Anh Đình Lực là người sáng lập phương pháp học tiếng Anh tư duy Linearthinking được công nhận bởi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Cú sốc môn tiếng Anh của cậu bé phố núi

Xuất thân trong gia đình hiếu học nên điểm số của Đình Lực luôn nằm trong tốp đầu của trường, lớp khi còn ở Gia Lai.

Thử thách đến lúc anh chuyển tới TPHCM trọ học sau khi trúng tuyển vào lớp chuyên toán của Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM).

hinh-lam-viec-4-1669778397030.jpg

Anh Lê Đình Lực rất tâm huyết với phương pháp học tiếng Anh do mình sáng tạo (Ảnh: Mink).

Thử thách đầu tiên là điều kiện sống quá khác biệt. "Tôi còn nhớ cảm giác ngột ngạt khi phải chen chúc cùng người khác ở trong căn phòng trọ rộng 8m2. Khi còn ở quê thì không gian rộng rãi hơn nhiều. Mức sống thành phố lớn đắt đỏ đến mức phần cơm hộp chỉ có hai cọng rau", anh bật cười nhớ lại.

Chàng trai phố núi lúc ấy thật sự sốc khi thấy bạn bè trong lớp chuyên toán nhưng tiếng Anh lại vô cùng "sang xịn mịn", có bạn đã lấy IELTS 8.0 từ lớp 10.

"Ở tỉnh lẻ tôi học tiếng Anh cũng thuộc hàng khá vậy mà về TPHCM tôi đọc bài kiểm tra không hiểu gì, đỉnh điểm là thi học kỳ đầu tiên chỉ được 3 điểm. Tôi hoảng loạn vì sợ mất danh hiệu học sinh khá giỏi", Đình Lực nhớ lại.

Sốc và sợ, anh Lực dồn sức học tiếng Anh ngày đêm để theo kịp với bạn bè. Thay vì một ngày giải toán 14 tiếng như trước, anh giành phân nửa thời gian đó cho môn tiếng Anh.

Đình Lực phải mày mò tự học tiếng Anh rất nhiều, có lúc đeo tai nghe thâu đêm để học đến nỗi tai đau, đầu nhức nhưng vẫn cặm cụi học. Càng thử thách anh càng quyết tâm phải chinh phục nỗi sợ trên.

"Cái khó ló cái khôn", dân chuyên toán vốn có tư duy sâu và nhanh nhạy nên anh phát hiện được sự giao thoa giữa môn toán và tiếng Anh.

"Bắt mạch" được cách học tiếng Anh bằng tư duy logic của môn Toán, anh nhanh chóng chinh phục được môn học trên.

"Từ người mất gốc môn tiếng Anh, tôi chóng đạt IELTS 7.5, SAT 2.100/2.400 trước khi tốt nghiệp cấp ba", anh chia sẻ.

Anh Lực (đứng) đang thảo luận công việc với các đồng nghiệp (Ảnh: Mink).

Sáng tạo nên phương pháp học tiếng Anh

Sau khi tốt nghiệp cùng lúc hai bằng tại ĐH Kinh tế TPHCM, anh Lực tiếp tục lấy bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại một trường đại học Úc. Theo kế hoạch, anh sẽ học lên tiến sĩ rồi quay về quê nhà để làm công chức.

Thế nhưng, trong quá trình mở lớp dạy kèm tiếng Anh để kiếm thêm thu nhập thời sinh viên, Đình Lực nhận ra các học viên rất thích phương pháp giảng dạy tiếng Anh Linearthinking do anh nghiên cứu phát triển.

Nhờ đó, lớp học "cây nhà lá vườn", mở tạm bợ tại một chung cư của anh chỉ được truyền miệng mà luôn kín học viên.

"Nhìn thấy niềm vui học tập và kết quả tích cực mà các học viên đạt được khiến tôi rất hạnh phúc, suy nghĩ lại hướng đi của mình. Tôi quyết định bỏ ngang chương trình tiến sĩ và tập trung nghiên cứu, phát triển phương pháp để người Việt học tiếng Anh hiệu quả hơn nhờ tư duy toán. Và tôi dồn sức để phát triển ứng dụng công nghệ", anh nói về lý do sáng lập một học viện tiếng Anh tư duy.

Các giảng viên của học viện chia sẻ về phương pháp Linearthinking tại ĐH Y dược TP.HCM vào tháng 11/2022. (Ảnh: Mink).

Từ những ấp ủ về cách truyền đạt, phương pháp Linearthinking của anh dần hoàn thiện và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng công nhận sau hai năm xét duyệt.

Những lý thuyết toán học như rút gọn phân số, phép toán vector, phép tính lũy thừa… là tiền đề cho sự logic của phương pháp.

"Phương pháp này có thể ứng dụng để giải quyết 3 vấn đề cố hữu khi học tiếng Anh của người Việt như tư duy chung chung, đọc dịch từng cụm rồi ghép lại thành câu, giữ thói quen dùng trong nói, viết tiếng Việt (như ghép các từ có nghĩa thành câu) để sử dụng sang tiếng Anh. Phương pháp này dạy hiệu quả ở hầu hết các kỳ thi quốc tế như IELTS, SAT và thậm chí áp dụng được cả ở ngoại ngữ khác", anh nói.

Nhờ hiệu quả cao, phương pháp Linearthinking của anh và các cộng sự dần tạo được tiếng vang và được mời đến chia sẻ cho giảng viên, sinh viên ở các trường ĐH hàng đầu tại TPHCM như ĐH Y - Dược TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, khoa Anh ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), khoa Anh ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM)…

Học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TPHCM) hào hứng chụp hình lưu niệm cùng đại diện học viện của Đình Lực trong chương trình giao lưu đầu năm học 2022-2023. (Ảnh: Mink).

Thời gian qua, bên cạnh đầu tư việc dạy mô hình kết hợp trực tiếp và trực tuyến (hình thức hybrid), anh và các cộng sự còn tập trung biên soạn một cuốn từ điển Việt - Anh trực tuyến với khoảng 30.000 từ. Anh cho biết tiếng Việt rất phong phú, nhưng rất nhiều từ điển Việt - Anh đang dịch chưa đủ và ít cập nhật "hơi thở" cuộc sống.

"Ví dụ những từ như: phở tái, trứng chần, ô dề… chẳng hạn, chúng tôi đều tìm hiểu và cho dịch ra từ gần nghĩa nhất", Đình Lực cho biết.

Nhờ nghị lực vươn lên đáng kể và câu chuyện truyền cảm hứng, Đình Lực sau đó kéo được nhiều bạn trẻ giỏi đồng hành cùng "con thuyền" giáo dục của mình. Có thể kể đến bạn Hà Đặng Như Quỳnh (tốt nghiệp á khoa ngành sư phạm Anh - ĐH Sư phạm TP.HCM, IELTS 8.5/9, khách mời VTV7…), Trần Anh Khoa (giải ba học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh và được tuyển thẳng ĐH, tốt nghiệp á khoa khoa tiếng Anh Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM)…

Anh thậm chí thuyết phục thành công thạc sĩ Phạm Huy Hùng (tốt nghiệp đại học lẫn cao học loại ưu với học bổng toàn phần tại ĐH Texas A&M (Mỹ), từng được Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP.HCM mời đào tạo…) rời công việc lương cao Mỹ về nước làm việc cùng mình.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022