Thầy Đỗ Cao Sang, tác giả hai cuốn sách, là thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Mỹ, có kinh nghiệm từng nhiều năm giảng dạy tiếng Anh tại Học viện Khoa học Quân sự, đồng thời là một diễn giả về giáo dục và tâm lý học.

photo-1-16617568327231185026451.jpeg

Thầy Đỗ Cao Sang

Anh được biết đến là người viết gần 3000 bài thơ lịch sử Việt Nam, dịch hơn 100 bài hát tiếng Anh ra thơ tiếng Việt. Ngoài ra, cũng là tác giả của 3 chương trình Xuperteens, Happykids, English Lights Your Homes (tự học tiếng Anh), hiện thu hút hàng nghìn lượt người quan tâm.

Với kinh nghiệm 14 năm giảng dạy, thầy Đỗ Cao Sang nhận thấy 5 sai lầm thường gặp ở người học. Những sai lầm này làm các bạn có thể học rất lâu mà không mấy hiệu quả, dẫn đến bỏ cuộc và thất bại.

photo-1-1661756835623127485567.jpg

Sai lầm thứ nhất: DỤC TỐC VÀ THÍCH MƯU MẸO

Đa số các bạn trẻ Việt Nam đổ xô tìm kiếm những phương pháp "bí truyền" để học tiếng Anh thật nhanh. Từ đó dẫn đến việc họ tung hô và truy đuổi theo những "mưu mẹo" để hòng dễ dàng vượt qua các kỳ thi. Sự thật mất lòng, nhưng thực tế đại đa số các bạn trẻ vẫn đeo đẳng ảo tưởng ngây thơ này.

Cũng chính tâm lý thích truy đuổi mưu mẹo và bí kíp này đã tạo điều kiện cho các trung tâm tiếng Anh tung ra các khóa tiếng Anh cấp tốc để thu tiền như rác. Họ đã đánh đúng tử huyệt "dục tốc" của người học.

Các trường hợp mất cả núi tiền cho trung tâm tôi hay gặp là những gia đình kinh tế khá giả, có điều kiện đầu tư cho con cái. Khi tới tuổi đi du học mới vội vã lo chứng chỉ tiếng Anh cho đạt yêu cầu xét tuyển của các trường. Rất nhiều phụ huynh, nhiều bạn đã hỏi tôi rằng: Thầy có cách nào mà trong 2 tháng em thi đỗ chứng chỉ này, chứng chỉ kia hay không. Trong khi bản thân họ chưa hề có nền tảng tiếng Anh tốt gì và lại mang thêm bệnh lười kinh niên.

photo-2-1661756836661928530952.jpg

Chúng ta có lẽ đều đồng tình với nhau rằng không có con đường nào dẫn đến thành công mà không có chông gai, khó khăn cả. "No victory comes without sacrifice" – Không có thành công nào mà không có sự hi sinh.

"Mưu mẹo" chỉ chiếm tối đa là 20% đóng góp thành công cho bài thi tiếng Anh thôi. Cũng như người muốn đá bóng giỏi thì trước tiên thể chất phải tốt, sức khỏe dẻo dai rồi thêm vào kỹ thuật, mưu mẹo sau. Tiếng Anh cũng vậy, bản thân bạn phải có nội lực, có nền tảng tiếng Anh tốt rồi mới học thêm mẹo để đi thi. Nếu bạn chưa biết chữ tiếng Anh nào mà mong muốn qua vài khóa luyện thi cấp tốc ở các trung tâm để đạt IELTS 7.0 thì thật quá ảo vọng.

photo-3-1661756836139355909049.jpg

Sai lầm thứ hai: XEM NHẸ TỪ VỰNG, HỌC TỪ VỰNG SAI CÁCH

Nguyên nhân người học lười học từ mới là vì từ vựng khó học và học cực kỳ mất thời gian. Người học Anh Văn bị mất phương hướng, không biết vấn đề then chốt của ngôn ngữ chính là cóp nhặt từ vựng một cách bền bỉ, lâu dài và kiên trì như con ong lấy mật, như con chim xây tổ.

