Nghỉ việc vì bị sếp nữ phớt lờ
Đầu năm nay, sau 3 năm gắn bó ở một công ty chuyên về thiết bị làm đẹp, anh Quốc Quân (28 tuổi, Hà Nội) quyết định nghỉ việc. Nhắc đến quyết định này, anh Quân chia sẻ: "Hầu như trước đó mình đều làm việc cùng sếp nam. Mình cảm thấy giữa những người đàn ông sẽ dễ dàng chia sẻ và trao đổi hơn và mình đã quen và thoải mái với cách làm việc cùng sếp nam suốt mấy năm nay.
Mọi chuyện thay đổi khi công ty có sự xáo trộn nhân sự, Sếp của mình phải điều chuyển công tác vào miền Nam. Ngay sau đó, mình làm việc dưới sự quản lý của sếp nữ vừa mới vào Công ty. Hầu như những ý kiến đóng góp của mình không được công nhận hoặc bị phớt lờ cho qua chuyện.
Cơ hội thăng tiến chốn công sở chia đều cho cả nam giới và nữ giới (Ảnh: Shutterstock).Sếp mới thường ưu tiên các bạn nữ hơn. Vì bộ phận của mình chỉ có mình là nam giới nên việc này khiến mình cảm thấy lạc lõng và bị bỏ rơi ngay tại nơi làm việc.
Mình hiểu rằng ở thời đại bây giờ, nam nữ đều bình đẳng. Song, nếu nữ quyền trở nên độc hại thì quả thực sẽ thiệt thòi cho nam giới".
Theo anh Quân, ở thời đại phái đẹp ngày càng thể hiện quyền và bản lĩnh của mình thì chính đấng mày râu cũng trở nên áp lực hơn. Không chỉ có sự cạnh tranh trong công việc, mà đôi khi còn bị lép vế trước nữ giới.
Đồng nghiệp nữ "vượt mặt" trong cuộc đua thăng chức
Làm việc tại một khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, T.A chán nản vì bị đồng nghiệp nữ "vượt mặt" trong cuộc đua thăng chức.
T.A đảm nhận vị trí thiết kế được hơn 4 năm. Bởi thế, anh khá tự tin trước kỹ năng chuyên môn cũng như chất lượng ấn phẩm do mình phụ trách. Trước đó, anh được hứa hẹn sẽ cất nhắc lên làm quản lý nhóm thiết kế sau thời gian cống hiến cho tổ chức. Song, anh cần thêm thời gian khoảng nửa năm để chứng minh năng lực quản lý của bản thân.
"Khi đi làm, hầu như mọi người đều muốn sự nghiệp của mình có sự thăng tiến và mình cũng không ngoại lệ. Bởi thế, mình luôn đầu tư thời gian cũng như tâm sức cho công việc và mình cảm thấy bản thân có đủ năng lực cũng như trách nhiệm để lên chức quản lý. Nhưng đầu tuần vừa rồi mình nhận được thông báo rằng mình sẽ không được đảm nhận vị trí đó.
Điều khiến mình ngạc nhiên là người được ngồi vào chiếc ghế đó lại là một bạn gái "trẻ măng", lại vào công ty sau mình. Khi mình thắc mắc lên cấp trên thì nhận được câu trả lời rằng "dù bạn ấy là con gái nhưng có đủ tố chất để quản lý đội, nhóm và bao quát công việc. Đặc biệt, bạn ấy biết cách để nâng cao tinh thần làm việc của cả nhóm. Em có năng lực chuyên môn nhưng còn thiếu một chút sự mềm mỏng".
Vậy là đến cuối cùng, mình vẫn bị lép vế trước bạn nữ. Đây cũng là bài học để mình nhìn nhận lại bản thân và cố gắng nhiều hơn nếu muốn được công nhận năng lực quản lý", T.A chia sẻ với phóng viên.
Thời đại "ai có năng lực thì thắng cuộc"
Lê Ngân (24 tuổi, làm việc tại một công ty công nghệ ở Hà Nội) luôn quan niệm rằng, ở thời hiện đại "ai có năng lực hơn thì trở thành người thắng cuộc", giới tính không ảnh hưởng quá nhiều đến sự thăng tiến của một người.
Phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế và bản lĩnh nghề nghiệp của mình (Ảnh: Shutterstock).Theo đó: "Nếu như trước đây mọi người luôn cho rằng, nghề nghiệp liên quan đến ngành công nghệ chỉ dành cho nam giới; thì bây giờ, nữ giới cũng ngày càng khẳng định được năng lực ở lĩnh vực này. Tại công ty mình, không có quá nhiều sự ưu tiên cho nam giới, thậm chí ở một số vị trí, phái nữ đóng vai trò chủ chốt.
Một số người bạn nam giới của mình bắt đầu e ngại vì cơ hội sự nghiệp chia đều cho cả hai phái".
Còn Đình Đức (22 tuổi, làm việc tại Hà Nội) thì cho rằng, khi làm việc với sếp nữ, bản thân anh học hỏi được rất nhiều điều. Theo Đức, dù là nữ giới hay nam giới thì ở thời đại hội nhập đều có thể nắm giữ vị trí quan trọng, miễn là có năng lực.
Đình Đức cảm thấy chính bản thân nam giới cũng cần học hỏi một số kỹ năng nghề nghiệp từ phụ nữ (Ảnh: NVCC).Muốn không bị lép vế hay mất đi cơ hội công việc thì bản thân nam giới không được cậy vào quan điểm rằng phái mạnh được ưu tiên sự nghiệp hơn. Nếu như thời đại trước, phụ nữ chỉ quẩn quanh ở nhà, không được tham gia vào công việc xã hội thì bây giờ, mọi thứ đã có sự đổi khác.
Ở chốn công sở, để nữ quyền không trở nên quá đà thì nam giới cũng phải nghiêm túc nâng cao năng lực và đôi khi phải thừa nhận rằng phụ nữ có năng suất làm việc cao hơn cánh mày râu.
Nhà tuyển dụng bác bỏ nguyên tắc ưu tiên giới tính
Anh Nguyễn Quốc Hội - Operation Manager (Quản lý vận hành) tại một khách sạn chia sẻ: "Xã hội phát triển, ngành nghề đa dạng hơn và doanh nghiệp cũng có những tiêu chí tuyển dụng, không còn nguyên tắc ưu tiên giới tính là nam. Bởi thế, nam giới phải cạnh tranh công bằng với phái nữ trong việc phát triển sự nghiệp.
Cơ hội phát triển cho nữ giới không chỉ là khẩu hiệu bình đẳng giới nữa mà nó đã vươn xa hơn và mạnh mẽ hơn. Bằng chứng là ngày càng nhiều nữ giới được thăng chức và nắm giữ những vị trí quan trọng trong doanh nghiệp".
Lý giải điều này, theo anh Quốc Hội, nữ giới ngày càng có tư tưởng hiện đại và có nhiều cơ hội học tập trải nghiệm, mở rộng kiến thức và nỗ lực khẳng định năng lực, vị thế của bản thân trong công việc.
Hơn thế nữa, việc dựa vào tiêu chí là giới tính để tuyển dụng hay giao phó những vị trí công việc quan trọng không còn phù hợp trong xã hội ngày nay nữa. Nhà tuyển dụng ưu tiên những ứng viên có năng lực, ham học hỏi, có ý thức nâng cao trình độ bản thân, biết tích lũy kinh nghiệm và lan tỏa năng lượng tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp.