Nhận định đúng, đánh giá khách quan về năng lực của bản thân

Phạm Tuấn Ngọc, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, bày tỏ: "Nói riêng về năng lực thì mình nghĩ mình là một người được việc, tức việc gì cũng có thể làm được. Nhưng để làm giỏi hoặc "rất giỏi" một điều gì đó thì chưa. Mặc dù như vậy, thì mình vẫn khá tự tin về năng lực làm việc của bản thân".

Để có một lộ trình phát triển rõ ràng Gen Z cần phải trau dồi nhiều hơn nữa các kỹ năng, kiến thức. Theo nghiên cứu mới đây của McKinsey & Company, có đến 56 kỹ năng cần thiết cho tương lai mà hiện tại công dân cần phát triển như tư duy phản biện, lãnh đạo bản thân hay công nghệ thông tin,… Đây là nghiên cứu từ những quốc gia phát triển trên thế giới, đồng nghĩa với việc tại Việt Nam, con số này không chỉ dừng lại ở 56 mà có thể là hàng trăm.

gen-z-can-danh-gia-dung-du-ve-nang-luc-cua-ban-thandocx-1641547219098.png

Luôn đón đầu xu thế, nhanh nhạy với thời cuộc, Gen Z được đánh giá là một thế hệ đầy tiềm năng, có thể "làm nên chuyện" trong tương lai (Ảnh: Vector Stock).

Lê Thị Lan Anh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: "Mình đã từng làm công việc văn phòng trong khoảng 2 năm và mình đã có được 2 đánh giá chủ quan trong và sau quá trình làm việc. Trong khi làm công việc đó hàng ngày mình đã đánh giá là bản thân thực hiện công việc một cách tối ưu nhất rồi, hoàn thành tốt rồi vì kết quả cuối cùng đều đạt được.

Tuy nhiên, sau khi nghỉ việc mình nhìn lại với một góc nhìn của "người ngoài cuộc" thì mình thấy bản thân có thể làm tốt hơn nữa và đánh giá trên các yếu tố khác như kỹ năng tư duy, kỹ năng xã hội, tổ chức và kiến thức thì mình chỉ đánh giá năng lực làm việc của bản thân ở mức khá thôi. Nhưng mình không sợ sai, luôn học hỏi và tích lũy được kinh nghiệm nên cũng khá tự tin về năng lực làm việc của mình ở các công việc tiếp theo".

le-thi-lan-anh-sinh-vien-hoc-vien-bao-chi-va-tuyen-truyen-1641548034900.jpeg

Lê Thị Lan Anh - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: NVCC).

Để có thể đánh giá khách quan, chân thực về khả năng làm việc của GenZ thì có lẽ những nhà tuyển dụng sẽ là người thấu hiểu điều này rõ nhất.

Co-founder & CEO Chị Bùi Mai Trang của Tổ chức Giáo dục 2204) chia sẻ: "Trong quá trình tuyển dụng, chưa nói về năng lực, Trang nhận thấy các kỹ năng cơ bản của các bạn trẻ còn rất thiếu: từ kỹ năng viết CV cho đến kỹ năng trả lời email của nhà tuyển dụng. Có bạn thì hủy lịch phỏng vấn ngay trước giờ vì những lý do rất trẻ con như tự nhiên đau bụng nên không phỏng vấn được. Vậy là còn chưa kịp xét đến năng lực thì các bạn đã ít có cơ hội được đánh giá cao.

Có 3 yếu tố tạo nên thành công của một người: kỹ năng, thái độ, và kiến thức. Với một người trẻ, đặc biệt các bạn sinh viên mới tốt nghiệp thì kiến thức/năng lực chuyên môn trong công việc khá ít ỏi. Yếu tố kỹ năng và thái độ sẽ được các nhà tuyển dụng chú trọng nhiều hơn".

Trên thực tế, nhiều bạn trẻ cho rằng chỉ cần tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng với bằng Giỏi đã đủ để trở nên giá trị tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này chưa phải là yếu tố thật sự cần thiết và nó được thể hiện rõ trong quá trình tuyển dụng nhân sự làm việc ở những công ty, doanh nghiệp.

gen-z-can-danh-gia-dung-du-ve-nang-luc-cua-ban-thandocx-1641547220122.png

Co-founder & CEO Bùi Mai Trang của Tổ chức Giáo dục 2204 (Ảnh: NVCC).

Xây dựng một hệ tiêu chuẩn đúng

Khi Covid-19 bùng phát, GenZ hoạt động rất nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, chịu sự tác động nhiều hơn của công nghệ, và đặc biệt là có cơ hội học hỏi nhiều hơn, có môi trường mở để thể hiện năng lực của bản thân. Khi đó, các bạn trẻ có cơ sở để tự tin về những gì bản thân đã làm được và đạt được. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự tự tin và "ảo tưởng" rất mong manh, nó cần được kiểm soát bởi tư duy, tầm nhìn và bản lĩnh của mỗi người. Khi kiểm soát được điều này cùng sự nỗ lực học hỏi các bạn trẻ hay chính bản thân mình cũng có thể tự tin về năng lực của bản thân.

Nguyễn Đức Hoàng, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: "Theo mình, hãy thật giỏi và chuyên sâu một thứ, vì cánh cửa mở ra sự thành công chỉ có một ổ khóa mà thôi. Đừng tự mãn hay ảo tưởng về năng lực của mình khi chưa trải qua thực nghiệm. Hãy khiêm tốn, không ngừng học tập, tích lũy kinh nghiệm từ những điều nhỏ nhất để tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp với năng lực của bản thân và không ngừng hoàn thiện mỗi ngày".

generacionz-1641547823372.jpg

Chúng ta đang sống trong "thế giới ảo" với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ và đối tượng tiếp xúc chủ yếu chính là những bạn trẻ (Ảnh: Magisterio).

Nhiều bạn trẻ có cơ hội được tiếp xúc thường xuyên với công nghệ, với môi trường ảo nên rất tự tin về những gì mình đang có và nắm bắt, nhưng khi bắt tay vào thực hiện công việc thực tế thì lại bối rối và mất phương hướng, dẫn đến thất bại và thất vọng.

Co-founder & CEO Bùi Mai Trang của Tổ chức Giáo dục 2204 cho biết: "Các bạn trẻ cần xây dựng cho mình một hệ tiêu chuẩn cao trong cả cuộc sống lẫn công việc. Hầu hết chúng ta có xu hướng làm theo đám đông, dẫn đến các tiêu chuẩn bị thấp dần đi; thậm chí, có nhiều bạn còn không có tiêu chuẩn hoặc không nắm rõ tiêu chuẩn cần thiết gồm những gì.

Để thiết lập các tiêu chuẩn này, các bạn có thể quan sát các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới và nhìn cách các nhân sự cấp cao làm việc. Họ có tác phong như thế nào? Hãy học hỏi họ và thể hiện mình là một người chuyên nghiệp ngay từ bây giờ."

Phương Thảo

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022