Huyền thoại bóng rổ Michael Jordan từng tâm sự: "Trong sự nghiệp của mình, tôi đã ném hỏng hơn 9.000 lần, để thua hơn 300 trận đấu, đã từng thua 26 trận đấu cực kỳ quan trọng mà mọi người đã tin tưởng giao trọng trách cho tôi. Tôi đã trải qua hết thất bại này đến thất bại khác, nhưng đó mới là nguyên nhân giúp tôi thành công".

Con người ta khi đối diện và va vấp với nghịch cảnh sẽ có những kết quả khác nhau. Trong cuốn sách "Dạy con không sợ thất bại", tác giả chỉ ra 4 kiểu người: Kiểu người thứ nhất: Rối loạn chức năng, giống như việc phát sinh những hành vi xấu ở thanh thiếu niên. Kiểu người thứ hai: Cảm giác bản thân không còn giá trị, trở nên tự ti, tự phủ nhận bản thân, dẫn đến mất năng lực. Kiểu thứ ba: Có thể tìm lại được cân bằng, bước vào trạng thái ổn định mới. Kiểu thứ tư: Thông qua nghịch cảnh để tạo ra khả năng khắc phục nghịch cảnh.

photo-1-1716284060833195790555.jpeg

Ảnh minh họa

Khả năng vượt qua nghịch cảnh giống như một kho báu tiềm ẩn. Cha mẹ vì thế không nên bao bọc con quá mức. Ngược lại, cần "tàn nhẫn" đúng cách, cho phép con thất bại để con biết cách đứng trên đôi chân mình và vượt nhiều thử thách trong cuộc sống; để bồi dưỡng và phát triển các nhân tố vượt qua nghịch cảnh của con. Khi có áp lực từ ngoại cảnh, nếu một người đủ các nhân tố bảo vệ sẽ khởi động và kích thích khả năng vượt qua nghịch cảnh.

Cha mẹ sẵn sàng cho con chịu thất bại, tương lai con rất triển vọng

Có một số trẻ từ nhỏ đã không nếm trải chút khổ cực nào, luôn sống trong sự chăm sóc yêu thương của gia đình, học hành không xuất sắc nổi trội, cũng không có tài năng đặc biệt nào, nhưng khi bước ra ngoài xã hội, gặp phải nghịch cảnh khó khăn lại rất dẻo dai, bền bỉ.

Một số trẻ khác từ nhỏ đã sống và trưởng thành trong môi trường quản lý nghiêm khắc và chặt chẽ, hạnh kiểm và thành tích học tập đều tốt, luôn được nhà trường thầy cô giáo ngợi khen. Nhưng khi bước ra xã hội, gặp phải khó khăn nghịch cảnh thì trở nên rối bời, thậm chí trượt dốc không phanh.

Chúng ta thường lo lắng về việc học hành của con cái, gửi chúng đến các lớp học thêm, năng khiếu với mong muốn con giành chiến thắng ngay từ vạch xuất phát. Nhưng cuộc đời của một đứa trẻ không phải là một cuộc chạy nước rút 100 mét, mà là một hành trình dài với nhiều thăng trầm không biết trước, nhất định sẽ có những trở ngại và thất bại chờ đợi trẻ trên đường đi. Chỉ những đứa trẻ chịu được nhiều thử thách mới có thể giành được thành công thực sự.

Thất bại không phải là điều tồi tệ. Con người ta khi thành công không học được điều gì, sẽ quên ngay nhưng khi gặp thấp bại họ lại nghiền ngẫm nó và từ đó rút ra được những bài học từ chính thất bại của mình. Từ đó, giúp trẻ có cái nhìn tích cực hơn.

Bố mẹ cần tỏ bình tĩnh trước thất bại của con, không nên quát mắng hay đánh đập trẻ mà trước hết cần chăm chú lắng nghe tâm sự của con. Sau đó cùng trẻ phân tích điều kiện khách quan, chủ quan, dưới nhiều góc độ để trẻ có thể biết được thất bại của mình là do đâu: "Có thể con chưa cố gắng", "Có thể con hơi chủ quan", "Bố (mẹ) biết nếu đặt trong tình huống khác con sẽ làm tốt hơn"...

Cha mẹ nên thực hành phương pháp nuôi dưỡng tình yêu thương với con cái. Trong đó các bậc cha mẹ cung cấp sự hỗ trợ về mặt tình cảm, khích lệ trẻ mạnh dạn dấn thân và chấp nhận thất bại như một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Việc áp dụng các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thực hành thiền, yoga hoặc các bài tập thở để giúp trẻ giảm mức độ căng thẳng và tập trung vào hiện tại, từ đó xây dựng nền tảng tâm lý vững chắc để đối diện với áp lực, cũng vô cùng cần thiết.

Hơn nữa, việc thiết lập một lối sống cân bằng bằng cách khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, tương tác xã hội và thời gian nghỉ ngơi hợp lý cũng không kém phần quan trọng trong việc giúp trẻ học cách quản lý áp lực.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022