Đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tại Hội thảo bàn về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp.

Hội thảo được diễn ra vào sáng 27/12, do Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao các ý kiến tham luận. Đó là những vấn đề đáng chú ý được các đại biểu đặt ra như: Mối liên hệ giữa tiêu chí nông thôn mới, khu đô thị văn minh với bộ tiêu chí xây dựng xã hội học tập, bổ sung thiết chế giáo dục, điều kiện vật chất để người dân học tốt; Thống nhất tên gọi của bộ tiêu chí đánh giá xây dựng xã hội học tập tại địa phương; Điều chỉnh các các chỉ số đánh giá trong dự thảo bộ tiêu chí.

Các ý kiến cũng đề cập đến vai trò của ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh. Việc thực hiện sẽ cụ thể với tình hình của từng địa phương.

bo-tieu-chi-danh-gia-la-chia-khoa-cho-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-docx-1672132701681.jpeg

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Quang Trường).

"Trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu là chính, Bộ sẽ sử dụng kết quả của hội thảo làm tư liệu để tiếp tục nghiên cứu, phối hợp cùng Hội Khuyến học Việt Nam sớm ban hành Bộ tiêu chí đánh giá việc xây dựng xã hội học tập", ông Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng thông tin, Bộ sẽ điều chỉnh các thông tư 22/2020/TT-BGDĐT và 44/2014/TT-BGDĐT để thống nhất giữa các văn bản ban hành các bộ tiêu chí.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định, giáo dục và đào tạo toàn diện, trong đó có công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

GS.TS Nguyễn Thị Doan báo cáo đề dẫn Hội thảo (Ảnh: Quang Trường).

Cụ thể, Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư đã đề cập đậm nét đến vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, đảng viên, trước hết là người đứng đầu với khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Triển khai Kết luận trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 489/QĐ-TTg nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội,…và nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với tổ chức Đảng trong triển khai Kết luận 49-KL/TW và vai trò của các trường đại học trong xây dựng xã hội học tập.

Ngày 30/7/2021, Chính phủ phê duyệt đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" đã cụ thể hóa Quyết định trên.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng và đang thực hiện thí điểm 2 mô hình Huyện học tập và Tỉnh học tập ở 8 tỉnh, thành và ban hành thông tư về tiêu chí đánh giá mô hình Đơn vị học tập.

Quyết định số 1373/QĐ-TTg đã nêu, muốn xây dựng mô hình học tập cần có 40% công dân đạt danh hiệu Công dân học tập; 25% huyện, quận, thị xã được công nhận là Huyện học tập; 15% tỉnh được công nhận là Tỉnh học tập.

Các đại biểu tham luận, tập trung làm rõ các vấn đề về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp (Ảnh: Quang Trường).

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, vấn đề đặt ra là nội dung của xã hội học tập có liên quan gì đến các chỉ số Công dân học tập, Gia đình học tập, Đơn vị học tập và Cộng đồng học tập mà Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam đang được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện.

Mối quan hệ giữa các tiêu chí trong mô hình Đơn vị học tập, Huyện học tập và Tỉnh học tập với các mô hình mà Hội đang triển khai cùng Bộ GD&ĐT là gì? Một số vấn đề cần bàn để thống nhất, giúp sớm ban hành được bộ tiêu chí đánh giá về việc xây dựng xã hội học tập theo yêu cầu của Thủ tướng chính phủ.

"Nếu chưa có bộ tiêu chí này thì chưa thể đánh giá được địa phương nào thực hiện tốt, địa phương nào chưa thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập. Vì vậy, cần thiết phải có cuộc hội thảo hôm nay", GS.TS Nguyễn Thị Doan khẳng định.

Nhận thức được tầm quan trọng của bộ công cụ quản lý, đánh giá hiệu quả việc xây dựng xã hội học tập, căn cứ vào yêu cầu thực tế và những nhiệm vụ, điều kiện được đặt ra, Thường trực Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã thảo luận và xây dựng Dự thảo "Tiêu chí đánh giá mô hình xã hội học tập cấp xã, huyện, tỉnh" giai đoạn 2022 - 2030.

Bộ tiêu chí bao gồm 3 nội dung cơ bản: Điều kiện để xây dựng mô hình xã hội học tập trên địa bàn hành chính; Kết quả học tập của nhân dân trên địa bàn thông qua việc thực hiện các chỉ tiêu được quy định cụ thể trong Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Hiệu quả, tác dụng của việc học tập của công dân trên địa bàn đối với sự phát triển kinh tế, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và văn hóa, môi trường ở địa phương.

Báo cáo tổng quan tại Hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, khoảng 70% các tham luận tập trung đề xuất bộ tiêu chí phải thật cụ thể, chi tiết.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, vai trò của Hội Khuyến học các cấp trong việc xây dựng tốt mô hình Công dân học tập là những viên gạch để xây dựng Xã hội học tập (Ảnh: Quang Trường).

"Dựa vào bộ tiêu chí đánh giá, các địa bàn hành chính các cấp sẽ có sự thống nhất tiến độ thực hiện, đặt ra mục tiêu cần đạt trong từng giai đoạn, từ đó bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, bộ tiêu chí này cũng là công cụ đánh giá việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp từng giai đoạn", GS.TS Phạm Tất Dong cho biết.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, rào cản lớn nhất của xây dựng xã hội học tập là nhận thức về tính cấp bách cần phải học tập của người lao động, với tư cách là nguồn nhân lực. Chìa khóa mở ra vẫn là học tập suốt đời để có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó tạo nên khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước cũng như từng địa phương trong giai đoạn sắp tới.

Tin mới

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022