Đầu năm luôn là thời điểm "vàng" để người lao động chuyển đổi công việc. Tuy nhiên, năm nay, thị trường tuyển dụng dường như không quá sôi nổi như những năm trước.
Một số công ty vẫn đang trong tình trạng cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí. Từ đó, tạo nên làn sóng sa thải, một số người trẻ bỗng dưng mất đi công việc đang có hoặc lựa chọn "chôn chân tại chỗ" nhằm duy trì nguồn thu nhập.
Nguy cơ "sa thải lặng lẽ"
Hiện tượng "sa thải lặng lẽ" xảy ra khi người sử dụng lao động lặng lẽ giảm bớt lượng công việc giao cho nhân viên hoặc né tránh các thảo luận về tiến độ công việc, để cho nhân viên chán nản và tự xin nghỉ việc.
Theo Bonnie Dilber - Giám đốc tuyển dụng của một công ty có trụ sở tại Seattle (Mỹ), việc "sa thải lặng lẽ" diễn ra thường xuyên, ở rất nhiều nơi, nên nó cần được đưa ra thảo luận nhiều hơn là vấn đề "bỏ việc trong im lặng".
Trong một bài đăng trên LinkedIn đang được lan truyền rộng rãi, Dilber đã liệt kê những dấu hiệu mà một nhân viên đang bị "sa thải lặng lẽ".
"Bạn không nhận được phản hồi hay sự khen ngợi, bạn được tăng lương từ 3% trở xuống trong khi những người khác được nhiều hơn, các cuộc trao đổi 1:1 của bạn với lãnh đạo thường xuyên bị hủy hoặc xáo trộn", cô cho biết.
Tích trữ tài chính, vẫn sống ổn nếu thất nghiệp
Hà Trang (26 tuổi, Thái Bình) cho rằng, với những người trẻ như cô, đôi khi kiến thức và kinh nghiệm quan trọng hơn mức lương. Trang có gần 2 năm làm việc tại một công ty về lĩnh vực vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, Trang cảm thấy bản thân không học hỏi và trau dồi gì thêm về mặt kiến thức chuyên môn nên đã quyết định "nhảy việc" để tìm kiếm cơ hội công việc mới vào đúng thời điểm hàng loạt công ty cắt giảm nhân sự.
"Trước khi đi đến quyết định nghỉ việc, mình dường như cảm thấy mọi thứ đang bị xao nhãng. Người quản lý trực tiếp của mình không giao nhiều việc cho mình, họ cũng hờ hững trong việc đào tạo thêm các kỹ năng cho nhân viên.
Có một quãng thời gian mình cảm thấy dường như bản thân đang bị "sa thải lặng lẽ". Thế nên, khi mình nộp đơn xin nghỉ việc, họ không hỏi lý do hay nói lời xã giao để giữ mình lại.
Hà Trang lựa chọn cách tích lũy tài chính trước "bão sa thải" (Ảnh: NVCC).Mình nghĩ nhiều bạn trẻ cũng rơi vào tình trạng như mình, rằng bị bỏ rơi trong công việc và dần dần bị sa thải khỏi môi trường làm việc. Trước "bão sa thải", mình tích lũy tài chính để vẫn có thể sống tốt nếu thất nghiệp".
Theo chia sẻ của Hà Trang, nhiều người bạn của cô tỏ ra khá lo lắng trước ảnh hưởng của làn sóng sa thải, khi nhiều công ty đã cho hàng loạt nhân sự nghỉ việc. Một số người chấp nhận làm công việc trái ngành hoặc công việc bán thời gian "miễn sao kiếm ra tiền" để không phải phụ thuộc vào gia đình.
Bám trụ với công việc vốn có
Trước những biến động của thị trường việc làm, thay vì nghỉ việc, Đặng Trang (29 tuổi, làm việc tại Kiên Giang) quyết định bám trụ với công việc vốn có và cho đến hiện tại, với Trang, đây là một tính toán thông minh và hợp thời.
Hiện cô gái trẻ đang đảm nhận vị trí kinh doanh tại một công ty du lịch. Mặc dù công việc khá áp lực về mặt thời gian và doanh số, nhưng Trang cho rằng: "Ở thời điểm bão sa thải như hiện nay, có một công việc ổn định, cho mức thu nhập đủ sống cũng là một điều may mắn rồi.
Tuy nhiên, bản thân mỗi người cần xác định được rằng, cuộc sống thì luôn có sự biến động. Chẳng hạn như ở thời điểm ra trường được một năm, mình đã lựa chọn rời bỏ công việc ở TPHCM để đến làm việc tại Kiên Giang. Mình làm việc trái ngành, cũng khá chật vật mới làm quen được hết mọi guồng quay ở đây.
Có bạn trẻ lựa chọn bám trụ công việc đang có để đi qua "bão sa thải" (Ảnh: Freepik).Ngành nghề nào cũng có sự sa thải và biến động nhân sự. Mình cũng lo lắng vì sợ cuốn vào "bão sa thải", nhưng rồi mình nghĩ, nếu bản thân nâng cao trình độ chuyên môn và làm tốt công việc thì dù ở vị trí nào mình cũng có thể đảm đương được".
Với mức lương gần 9 triệu/tháng, Trang chi trả cho các khoản thuê nhà, ăn uống, mua sắm cá nhân… còn để có tiền dư giả, cô làm thêm công việc bán hàng online.