Bản chất của tất cả các ngôn ngữ đều cấu thành từ kho từ vựng. Vấn đề của ngôn ngữ và học ngôn ngữ là ở việc nghiên cứu và học từ vựng, không phải ở ngữ pháp. Ngữ pháp gồm có trật tự từ, thì, thể, giống, số và cách. Ngữ pháp tiếng Anh không khó, lại không thay đổi qua hàng trăm năm. Bởi thế, ngữ pháp không hề mất thời gian để học và cũng không hề phức tạp.

Bạn có thấy những đứa trẻ giao tiếp ra sao không? Chúng có thể giao tiếp được sành điệu mặc dù chúng không hề được dạy chút xíu gì về ngữ pháp. Hay những người đi du lịch nước ngoài cũng thế. Họ giao tiếp khá thành công những chủ đề đời thường dù không học qua bất cứ bài ngữ pháp nào.

Điều này nói lên rằng, từ vựng mới là vấn đề then chốt của tiếng Anh nói riêng và ngôn ngữ nói chung. Do đó, như một điều tất yếu, khoảng 80% công sức của người học nên và phải tập trung vào luyện từ vựng, nâng vốn từ. Học càng nhiều từ càng tốt!

photo-4-1661756835645444981037.jpg

Vậy học từ vựng thế nào cho đúng?

Chúng ta cần dựa trên 5 phương diện sau đây khi học một từ:

1. Viết như thế nào (How to spell?)

2. Phát âm ra sao (How to pronounce?)

3. Từ loại gì: danh từ, tính từ, động từ, trạng từ…

4. Nghĩa và dịch (Meaning and translation)

Ở điểm này, người học hay chỉ học một nửa. Chúng ta thông thường mới chỉ biết tới "dịch – translation" mà không quan tâm tới "nghĩa – meaning" của từ.

Chẳng hạn, cùng một từ "đổ" nhưng trong thực tế có biết bao nhiêu kiểu "đổ", mỗi nghĩa lại sử dụng một từ khác nhau, chẳng hạn:

- Pour: Nghĩa là đổ mưa, đổ trà vào ấm

- Collapse: Nghĩa là đổ sụp xuống

- Fall: Nghĩa là đổ nằm ngang

Như vậy phải tùy vào hoàn cảnh mà sử dụng từ cho đúng. Muốn sử dụng đúng chỉ có cách bạn phải học cả nghĩa và cách dịch của một từ.

5. Cụm phổ biến (colocation):

Đây cũng là điểm mà người Việt rất hay "bỏ quên" hoặc lười học. Nhưng khi chúng ta học theo cụm từ thì một từ sẽ tương đương với rất nhiều từ và bạn cũng sẽ học luôn cả cách dùng của từ. Như vậy mỗi ngày bạn học cho thuộc năm hay mười từ thì đã có giá trị như cả trăm từ rồi.

Phần lớn người Việt chúng ta chỉ quan tâm tới học viết từ như thế nào, dịch là gì nên khi cần sử dụng từ mới bị "loạn".

photo-5-1661756836167810035658.jpg

Sai lầm thứ ba: CHẠY THEO TRÀO LƯU

Hồi là sinh viên, tôi có một người thầy đặc biệt. Ông ấy là người xuất sắc tiếng Anh cả về 4 kỹ năng nghe nói đọc viết. Khi mọi người đề nghị ông ấy chia sẻ phương pháp học thì thầy thường chỉ cười và nói: Phương pháp học của tôi nó buồn cười lắm, mọi người không học được đâu.

Nghe vậy, mọi người lại càng tò mò và càng gặng hỏi cho bằng được. Cuối cùng, thầy bảo, "tôi thường lên thư viện đọc truyện tiếng Anh". Đọc hết cuốn này tới cuốn khác. Đọc rất chậm và rất kỹ. Hễ gặp từ mới nào thì tôi ghi ra giấy, về nhà mở từ điển ra tra cứu, học cách đọc, rồi cứ tay viết miệng đọc cho kỳ thuộc.

