Ben Hoàng Nguyễn, 30 tuổi sinh ra ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, đang là giáo viên môn Tự động hóa, Công nghệ sản xuất và Robotics tại trường Trung học Sunrise Mountain ở thành phố Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. Hôm 19/12, Ben được vinh danh tại cuộc thi "Thử thách ý tưởng lớn: Đổi mới sáng tạo giáo dục" tại bang Nevada do Quỹ Giáo dục Andre Agassi và Quỹ Engelstad tổ chức.

Ben nhận giải thưởng trị giá 200.000 USD (khoảng 5 tỷ đồng) để phát triển sáng kiến xây dựng nền tảng online giúp kết nối người dùng, trong đó chú trọng người trẻ, với các nhà tuyển dụng tại địa phương. Ben nảy ra ý tưởng này vào năm 2017 sau khi nhận thấy nhiều sinh viên phải vật lộn để tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, mục tiêu của Ben còn là kết nối việc đào tạo và cố vấn việc làm cho người dân Nevada.

Đây là giải thưởng thứ hai về giáo dục mà Ben Hoàng Nguyễn nhận được trong chưa đầy 10 năm là giáo viên ở Sunrise Mountain. Tháng 10/2019, anh đã được trao giải thưởng Milken Educator Awards kèm số tiền 25.000 USD (hơn 600 triệu đồng). Đây là giải thưởng giáo dục uy tín được trao cho 40 giáo viên trên toàn nước Mỹ, ghi nhận sự tận tụy, xuất sắc và cảm hứng khoa học họ đã truyền cho học sinh.

FkhgdJYXEAs-OTj-2671-1674717699.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AojKT3TWA3jYFkDG0GkYiA

Ben Nguyen nhận giải thưởng "Thử thách ý tưởng lớn: Đổi mới sáng tạo giáo dục" của Quỹ Giáo dục Andre Agassi và Quỹ Engelstad tại bang Nevada, hôm 19/12. Ảnh: Bigideachallenge

Ben ban đầu tính theo đuổi ngành Y khoa theo mong muốn của gia đình. "Để vào được ngành Y khoa ở Mỹ, trước đó bạn phải tham gia rất nhiều khóa học khác nhau. Tôi đã học khoảng 8 lớp, làm rất nhiều dự án ở trong và ngoài nước", Ben nhớ lại. Ben lấy bằng cử nhân Nhân chủng học, Giáo dục và Phát triển con người tại Dartmouth College - ngôi trường thuộc nhóm Ivy League gồm 8 đại học danh giá nhất nước Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp, Ben làm việc cho tổ chức Teach For America (TFA - tổ chức phi lợi nhuận, chiêu mộ những sinh viên tốt nghiệp từ đại học hàng đầu đến dạy ở những trường học khó khăn của nước Mỹ). Thời điểm đó, TFA hợp tác cùng Đại học Nevada Las Vegas cung cấp khóa học Thạc sĩ về Khoa học và Giảng dạy với học phí rẻ, khoảng 1.000 USD (25 triệu đồng). Chớp lấy cơ hội, Ben ứng tuyển, vừa học vừa làm việc tại một công ty công nghệ ở địa phương. "Mặc dù tôi học về con người nhưng tôi cũng rất thích khoa học. Với tôi, việc học không bao giờ dừng lại và TFA đã khiến tôi hiểu về việc học tập suốt đời", Ben nói.

Cũng thông qua TFA, năm 2014, Ben ứng tuyển vào Sunrise Mountain tại Las Vegas để dạy STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) cho học sinh từ lớp 9 tới lớp 12. Theo tờ Thenevadaindependent, đây là trường trung học có thành tích thấp nhất ở Nevada. "Ở Mỹ rất thiếu giáo viên. Bạn có bằng cử nhân và vượt qua các bài kiểm tra là có thể trở thành giáo viên. Thêm vào đó, giáo viên STEM giảng dạy tất cả những gì liên quan đến khoa học, không chỉ Toán, Lý, Hóa", chàng trai gốc Huế chia sẻ.

Ban đầu, Ben dạy môn Vật lý ở ba cấp độ khác nhau, từ Regular (thường), Honor (chất lượng cao) và Advanced (nâng cao). Nhận thấy việc truyền đạt lý thuyết suông khiến học sinh không có cách nào áp dụng những khái niệm mà họ đang học, Ben bắt tay vào việc đưa công nghệ vào các tiết học trên lớp như giảng giải về cánh tay robot và máy CNC (máy cắt được điều khiển bằng máy tính), đồng thời mở một câu lạc bộ Robotics. "99% học sinh của tôi đến từ gia đình nghèo, chủ yếu là người da màu, da đen. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để truyền đạt cho học sinh tri thức về công nghệ cao, sản xuất, kỹ thuật ở trên đại học. Các em có thể trở thành kỹ sư, thợ máy hay làm bất kỳ công việc gì mà các em yêu thích", Ben nhớ lại, cho rằng bằng cách này, học sinh sẽ áp dụng Vật lý chứ không còn là học Vật lý, từ đó giúp giải quyết vấn đề thực tế thay vì giải bài tập trên giấy.

