Đam mê và trách nhiệm

Sinh ra ở Tây Bắc, Đức lớn lên trong sự bao bọc của núi rừng hùng vĩ. Từ nhỏ, cậu thường được ông ngoại kể cho nghe về những chuyến công tác của ông. Trong đầu Đức nảy ra hàng loạt câu hỏi: Bên kia đỉnh núi, đằng sau cánh rừng là gì? Hay đường chân trời đến đâu là giới hạn?

“Những suy nghĩ đó cứ thúc giục mình nên đi để biết. Năm 16 tuổi, mình bắt đầu đi hết những ngóc ngách trong tỉnh Sơn La. Hồi đó, mình đi bộ và xe đạp. Thỉnh thoảng, mình lén lái chiếc xe máy của bố để đi xa hơn.

Bố mẹ lo mình bỏ bê việc học nên cấm mình ra khỏi nhà sau giờ học. Nhưng mình vẫn “cột chặt đam mê xê dịch vào chân”, cho đến hôm nay. Mình quan niệm, hãy đi nhiều nơi để học được nhiều điều”, Đức tâm sự.

camhungtrenduongphuot.jpg

Đinh Hoàng Đức trên đỉnh Phan Xi Păng.

Vào đại học, Đức được thỏa sức vùng vẫy trên bầu trời tự do. Vì học xa nhà, ngày nào bố mẹ cũng điện thoại nhắc nhở. Cậu quyết “lấy lòng” bố mẹ bằng cách hoàn thành thật tốt các môn ở giảng đường. Năm thứ hai, Đức thu xếp việc học để thực hiện chuyến đi đầu tiên, chinh phục đỉnh Phan Xi Păng.

Sau 2 ngày 1 đêm, Đức chinh phục thành công “nóc nhà Đông Dương” và được mời về làm “leader” cho công ty du lịch. Để không ảnh hưởng việc học, Đức chỉ đi vào ngày nghỉ hoặc cuối tuần. Cậu còn làm thêm để có tiền chi trả cho những chuyến đi xa.

Mỗi hành trình, Đức phải tự lên kế hoạch. Đức còn trẻ, đam mê và năng lượng có thừa nhưng kinh nghiệm còn ít. Hành trang sơ sài, chủ yếu Đức mang theo quần áo, thuốc, dầu, lều và vài vật phòng thân. Nhiều lần, cậu và nhóm bạn phải “ngủ bờ ngủ bụi”, nhịn đói vì không phải lúc nào hành trình cũng diễn ra như kế hoạch.

Đức kể: “Trong chuyến đi lên thăm xã Săm Pun và Sơn Vĩ (tỉnh Hà Giang), nhóm mình gặp vài trục trặc vì phương tiện hỏng, lạc đường. Trời tối mịt, tụi mình còn cách Săm Pun cả chục cây số đường đèo. Đường thì vắng, nhà ai cũng đóng cửa im lìm. Tụi mình vào một quán tạp hóa nhỏ bên đường, ngồi nghỉ rồi tính tiếp.

Rất may, bọn mình gặp anh người Mông. Nghe xong câu chuyện, anh dẫn bọn mình tới một trường học nghỉ tạm. Nửa đêm, lực lượng biên phòng xuống “xua” bọn mình đi vì đấy là điểm sẽ bỏ phiếu bầu cử. Tụi mình đành cắm lều gần trung tâm xã để nghỉ”.

Với Đức, du lịch “bụi” không chỉ là đam mê mà còn là công việc và trách nhiệm. Mỗi nơi đi qua, Đức cùng các bạn còn tổ chức trao quà, dạy chữ cho trẻ em vùng cao. Đức chia sẻ thêm, công việc của một “leader” đầy áp lực. Mỗi lần trải nghiệm trên những cung đường, Đức được sống hết mình, đi nhiều nơi và học được nhiều kinh nghiệm sống.

Cảm hứng trong những chuyến đi

Với Hoàng Đức, ý nghĩa của những chuyến đi không phải ở những nơi bạn đến, mà là những người bạn gặp. Đức hình dung đất nước qua 3 mảng màu rực rỡ.

“Mỗi con người ở từng vùng đất là gam màu nổi bật. Với mình, nụ cười mang sắc vàng, rạng rỡ và ấm áp. Đi đâu, mình cũng bắt gặp những nụ cười. Mỗi miền mỗi khác. Nụ cười của con gái Huế thì mê đắm và dịu dàng. Nụ cười của bà cụ Tiền Giang đượm tình mà hào sảng. Hoặc nụ cười của ông già Êđê, nhăn nheo và từng trải.

Sắc đỏ từ ngực áo những người trẻ mà mình gặp. Họ có chung đam mê với mình, dám đi và dám trải nghiệm. Điều đó giúp mình có niềm tin vào thế hệ trẻ – thế hệ của chính mình. Và sắc hồng của yêu thương, sẻ chia đùm bọc mà cuộc sống xô bồ đang tìm kiếm. Tất cả tượng trưng cho những gì đẹp nhất mà mình đã thấy, đã trao và đã nhận trên khắp mọi miền Tổ quốc”, Đức bộc bạch.

Đến nay, Đức đã chinh phục các điểm cực Nam, cực Bắc và cực Đông. Mỗi chuyến đi để lại cho Đức rất nhiều bài học.

“Mình muốn du lịch phải có tính trải nghiệm, chứ không đơn thuần là đặt chân đến nơi nào đó. Vì thế, mình thường dẫn tối đa 6 người trong một chuyến đi để đảm bảo tính an toàn. Đồng thời, mọi người có nhiều cơ hội trải nghiệm. Mình thích nhất là vệc tìm hiểu và hòa nhập với văn hóa từng vùng miền.”, Đức kể.

Với tính tình thẳng thắn, nhiệt tình, Đức là chàng “leader” trẻ tuổi tài năng. Đỗ Thị Hiền (thành viên nhóm “phượt”) cho biết: “Mình và Đức đi chung nhiều chuyến. Đức quan tâm và hỗ trợ mọi người trong đoàn rất nhiều. Có lần, bọn mình không mang đủ lều trại. Trời mưa to, mọi người phải ngủ chung trong một lều. Riêng Đức, cậu tìm một khe núi để ngả lưng. Đức là người mang lại cảm hứng cho mình nhiều nhất”.

Theo Huyền Chi

Sinh viên Việt Nam

Tag :, , , , ,

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022