Những người bạn đến từ mạng xã hội
Nguyễn Lan Hương (sinh năm 1994) là một cô gái có hoàn cảnh đặc biệt ở xã Đông Hợp (Đông Hưng, Thái Bình). Từ nhỏ, Hương đã kém may mắn hơn các bạn bè đồng trang lứa khi mắc phải căn bệnh bại não, tay chân bị liệt không thể tự di chuyển. Người bạn gắn bó với Hương suốt hơn 20 năm qua là chiếc xe lăn do một nhà hảo tâm tặng.
Hằng ngày, Hương làm bạn với xe lăn trong khi các bạn được vui đùa chạy nhảy, từng hoạt động của Hương luôn cần sự hỗ trợ của mẹ dù là việc nhỏ nhất bởi ngoài nói, nhìn Hương không thể tự làm mọi thứ.
Việc giao tiếp vô cùng khó khăn vì muốn người khác hiểu Hương lại cố gắng gồng mình nói, khi đó các cơ sẽ co quắp lại khiến Hương bị trượt khỏi xe mà ngã. Cô Nhung, mẹ Hương phải cố định Hương bằng cách cột hai tay vào xe, do đó trừ lúc ngồi đọc sách Hương có thể ở một mình thì gần như lúc nào cũng cần có người bên cạnh.
Thế nhưng, việc tiếp cận với mạng xã hội đã giúp cuộc sống của Hương thay đổi rất nhiều, mạnh dạn hơn, bớt tự ti vào bản thân và có ước mơ. Ban đầu, Hương không dám chia sẻ những hình ảnh của mình với mọi người, Hương kể thường dùng những hình ảnh hoạt hình, thiên nhiên làm ảnh đại diện nên chẳng ai biết Hương là ai.
Dần dần, nhờ mạng xã hội và tình yêu đọc sách Hương quen được anh Đỗ Hà Cừ (một người khuyết tật giống Hương, người xây dựng không gian đọc Hy Vọng). Được anh Cừ tư vấn và giúp đỡ giúp Hương tự tin hơn, Hương đã quyết định thành lập không gian đọc dành cho các em nhỏ mang tên Niềm Tin.
Với tên gọi Niềm Tin, Hương hy vọng không gian đọc của mình sẽ góp phần lan tỏa văn hóa đọc tới mọi người, giúp các em nhỏ thêm yêu những cuốn sách, tập thơ. Niềm Tin cũng là động lực giúp cô gái trẻ có thể tự tin giao tiếp với mọi người, lạc quan hơn trong cuộc sống. “Niềm tin” thay cho lời nhắc nhở chỉ cần có niềm tin mọi chuyện đều có thể thực hiện được.
Rộng hơn 20m2 nhưng cứ mỗi thứ 5 và Chủ nhật hàng tuần, không gian đọc lại tấp nập các em nhỏ đến mượn sách. Hoạt động được hơn 2 năm, không gian đọc Niềm Tin đã trở thành “thư viện miễn phí” để các em nhỏ lui tới với hơn 3.000 đầu sách các loại.
Con đường tìm đến con chữ
Tuy khuyết tật, giao tiếp khó khăn nhưng Hương lại rất thích đọc sách. Ít ai biết đường tìm đến con chữ gian nan vô cùng khi Hương không một ngày được đến trường. Hương may mắn được em dạy chữ, vậy là em đi học về dạy chị ở nhà, mẹ cũng là người luôn bên cạnh hỗ trợ từ đó mà biết đọc thành thạo.
Biết đọc lại muốn biết viết vậy mà đôi bàn tay bị hỏng hoàn toàn không thể điều khiển được, Hương phải học viết bằng miệng. Hương không viết trên giấy mà dùng que để chấm lên điện thoại, từ chiếc điện thoại bàn phím nhỏ đến chiếc điện thoại cảm ứng Hương đều có thể viết chữ được.
Nhìn về phía cây bút dành riêng cho những người như mình, Hương giải thích đây là chiếc bút may mắn được nhà hảo tâm tặng cho. Biết đến chiếc bút từ trước nhưng vì chi phí quá đắt nên Hương không mua được. May sao nhờ clip được người bạn đăng lên mạng, một nhà hảo tâm đã quyết định mua tặng Hương.
Ngậm chiếc bút vào miệng, nhanh thoăn thoắt Hương gõ ra những dòng bình luận phản hồi lại từ các bạn trên Facebook, Hương cho biết tùy vào câu ngắn hay dài mà thời gian viết sẽ lâu hay nhanh, trung bình cứ 3 – 5 phút sẽ xong.
Khó khăn nhất là lúc làm sao để ngậm được chiếc bút vào miệng vì bút vô tri, không chịu nằm im mà cứ di chuyển khiến việc ngậm được chiếc bút vào miệng là cả một vấn đề và mất rất nhiều thời gian.
Hương hào hứng chia sẻ được mọi người nhận xét là trả lời nhanh, không ai nghĩ Hương là một người khuyết tật, điều đó làm Hương tự tin hơn rất nhiều. Bằng nghị lực phi thường và khả năng đặc biệt, Hương có thể sử dụng được điện thoại, giao lưu với thế giới bên ngoài, kết nối được nhiều bạn bè.
Viết bằng miệng, mở sách bằng cằm, hành động tưởng khó khăn nhưng với Hương lại là cách để tìm đến cái chữ, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách.
Ngồi trên chiếc xe lăn bị hỏng hai bánh trước, Hương cố gắng nói rõ mong muốn không gian đọc sẽ ngày càng được mở rộng hơn nữa để Hương có thể truyền cảm hứng, tình yêu sách của mình tới mọi người.
Kim Bảo Ngân