Cách học của thầy ấy hoàn toàn không có sự trợ giúp của băng, đĩa, đài gì cả vì thời đó, những thứ ấy rất hiếm. Thế nhưng đến khi đi thi nghe thì thầy vẫn nghe được. Vì thầy ấy đã học phát âm đúng ngay từ đầu, vốn từ phong phú nên chỉ cần luyện ít lâu là thầy đã nghe tốt.

Bản thân tôi cũng đã học theo phương pháp này, chép hết tờ này tới tờ khác đến mức thuộc lòng cả quyển dạy tiếng Anh của ông Nguyễn Khuê (in năm 1992). Có người bạn tôi còn kiên nhẫn kinh khủng hơn, chép và nói đến thuộc cả quyển từ điển nhỏ.

Sở dĩ chúng ta coi nhẹ hay "ngán" học theo phương pháp truyền thống nên tập trung học theo phương pháp hiện đại cũng xuất phát do lười (vẫn là lười).

Phương pháp học truyền thống như thầy tôi, như tôi nói trên đúng là rất vất vả và đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại cao. Bạn thử tưởng tượng xem, ngày nào cũng viết từ vựng ra giấy, một bên tiếng Anh một bên tiếng Việt. Tay viết miệng đọc. Viết hết tờ này sang tờ khác đến khi thuộc lòng. Bạn ước chừng mình phải viết bao nhiêu lần và trong bao lâu để thuộc nằm lòng một quyển ngữ pháp, một cuốn tiểu thuyết hay một quyển từ điển?

photo-6-16617568356731508715563.jpg

Vì tâm lý ngại khó, ngại khổ, thích mưu mẹo nên khi các trung tâm quảng cáo những phương pháp học mới cấp tốc, vừa nhàn vừa hiệu quả, v.v… là chúng ta đổ xô đi học. Trong khi phương pháp truyền thống (Grammar Translation) là hiệu quả nhất, dễ học nhất, năng suất nhất, nhớ lâu nhất, không cần phụ thuộc thiết bị gì, hoàn toàn có thể tự học thì chúng ta lại không coi trọng. Các phương pháp hiện đại cũng có những mặt tốt, nhưng người học, thay vì coi đó là 1 kênh học bổ trợ, họ lại tung hô như thuốc tiên.

Theo tôi, không nên thần thánh hóa hoặc coi trọng quá mức những cách học mới. Dù chúng có tốt đẹp, cũng không là linh dược để thay thế lối học truyền thống với sự kiên trì, bền bỉ và nỗ lực của chính người học.

Những tấm gương sáng tiêu biểu cho phương pháp học ngoại ngữ truyền thống là những người như thầy Trương Vĩnh Ký – người biết 28 ngôn ngữ khác nhau hay ông Nguyễn Hiến Lê – dịch giả hai cuốn sách nổi tiếng Đắc Nhân TâmQuẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống. Vào thời cực kỳ khó khăn, các Thầy cũng chỉ tự học ngoại ngữ bằng phương pháp truyền thống mà thôi.

Thông thường, người ta chỉ nhìn thấy "Quả" mà không thấy "Nhân". Ta chỉ thấy người này, người kia đạt điểm cao rồi ngưỡng mộ và nóng lòng đạt được như họ. Như vậy, ta chỉ mới thấy phần hào quang mà không thấy cả quá trình khổ học của người ta.

photo-7-16617568375361000059907.jpg

Sai lầm thứ tư: HIỂU SAI CHỮ "HỌC"

Nếu bạn nghĩ học tiếng Anh là chỉ cần chăm chỉ học trên lớp, hoàn thành trách nhiệm trên lớp thì thật sai lầm!

Ngôn ngữ là văn hóa. Tiếng Anh cũng như vậy. Ta cần học ở mọi nơi, mọi lúc và từ mọi thứ. Đi đường nhìn biển báo, cầm hộp bánh hộp kẹo trên tay chúng ta cũng hoàn toàn có thể học được tiếng Anh. Ghi lại từ chưa biết, tra từ điển và học thuộc. Học ngôn ngữ, do đó, giáo trình, lộ trình không có nhiều ý nghĩa.

