Chị Điệp (37 tuổi, Thái Bình) mới đây đã gặp phải một tình huống dở khóc dở cười trong những ngày đầu xuân năm mới. Chuyện là mùng 2 Tết, gia đình chị đi chúc Tết người chị họ hàng bên nội. Mọi năm, kinh tế khá giả nên chị thường mừng tuổi các cháu 100 - 200 nghìn đồng. Tuy nhiên năm nay, công việc bị ảnh hưởng, điều kiện kinh tế không được tốt nên chị chỉ mừng các cháu nội ngoại 50 nghìn.
Người cháu bên nội vì nhỏ tuổi, vô tư nên đã khiến cho vợ chồng chị Điệp và vợ chồng chị họ bị một phen ngượng ngùng. Chuyện là sau khi nhận phong bì lì xì, đứa cháu vui vẻ cảm ơn rồi chạy lên phòng, nhưng lúc sau cháu chạy ra ngơ ngác hỏi: "Ơ cô mừng thiếu à? Sao mừng tuổi có mỗi 50 nghìn, mọi năm 100 nghìn cơ mà".
Khi mọi người đang cười gượng gạo thì chồng chị Điệp nhanh trí rút thêm một phòng bao lì xì ra bảo: "100 chứ, cô với chú là một nhà, nên 50 lại còn tất nhiên phải là chú mừng chứ".
Ảnh minh họa
Thực tế, chuyện ngại ngùng mà chị Điệp gặp phải cũng là tình huống phổ biến mà rất nhiều người gặp phải mỗi mùa Tết đến xuân về. Trẻ nhỏ vì chưa hiểu hết ý nghĩa tốt đẹp của phong tục lì xì nên nhiều khi có hành động so đo, chê bai khi giá trị phong bao ít, hoặc nhiều em vô tư mở phong bao trước mặt khách,... Những hành động xấu này chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu, khiến năm mới bớt vui.
Đầu tiên, cha mẹ nhớ dạy con về ý nghĩa tốt đẹp của tục lì xì, để con biết trân trọng mỗi phong bao nhận được. Lì xì là phong tục tốt đẹp, thứ quan trọng nhất là tấm lòng của người lớn, không phải số tiền ít/nhiều bên trong.
Để con không vô tư bóc phong bao trước mặt khách, cha mẹ có thể dặn con là những đồng tiền này dùng để xua đuổi quỷ dữ khi con ngủ. Vì thế, con tuyệt đối không được xé bọc lì xì ra. Con có thể gửi mẹ cầm giúp hoặc cha mẹ chuẩn bị cho con một chiếc túi nhỏ để đựng phong bao lì xì. Khi đi chúc Tết xong và trở về nhà, con cần cho tất cả những phong bao đó vào trong một chiếc túi và đặt dưới gối ngủ của con.