Hàng xóm của tôi, người đã đi du học 8 năm, từng chia sẻ rằng: "Đi du học nước ngoài khoảng 8 năm, đủ các loại học phí, sinh hoạt phí, phí câu lạc bộ cộng lại cũng lên đến vài tỷ đồng, không biết khi nào mới có thể kiếm lại số tiền này?".
Đây có lẽ không phải là trường hợp cá biệt, nó dường như là một triết lý sống mà hầu hết các du học sinh đều đã từng nghĩ đến!
Xét cho cùng, với hầu hết các gia đình, du học chưa bao giờ là "rẻ"!
Là người sắp tốt nghiệp từ nước ngoài trở về, hoặc là người đã đi làm, bạn đã từng cân nhắc xem sẽ mất bao lâu để thu lại khoản đầu tư mà cha mẹ bạn đã bỏ ra cho việc học của mình chưa? Câu hỏi này cũng đã trở thành một chủ đề được nhiều người thảo luận.
01.
30 tuổi, đã tiêu tốn khoảng 3 triệu tệ (khoảng 9 tỷ đồng) mà vẫn không đạt được gì
Hàng xóm của tôi có thành tích học tập vô cùng xuất sắc, chuẩn "con nhà người ta" trong truyền thuyết. Bắt đầu học từ vựng IELTS khi học cấp 2. Năm 16 tuổi, cô ấy sang Mỹ một mình để học cấp 3. Sau những nỗ lực không ngừng, cô ấy trúng tuyển vào trường Đại học danh tiếng, chỉ mất 3 năm để hoàn thành 4 năm học đại học, sau đó học tiếp lên thạc sĩ.
Sau 8 năm học tập và trở về, cô ấy gặp đúng giai đoạn dịch bệnh, tìm việc khó khăn, cuối cùng làm giám sát vận hành trong một công ty thương mại điện tử xuyên biên giới đã niêm yết với mức lương hàng tháng là 48 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong 8 năm qua, học phí và các khoản phí linh tinh khác của cô ấy đã tiêu tốn khoản tiết kiệm khoảng 9 tỷ đồng của gia đình.
Dù có sự chênh lệch rất lớn giữa mức lương tháng 48 triệu và 9 tỷ đầu tư cho học hành nhưng cô ấy vẫn tin rằng ông trời sẽ thưởng cho sự chăm chỉ, nhất định sau này sẽ được thăng chức, tăng lương...
Nhưng không lâu sau, cô ấy yêu đương, lấy chồng và sinh con. Sau 2 năm nghỉ ở nhà, cô ấy quay trở lại nơi làm việc. Nhưng thu nhập vẫn không khá hơn là mấy.
Vậy nên…
Tính tới cuối năm ngoái, tình hình công việc vẫn chưa khá hơn, cô ấy than thở cuộc đời thăng trầm, than thở rằng có thể cả đời này cũng không kiếm lại được khoản đầu tư học hành của cha mẹ…
Tiêu hết số tiền dành dụm cả đời của cha mẹ, sau cùng vẫn là một người làm công ăn lương bình thường. Chỉ bằng cách dùng hết sức để chạy mới có thể miễn cưỡng không bị dậm chân tại chỗ, cái giá này thật sự đáng sao?
Tại sao những sinh viên đạt thành tích cao của nhóm trường đại học hàng đầu, những người được đầu tư rất nhiều tiền cho việc học, lại có một cuộc sống không khác gì những người bình thường như chúng ta?
Không thể phủ nhận rằng thời gian đi làm hay kinh nghiệm làm việc là một sự tồn tại có ảnh hưởng lớn hơn cái gọi là năng lực.
Thông thường mà nói, một người không được gia đình đầu tư nhiều như vậy cho việc học, sau khi tốt nghiệp đại học, chúng sẽ vào làm tại một doanh nghiệp nhà nước hoặc một cơ quan nào đó, làm việc hơn 10 năm và sống đến gần 40 tuổi, nếu giỏi sẽ lên được quản lý hay giám sát viên.