Hãy nắm rõ và làm theo nguyên tắc 3E (Every where, Every time, Every thing)!

Học tiếng Anh là hoàn toàn chủ động và tự học. Luôn nghĩ mình đang học tiếng Anh, gặp bất cứ điều gì, cái gì cũng tự hỏi trong tiếng Anh sẽ là thế nào. Cứ như vậy, ta duy trì bền bỉ nhiều năm, nhiều tháng thì đó mới là cách làm đúng đắn. Thầy cô giáo không thể giúp bạn nhồi chữ vào đầu mà chỉ có thể tạo nên nguồn cảm hứng cho bạn tự học mà thôi!

photo-8-16617568376331135321230.jpg

Sai lầm thứ năm: ĐỔ LỖI CHO BÊN NGOÀI

Đây là suy nghĩ sai lầm khá phổ biến của các bạn trẻ và cả các bậc phụ huynh.

Thế nào là một thầy giáo giỏi? Tôi tạm phân thành 3 cấp độ:

- Loại 1: Nói lại những gì ở sách

- Loại 2: Nói lại những gì ở sách có giải thích

- Loại 3: Hướng dẫn học và truyền cảm hứng

Trong đó, bậc thầy đỉnh cao nhất là hướng dẫn học tự học và truyền cảm hứng. Những người thầy thuộc nhóm này trong xã hội không có nhiều trong tất cả các môn, ngành không chỉ riêng tiếng Anh. Trong 100 người may ra chỉ có một hoặc hai người có năng lực truyền cảm hứng thành công.

Lịch sử đã ghi nhận những bậc thầy truyền cảm hứng vĩ đại từ phương Đông như Phật Thích Ca, Khổng Tử, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm và phương Tây như Platon, Scorates… Bản thân họ là tấm gương sáng về học tập và đức tính cần có của người học tập. Ở họ toát ra sự cảm nhiễm, lay động người khác khiến người khác muốn noi theo, làm theo. Từ đó, họ xây nên những thế hệ học trò lỗi lạc. Họ chính là những người Thầy truyền cảm hứng lớn lao.

"Cha mẹ rất hay lầm tưởng là cứ gửi con cho thầy giỏi là thầy có thể biến con mình thành giỏi giang. Nhưng vai trò của thầy giỏi chỉ là để kích cho hạt giống cây nào nở thành cây đó và đi đúng hướng, phát triển được đến tận cùng khả năng của nó. " - Thầy Đỗ Cao Sang

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, nguồn tiếp cận kiến thức là vô biên qua sách vở và internet. Chính vì việc thông tin có thể tìm kiếm dễ dàng như vậy nên người thầy nhiều kiến thức không còn quá quan trọng nữa. Mà quan trọng hơn là khả năng truyền cảm hứng.

Khả năng này xuất phát từ trí thông minh mà người ta gọi là emotional intelligence - thông minh cảm xúc. Người có trí thông minh này không chỉ điều khiển được cảm xúc của mình mà còn của những người xung quanh. Đây cũng là một năng lực có xu hướng được coi trọng trong thế kỷ 21 này.

photo-10-1661756838182784983011.jpeg

Học tiếng Anh cũng vậy, người thầy giỏi hay cực giỏi cũng chỉ là người truyền được cảm hứng, khơi gợi cho người học chứ không phải là người đóng vai trò chủ chốt trong việc học của một người.

Tâm lý kỳ vọng, đặt nặng trách nhiệm vào người thầy cũng dễ bắt gặp ở các bậc phụ huynh. Cha mẹ rất hay lầm tưởng là, cứ gửi con cho thầy giỏi là thầy có thể biến con mình thành giỏi giang. Nhưng vai trò của thầy giỏi chỉ là để kích cho hạt giống cây nào nở thành cây đó và đi đúng hướng, phát triển được đến tận cùng khả năng của nó.

Nếu con bạn là hạt giống cây xoan, thì thầy có giỏi cỡ mấy cũng không thể biến nó thành cây xoài được. Nhưng thầy có thể khiến cây xoan ấy thành cây xoan thật xanh tốt và đúng tính chất của một cây xoan đáng kính.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022