Ngao ngán đối phó bài tập Tết

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến rất gần, không ít học sinh phàn nàn về lượng bài tập thầy cô giáo yêu cầu phải hoàn thành quá nhiều.

Theo nhiều người, việc giao bài tập là tốt, nhưng cũng chiếm quá nhiều thời gian vui chơi, khiến học sinh lo lắng, thậm chí có em bày tỏ: "Tiền lì xì cũng không vui bằng kỳ nghỉ Tết không bài tập".

photo-1-15796091531361468745708.png

Học sinh bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. (Ảnh minh họa)

Bạn Nguyễn Khánh Huyền, học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) bày tỏ, Tết là dịp để nghỉ ngơi, thoải mái vui chơi bên bạn bè và gia đình. Nhưng đi cùng với đó luôn là những bài tập về nhà siêu hóc búa của giáo viên. Với học sinh khối 12, mỗi một môn học lại có một bộ đề, cứ thế nhân lên 6- 7 môn học chính, khiến nhiều em ngao ngán.

"Dù biết giáo viên giao bài tập Tết là muốn học sinh không quá mải chơi mà quên mất kiến thức, nhưng học tập là cả năm, không vì mấy ngày nghỉ mà chúng em "rơi rụng" kiến thức. Em mong Tết này không có bài tập về nhà", Huyền nói.

Nguyễn Đức Hoàng, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam kể, những năm trước các thầy cô đều đưa hàng chục bài tập về nhà mỗi môn. Để làm hết số bài đó cũng phải một tuần. Trong khi nghỉ Tết được 10 ngày, thời gian đâu để chơi. Do đó, mỗi lần Tết đến, những học sinh như Hoàng đều bị ám ảnh bởi khoản bài tập về nhà.

"Chúng em hy vọng thầy cô giảm số lượng bài tập, để học sinh có thời gian cho các hoạt động khám phá, vui chơi. Mỗi ngày giáo viên chỉ nên yêu cầu làm một bài toán, viết một đoạn văn ngắn, vậy là đủ", Hoàng nói.

Lê Hoàng Chung, học sinh trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) vui vẻ cho biết, năm nay các thầy cô không còn giao bài tập về nhà nữa. Thầy cô chỉ đơn giản yêu cầu vui chơi, giúp đỡ bố mẹ, đi kèm với đó là điều khoản trở lại sau kỳ nghỉ lễ Tết, học sinh phải chuẩn bị soạn bài sách vở đầy đủ; bạn nào thiếu sẽ bị phạt.

"Thực tế làm bài tập dịp Tết gần như là "đối phó". Có nhiều bạn còn mượn vở bài tập của nhau để chép cho đầy đủ, làm đúng thông lệ cô giáo kiểm tra là "thoát nạn", Chung chia sẻ.

Tết để chơi, không phải để học

Trong khi học sinh muốn có kỳ nghỉ Tết không phải lo chuyện bài tập về nhà, thì giáo viên lại trăn trở nếu làm như vậy các em sẽ bị quên kiến thức, hay có tâm lý "ngại học" sau Tết. Thầy cô mong mỗi ngày học sinh dành khoảng thời gian nhất định làm bài tập để duy trì nếp học tập.

Cô Tuyết Mai, trường THPT Đoan Hùng (Phú Thọ) cho rằng, việc giao bài tập dịp Tết là thói quen cuối năm của tất cả giáo viên và học sinh. Mục đích muốn các em không quá ham chơi, bỏ bê việc học.

Sau mỗi dịp nghỉ Tết tinh thần học tập và chất lượng bài của học sinh đi xuống rất nhiều, vì các em dễ dàng bị sao nhãng, không tập trung vào việc học. Ngay cả nề nếp học, giờ giấc hoạt động vui chơi cũng bị xáo trộn. Do đó việc giao bài về nhà để học sinh giữ được thói quen như đi học.

Tuy nhiên, theo cô Mai, nhiều giáo viên đang hiểu sai về mục đích giao bài tập Tết. Một là giao quá nhiều bài, hai là đề bài kiến thức quá nặng, khiến học sinh ngao ngán và ám ảnh làm phản tác dụng ban đầu của việc làm này.

Cùng quan điểm, cô Phạm Thái Lê, giáo viên trường Marie Curie (Hà Nội) bày tỏ, sau nhiều lần "lì xì" học sinh bằng bài tập, cô nghiệm ra rằng: "Giao nhiều bài tập cũng không giúp học sinh giỏi lên. Học sinh phải làm bài tập trong tâm lý không thoải mái, không hứng thú thì cũng không có nhiều tác dụng".

Vài năm trở lại đây cô Thái Lê không giao bài tập Tết cho học sinh nữa. Cô chỉ yêu cầu các em về nhà vui Tết an toàn, lành mạnh, ngoan ngoãn và soạn bài kỹ trước khi đến lớp sau kỳ nghỉ là được. Quan điểm này của cô nhận phản hồi tích cực từ học sinh.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho hay, 20 năm gắn bó với nghề, thầy chưa bao giờ giao bài tập Tết cho học sinh. Lý do là hiện nay việc học tập của học sinh Việt Nam khá căng thẳng. Ngoài học chính khóa, nhiều học sinh phải "chạy sô" học thêm.

Nếu trong kỳ nghỉ Tết, các em lại bị giao bài tập, căng thẳng càng bị đẩy lên cao. Kỳ nghỉ Tết nên để các em có thời gian giúp đỡ ba mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, cũng là thời gian nghỉ ngơi. Quan trọng nhất là giáo viên tuyên truyền cho học sinh ăn Tết và vui Tết lành mạnh.

Cùng cách làm, TS Đinh Hồng Anh, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, từ lâu cô không còn giao bài tập Tết cho các bạn sinh viên. "Tôi thường nói nhà trường cho các em nghỉ Tết thì các em cứ nghỉ, còn khi yêu cầu chúng ta học thì chúng ta học nghiêm túc. Tết là để chơi, không phải để học".

Theo cô Hồng Anh, giáo viên nên giảm nhẹ hoặc bỏ hẳn việc giao bài tập Tết cho các em. Chương trình kiến thức hàng ngày, hàng tuần đã đủ nặng rồi, vì thế hãy để các em được thư giãn, được tìm hiểu những điều ngoài đường thay vì cắm đầu vào sách vở.

"Chúng tôi không sợ các em học kém hay quên kiến thức sau kỳ nghỉ Tết. Chỉ sợ các em không biết gì ngoài sách vở, đó mới là điều kinh khủng trong giáo dục", cô Hồng Anh nói

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022