"Trong bão sa thải, mình có thể bị cho nghỉ việc bất cứ lúc nào nên việc có một khoản dự phòng hay một công việc làm thêm là điều cần thiết. Tìm được việc đã tốt nên đừng "kén cá chọn canh" để rồi khiến bản thân rơi vào tình trạng thất nghiệp hay "đứng núi này trông núi nọ", Trang kết luận.
Cứ bình tĩnh, mọi chuyện đều có hướng giải quyết
Còn Phạm Thảo (27 tuổi, làm việc tại Bình Dương) lại khá điềm tĩnh khi nhắc đến "bão sa thải" đang khiến người trẻ lo lắng thời gian gần đây. Đầu năm, Thảo nộp đơn xin nghỉ, chấm dứt hơn 6 năm gắn bó tại một công ty.
Phạm Thảo khá bình tĩnh trước làn sóng sa thải hiện nay (Ảnh: NVCC)."Trước khi bị bão sa thải càn quét thì mình chủ động sa thải công việc (cười). Mình nghĩ bạn trẻ hãy cứ bình tĩnh, mọi chuyện đều có hướng giải quyết, bạn sẽ không thể thất nghiệp được mãi.
Mọi quyết định lúc này đều sẽ dẫn đến những kết quả sau này. Mình đã đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm với những quyết định đó, kể cả thay đổi công việc. Làm một công việc suốt 6 năm mình bắt đầu cảm thấy bản thân cần có sự đổi mới để không bị "giậm chân tại chỗ". Người trẻ chúng ta hãy nhìn nhận và tìm kiếm cơ hội từ trong chính đợt sóng sa thải nhân sự, ai có năng lực thì dù ở đâu cũng sẽ có được vị trí cho mình", cô gái trẻ tâm sự.
Sau khi nghỉ việc, Thảo dành thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và quan tâm nhiều hơn đến người thân.
Người trẻ nên chuẩn bị gì để không bị sa thải?
Chị Keira - Diễn giả, Quản lý nội dung của "Chương trình Tâm lý học thiết yếu", từng tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Nghiên cứu Tâm lý học tại Đại học Birmingham (Anh) cho rằng, về câu chuyện "sa thải" cơ bản vẫn cần bàn đến kỹ năng và thái độ của người trẻ.
Chị Keira - Diễn giả, Quản lý nội dung của "Chương trình Tâm lý học thiết yếu" (Ảnh: NVCC)."Trau dồi và mở rộng kiến thức nằm ngoài chuyên môn chính cũng ngày càng cần thiết nếu muốn thực sự trở thành một nhân sự độc đáo, không thể thay thế. Về thái độ, các bạn trẻ cần có thái độ khiêm nhường, dù mình có giỏi tới đâu.
Bởi rất dễ để các bạn vì cái tôi mà gây hiềm khích với quản lý hay vì thiếu kinh nghiệm nên khăng khăng cho rằng mình đúng, đặt lợi ích của tổ chức bên dưới cái tôi cá nhân.
Ngoài ra, có một nhóm kỹ năng đặc biệt quan trọng là quản lý bản thân và quản lý mối quan hệ. Không ngẫu nhiên mà ông cha ta có câu "biết người biết ta trăm trận trăm thắng", chị Keira chia sẻ với PV Dân trí.
Gần như trong lĩnh vực nào hiện nay cũng cần làm việc nhóm. Nếu như không hiểu và biết cách điều hòa cảm xúc, điều chỉnh hành vi và thay đổi suy nghĩ của chính bản thân mình thì làm sao có thể hy vọng làm được vậy với đội nhóm.
Kỹ năng tư duy và làm việc với ý tưởng, trước hết là của bản thân và sau đó là cùng người khác cũng rất quan trọng. Nhiều bạn có kỹ năng chuyên môn nhưng tới khi trao đổi ý tưởng với người khác lại chẳng ai hiểu.
Bây giờ Chat GPT có thể giúp mình đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi đơn giản. Để các câu hỏi phức tạp hơn, nhất định sẽ cần sử dụng trí tuệ tập thể. Mà khi đó thì chắc chắn sẽ cần các kỹ năng tư duy như tư duy phê phán, tư duy hệ thống, tư duy đa chiều hay tư duy sáng tạo".
Còn anh Kim Đức Huy - Trưởng phòng nhân sự của một công ty tại TPHCM thì bày tỏ: "Việc mà một bạn trẻ nên làm để vượt qua tình trạng "bão sa thải" hiện nay là có chuẩn bị một tâm lý vững vàng, kiên định, không để mất tự tin vào bản lĩnh của chính mình.
Anh Kim Đức Huy cho rằng, điều quan trọng người trẻ cần chuẩn bị là tâm lý vững vàng (Ảnh: NVCC).Trước hết, bạn phải hiểu bản thân mình đang có và thiếu những vấn đề nào để bổ sung và cải thiện. Cố gắng luôn trao dồi các kiến thức mới cũng là một yếu tố quan trọng giúp các bạn trẻ vượt qua vấn đề tìm kiếm công việc, giải quyết bài toán thất nghiệp".
Cũng theo anh Huy, phía công ty, nhà tuyển dụng hay quản lý thì điều đầu tiên vẫn sẽ nhìn vào trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, các khả năng khác cũng như định hướng công việc mong muốn của nhân viên. Một trong những điều anh đánh giá cao là thái độ và tinh thần làm việc của ứng viên đó.