Công việc hàng ngày là vừa uống trà, đọc báo, vừa dặn thư ký sắp xếp "du lịch công tác" cho mình, vừa căn dặn các thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ mới vào nghề: "Tuổi trẻ, trước hết hãy làm người, sau đó mới làm nên được việc".
Bạn đã từng gặp những trường hợp như vậy chưa?
Vậy nếu bạn tốt nghiệp từ trường danh tiếng thì sao? Bạn vẫn là một người đi làm, cạnh tranh với hàng ngàn người bình thường. Tập thể cần khả năng chấp hành của bạn, các vị trí được trả lương cao hoặc yêu cầu bạn phải có những kỹ năng cực kì nổi trội hoặc có quen biết ai đó.
Đó vốn là thực trạng chung của xã hội.
Một cuộc khảo sát dữ liệu lớn khác cho thấy sau khi trở về Trung Quốc làm việc, gần 1/3 du học sinh ở quốc gia này cần phải làm việc hơn 5 năm để thu hồi chi phí đầu tư cho việc học của mình.
Mặc dù hầu hết trong số họ sẽ không thể kiếm lại khoản đầu tư của cha mẹ chi cho việc học của mình trong tương lai gần và gần 80% mức lương lần đầu tiên của những người trở về thấp hơn so với kỳ vọng thực tế của họ, nhưng mức lương của những người đi du học trở về sau 3 năm vẫn vượt xa những người bình thường. Tại Việt Nam, hiện trạng này cũng tương tự.
9 tỷ có thể là một số tiền vượt quá tầm với của một gia đình, du học đắt đỏ như vậy, tại sao chúng ta đổ xô cho con đi? Bỏ qua những người đam mê nghiên cứu học thuật, hầu hết các bậc cha mẹ theo đuổi đầu tư cho giáo dục chỉ đơn giản muốn con mình bước vào môi trường làm việc với khả năng cạnh tranh cao hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng sẽ là không khôn ngoan nếu coi giáo dục là một khoản đầu tư thương mại.
Tại sao cha mẹ nào cũng muốn cho con mình được hưởng nền giáo dục tốt nhất? Du học là một sự lựa chọn, không có xứng đáng hay không, chỉ là có sẵn sàng hay không mà thôi. Và cuộc sống của chúng ta là trải nghiệm, du học có ảnh hưởng lớn tới trải nghiệm và cải thiện tầm nhìn của một người, đây là thứ khó có thể định lượng được bằng tiền.
Lý do ngày càng có nhiều bậc cha mẹ gửi con cái của họ ra nước ngoài để học là để chúng hiểu một sự thật - lợi ích không phải là thứ lập tức có lại được. Đầu tư cho giáo dục giống như móng của một tòa nhà, để xây dựng một tòa nhà chọc trời, thứ đắt giá nhất không phải là những viên ngói sặc sỡ bên ngoài tòa nhà, mà là nền móng.
Vì vậy, khoản đầu tư 9 tỷ trong 8 năm chẳng qua là việc xây dựng nền móng. Tiếp theo, cô ấy sẽ cần 10 hoặc 20 năm để hoàn thành tòa nhà của cuộc đời mình! Dẫu sao thì các tòa nhà cao tầng nào cũng luôn được xây lên từ mặt đất.
Rất nhiều người trong chúng ta có lẽ đã đều quen thuộc với các tòa nhà chưa hoàn thành, dù nền móng có được đặt tốt đến đâu, nhưng nếu "chuỗi vốn" bị phá vỡ, thứ còn lại sẽ chỉ là một đống đổ nát.
Khoa học và công nghệ không ngừng tiến bộ, thời đại không ngừng phát triển, những kiến thức bạn học hiện tại có khả năng sẽ trở nên lỗi thời trong tương lai, chỉ khi luôn giữ cho mình tâm lý đổi mới, tiến bộ và làm việc chăm chỉ, bạn mới có thể trụ vững ở vị trí hiện tại. Nghe có vẻ trần trụi, nhưng đó là sự thật.
Tin vào chính mình, tương lai hoàn toàn đáng mong chờ!