Với môn Toán, học sinh có trình độ chênh lệch rõ ràng hơn. Theo Ben, để giúp học sinh có trình độ đồng đều ở môn học này là một thử thách lớn. Nam giáo viên đã dành thời gian để bổ túc thêm và dạy các học sinh cách ứng dụng vào các dự án. Sau 3 tháng, học sinh đã bầu chọn anh là giáo viên của tháng. Ben ấn tượng về một nam sinh có điểm trung bình 2.5/4, thích công nghệ nhưng gặp khó khăn trong môn Toán và không thấy con đường sáng sủa sau khi tốt nghiệp. Với sự hỗ trợ của Ben, nam sinh này sau đó ra trường với điểm trung bình 3.1/4 và năm ngoái đã tốt nghiệp Kỹ sư máy móc tại Đại học Nevada ở Las Vegas. "Nếu bạn thực sự có một lớp học tuyệt vời hoặc một trải nghiệm tuyệt vời sau giờ học, nếu bạn dẫn dắt học sinh của mình đi đúng hướng, nếu bạn tin tưởng họ, thì những năm tới, họ sẽ chứng minh rằng bạn không chỉ không sai mà còn thực sự gây ấn tượng", Ben nhớ lại. Với Ben, điều quan trọng với một giáo viên là thể hiện được mình giúp được gì cho người khác, chứ không nằm ở bằng cấp từ một trường đại học nổi tiếng.

Ngoài việc giảng dạy tại trường, Ben và học sinh tham gia LVL UP Expo - một sự kiện về trò chơi điện tử và phim hoạt hình, hay InterDrone và Commercial UAV Expo - nơi trưng bày công nghệ máy bay không người lái. Hàng năm, Ben hướng dẫn học sinh tham gia tranh tài tại nhiều cuộc thi về Robotics như VEX Robotics (loại robot được sử dụng phổ biến nhất trong trường học Mỹ và trên thế giới), First Robotics Competition (FRC) - thử thách máy bay không người lái để các em tiếp xúc nhiều với công nghệ.

Vì học sinh đa phần đến từ gia đình nghèo, việc có đủ kinh phí chế tạo robot đem đi thi, theo Ben là cực kỳ khó khăn. "Tôi đã cùng học sinh xây dựng ý tưởng và làm hồ sơ xin tài trợ từ các công ty công nghệ lớn như Tesla, Nasa, Samsung. May mắn, dự án của học sinh đã được thông qua và có đủ kinh phí để chế tạo robot hoàn chỉnh", Ben chia sẻ, cho biết thành tích tốt nhất của đội thi Robotics của trường là vào đến vòng Bán kết của cuộc thi FRC năm 2016. Khi đó, đề bài yêu cầu học sinh chế tạo robot khoảng 60 kg để thi một môn thể thao có tên First Stronghold. Tại đây, học sinh của Ben có cơ hội thi đấu với một trong những đội robotics mạnh nhất nước Mỹ. Theo Ben, khi tham gia một cuộc thi, học sinh sẽ có mục tiêu cụ thể, từ đó có động lực học tập và phát triển bản thân tốt hơn.

Nam giáo viên gốc Việt cũng hỗ trợ học sinh làm hồ sơ để ứng tuyển vào đại học hoặc những công việc mong muốn. Nhiều học sinh của Ben sau khi ra trường đã tham gia nghiên cứu sản xuất, tự động hóa và khoa học máy tính, một số ít hiện là lao động lành nghề tại Tesla. Ben nói trong 5 năm giảng dạy ở trường, anh được ghi nhận vì góp phần giúp tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh tăng từ 34% lên 93%.

Ben từng quay lại Việt Nam dạy trẻ em mồ côi ở Huế cách đây 7 năm. "Chỉ khoảng hai tháng, tôi dạy các em về Toán học, Vật lý và nhận thấy học sinh Việt Nam thường học tập rất nghiêm túc và xem trọng việc học, tập trung vào bài giảng và tiếp thu tốt", Ben chia sẻ. Thầy giáo gốc Việt cho rằng, giáo dục STEM chắc chắn sẽ phát triển vì công nghệ đã ăn sâu vào cuộc sống của con người. "Tôi tin rằng STEM sẽ là lĩnh vực mở ra nhiều cơ hội cho học sinh trong tương lai", Ben nói.

Doãn Hùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022