thích thể hiện bản thân ở mọi góc độ.
Rất nhiều người có xu hướng tận dụng mọi cơ hội để cho thế giới thấy họ tuyệt vời như thế nào và cuộc sống của họ đang diễn ra tốt đẹp ra sao. Khi mạng xã hội phát triển, mọi người càng có cơ hội "khoe" nhiều hơn và đây là lúc vấn đề bắt đầu nảy sinh.
Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch, chúng ta bắt đầu cảm thấy ghen tị khi so sánh cuộc sống hàng ngày của mình với hình ảnh mà người khác đăng lên các phương tiện truyền thông xã hội.
Khi bạn rơi vào cái bẫy so sánh cuộc sống riêng tư của mình với cuộc sống mà người khác chủ đích "phơi bày" ở nơi công cộng, bạn nhất định sẽ cảm thấy thấp kém hơn.
Nhiều người ghen tị với bạn bè khi xem ảnh bạn bè đăng tải trên mạng (Ảnh minh họa: Adobe Stock).
Ghen tị giống như nỗi đau thực sự. Ban đầu nó có thể giống như một sự phiền toái đơn thuần ở mức độ vừa phải nhưng các tác động có thể tích lũy theo thời gian.
Theo một nghiên cứu nhỏ được công bố trên tạp chí Khoa học, sự ghen tị và nỗi đau thể xác sử dụng cùng một vùng trong não. Cảm giác ghen tị thực sự rất đau khổ và nó có thể trở thành một thói quen xấu. Theo thời gian, bạn có thể trở thành một người cay độc, luôn bận rộn để phân tích những thiếu sót của bản thân hơn là tận hưởng cuộc sống thật sự.
Làm gì để chống lại cảm giác ghen tị trên mạng xã hội?
Loại bỏ những người khoe khoang
Nếu trong danh sách bạn bè của bạn có hàng loạt những người luôn thích khoe về cuộc sống của họ, hãy hủy theo dõi họ để tránh bản thân bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, đừng ngại đề cập đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống của chính bạn. Nếu bạn có những thông tin tốt để chia sẻ, hãy lan truyền sự tích cực. Không có gì sai khi khoe chút thành tích và điểm nổi bật của bạn, chỉ khi nào bạn làm quá mức thì bạn mới cần đánh giá lại hành vi của mình.
Trong khi những người khác có cuộc sống tốt đẹp thì bạn cũng có những khoảnh khắc tuyệt vời đáng trân trọng, lưu giữ và sẻ chia.
Giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội
Cách đơn giản nhất để tránh rơi vào cảm giác đố kỵ là hạn chế thời gian lên mạng đọc bài đăng của người khác. Đừng bao giờ lãng phí hàng giờ để lướt mạng. Hãy đặt cho mình một giới hạn thời gian hợp lý mỗi ngày và tuân thủ điều đó. Cũng cần lưu ý rằng, cuộc sống trên mạng xã hội khác với cuộc sống ngoài đời thật.
Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để kết nối, không so sánh
Mạng xã hội thực ra được thiết kế cho những tương tác tích cực, không phải cho những so sánh vô nghĩa và không lành mạnh. Vì thế hãy dành sự tập trung của bạn cho những vấn đề tích cực, truyền cảm hứng và vui vẻ.
Hãy thực sự quan tâm đến các hoạt động, cuộc sống và quan điểm của người khác hơn là hạ thấp bản thân bằng cách biến nó thành một cuộc cạnh tranh ngầm từ trong suy nghĩ của bạn.
Bạn không cần phải từ bỏ hoàn toàn Instagram, Facebook hoặc các nền tảng mạng xã hội khác. Mạng xã hội là những công cụ tuyệt vời để giữ liên lạc với mọi người. Tuy nhiên, để chống lại cảm giác ghen tị, bạn cần giữ quan điểm cân bằng và sẵn sàng lùi lại một bước khi cần thiết.