nhan-vien-van-phong-kho-cam-thay-binh-thuong-voi-binh-thuong-moidocx-1646631207143.png

Bao giờ "bình thường mới" thực sự trở thành hiện thực vẫn là câu hỏi khiến nhiều nhân viên văn phòng trăn trở (Ảnh: NVCC).

Khối lượng công việc tỷ lệ thuận với số F0

Hầu hết các công ty đã để nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán 2022. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 mới trên khắp cả nước vẫn không ngừng tăng lên khiến Hoàng Châu Tuấn (23 tuổi, nhân viên văn phòng ở TPHCM) cảm thấy lo lắng khi đến công ty.

"Khoảng nửa năm trước, công ty sắp xếp cho nhân viên làm việc online; thời điểm đấy, mọi chuyện có vẻ ổn hơn so với bây giờ phải đến công sở và nghe báo cáo số ca dương tính hàng ngày", Tuấn chia sẻ.

Với đặc thù công việc phải nói nhiều, một số trường hợp F0 không thể tiếp tục công việc nên Châu Tuấn cũng những đồng nghiệp khác phải "gánh" luôn phần việc của người nghỉ ốm. "Khối lượng công việc chia về cho mình rất nhiều, có khi tăng gấp 2-3 lần so với trước kia. Thậm chí có nhiều hôm không phải ca làm nhưng vì vị trí trống do bất ngờ phát hiện dương tính nên mình cũng bị gọi để nhanh chóng thay thế", anh cho hay.

Đã gần một tháng làm việc từ sau Tết nhưng nhân viên ở công ty vẫn chưa thể thích nghi hoàn toàn với điều kiện làm việc này. "Nói là bình thường mới nhưng thực sự rất khó để cảm thấy bình thường với điều kiện làm việc như thế này", Tuấn thở dài.

Áp lực cho toàn thể nhân viên

Với điều kiện làm việc thoải mái hơn, không nhất thiết phải test Covid-19 hàng ngày, nhưng Phạm Thị Như Quỳnh (22 tuổi, nhân viên tiếp thị nội dung ở Hà Nội) vẫn cảm thấy trống trải khi phải ăn trưa một mình thay vì tập trung ăn cùng đồng nghiệp như trước kia.

"Mỗi ngày đến công ty lại có thông báo vài ca F0 ở cùng phòng làm việc, tính đến thời điểm hiện tại có đến 80% nhân sự đã và đang dương tính", Quỳnh cho biết.

Được khuyến khích nghỉ ngơi và chuyển công việc cho người khác nhưng nhiều nhân viên dương tính với SARS-CoV-2 vẫn cố gắng làm việc online. Tuy nhiên, hiệu suất làm việc không thể đạt 100% như bình thường, vì vậy cuối cùng vẫn phải bàn giao công việc cho đồng nghiệp.

Mặc dù khối lượng công việc khổng lồ đang gây áp lực cho cả cấp trên lẫn cấp dưới nhưng toàn thể nhân viên vẫn luôn muốn hỗ trợ nhau hoàn thành công việc để giảm bớt gánh nặng cho người bệnh. "Mình thấy đây là điều nên làm để F0 có thời gian điều trị tốt và nghỉ ngơi tích cực thì sẽ nhanh khỏi và có thể sớm trở lại công ty làm việc trực tiếp", Quỳnh bộc bạch.

Ở công ty Quỳnh làm việc, F0 thực hiện cách ly tại nhà bất kể có làm việc hay không đều được hưởng 100% lương, bên cạnh đó còn được hỗ trợ thêm từ phía công ty. Đối với trường hợp chủ động xin phép làm việc online do vấn đề cá nhân hoặc F1 thì nhận 50% lương.

Covid-19 có được xem như các bệnh thông thường?

Là một F0 đang làm việc online, Chu Quốc Quân (26 tuổi, lập trình viên tại Hà Nội) cho biết, việc mắc Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến công việc, làm việc từ xa cũng không gây ra quá nhiều khó khăn cho anh. "Mình có xin nghỉ 2 hôm do bị sốt, sau đó làm việc online. Vì đã tiêm đủ liều vaccine và các triệu chứng không quá nặng nên làm việc tại nhà lúc ốm so sánh với thời điểm Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 cũng không mấy khác biệt", Quân nói thêm.

nhan-vien-van-phong-kho-cam-thay-binh-thuong-voi-binh-thuong-moidocx-1646631207478.png

Công ty cung cấp hộp thuốc cho mỗi nhân viên như một "món quà sức khỏe" đặc biệt (Ảnh: NVCC).

Theo Quân, mỗi nhân viên của công ty được phát một hộp thuốc cơ bản, công ty cũng thường xuyên chia sẻ các lưu ý về chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, các trường hợp F0 còn được cấp thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu SpO2 và được kết nối với bác sĩ của bệnh viện để có thể tư vấn kịp thời.

"Trong thời kỳ bình thường mới, đa số nhân viên đã được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, công ty mình xem Covid-19 như các bệnh thông thường nên việc xin nghỉ ốm sẽ không được hỗ trợ lương như trước nữa", Quân cho hay.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022